Cần luật hóa giá trị của báo cáo kiểm toán độc lập?
Giá trị của báo cáo kiểm toán độc lập là một trong các nội dung được quan tâm nhiều tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Kiểm toán độc lập ngày 13/11.
Điều 6, dự thảo luật đã quy định giá trị của báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán tuân thủ, báo cáo kiểm toán hoạt động cũng như việc sử dụng báo cáo kiểm toán độc lập bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cổ đông, nhà đầu tư, các bên tham gia liên doanh, liên kết, các khách hàng và tổ chức, cá nhân khác … như là một ý kiến của tổ chức tư vấn độc lập nhằm phục vụ yêu cầu quản lý, kinh doanh của mình.
Tại cơ quan thẩm tra -Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - một số ý kiến cho rằng không cần thiết quy định giá trị báo cáo kiểm toán trong luật. Song, nhiều ý kiến khác cho rằng, cần phải làm rõ bản chất và sự khác nhau giữa kiểm toán độc lập với kiểm toán Nhà nước và kiểm toán nội bộ, vì vậy việc quy định giá trị kiểm toán trong dự thảo luật là cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều vị đại biểu, trong đó có đại biểu Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn về giá trị báo cáo của kiểm toán độc lập. Bởi “kiểm toán độc lập các nước đều có, nhưng pháp luật của họ rất nghiêm chứ không như ở nước ta. Quan trọng nhất là làm rõ quyền và phạm vi của kiểm toán độc lập đến đâu chứ không thể tây có gì ta có nấy”, đại biểu Thuyết nói.
Cũng liên quan đến giá trị sử dụng của báo cáo kiểm toán, đại biểu Nguyễn Văn Triền đề nghị nên quy định rõ giá trị pháp lý của báo cáo, nếu báo cáo đưa ra kết luận sai thì trách nhiệm pháp lý thuộc về ai?
Bên cạnh nội dung này, nhiều vấn đề khác của dự án luật cũng khiến các vị đại biểu băn khoăn. Như quy định giám đốc doanh nghiệp kiểm toán phải đóng góp 10% cổ phần và kiểm toán viên là nước ngoài phải biết tiếng Việt và có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên ở doanh nghiệp kiểm toán, tổ chức khác tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng những quy định này là không hợp lý và không khả thi. Bởi, để hành nghề tại Việt Nam thì việc yêu cầu các kiểm toán viên nước ngoài phải hiểu biết về luật pháp Việt Nam là hợp lý, còn quy định họ phải thi sát hạch bằng tiếng Việt là chưa phù hợp trong bối cảnh hội nhập cũng như chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán ở Việt Nam vẫn cần có các kiểm toán viên là người nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam đã cho phép các nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán của các nước thành viên khác (không có hiện diện thương mại tại Việt Nam) được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới (cho các doanh nghiệp tại Việt Nam) .
Cho nên, việc yêu cầu các kiểm toán viên nước ngoài phải có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên tại doanh nghiệp kiểm toán, tổ chức khác tại Việt Nam mới được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam cũng cần phải xem lại.
Nguyên Bình
tbktvn
|