Thứ Ba, 16/11/2010 10:27

Cấp phép công ty kiểm toán, không đồng thuận trao quyền cho Bộ Tài chính

Với sự nhất trí cao việc cần thiết phải ban hành Luật Kiểm toán độc lập, các đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều điều băn khoăn xung quanh dự thảo Luật này. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập ngày 13/11.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan

Về chức năng cấp giấy phép thành lập công ty kiểm toán (CTKT), theo tôi, không nên để Bộ Tài chính cấp phép. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phân cấp cho các Sở) cấp phép bình thường và Bộ Tài chính phối hợp giám sát, xác nhận điều kiện thành lập. Nhiều công ty kiểm toán độc lập không chỉ hoạt động kiểm toán, mà có hoạt động tư vấn. Nếu không đủ điều kiện hoạt động kiểm toán, Bộ Tài chính không cấp phép thì doanh nghiệp (DN) lại không được thực hiện các hoạt động khác. Một vấn đề khác, trong dự thảo Luật yêu cầu CTKT phải có báo cáo minh bạch, tuy nhiên lại không quy định cụ thể báo cáo minh bạch là gì, báo cáo như thế nào.

Về loại hình DN, không nên phân biệt DN kiểm toán với các DN khác, nên đưa ra các loại hình DN như trong Luật DN. Tôi không đồng tình với quy định rằng, Tổng giám đốc CTKT phải sở hữu 10% trong một DN kiểm toán. Theo Luật DN thì DN có thể thuê cả Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT… Quy định như dự thảo Luật sẽ hạn chế nguồn nhân lực vào hoạt động kiểm toán, vì có thể người giỏi nhưng không có tiền sẽ không được làm Tổng giám đốc CTKT.

Theo quy định tại dự thảo Luật, không cho tổ chức góp vốn vào công ty kiểm toán độc lập. Quy định như vậy là không hợp lý, vì DN kiểm toán có tính đặc thù, nhưng không phải đặc thù về kinh tế, mà đặc thù về chuyên môn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Sơn

CTKT có tính đặc thù cao, quản lý chặt chẽ, nhưng tôi không đồng tình với quy định để Bộ Tài chính cấp phép. Bộ Tài chính sẽ không kham nổi, dẫn đến "phình" bộ máy hành chính. Đây là DN có điều kiện, nhưng tôi thấy, để đi vào hoạt động có quá nhiều bước, nhiều thủ tục. Sau khi đáp ứng một loạt điều kiện về vốn, số lượng kiểm toán viên… DN sẽ được cấp giấy chứng nhận kiêm giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, DN chưa được hoạt động ngay, mà phải chờ Bộ Tài chính ra thông báo danh sách DN kiểm toán được hành nghề. Tôi nghĩ, đây là một loại giấy phép con. Trong dự thảo Luật không có quy định điều kiện như thế nào thì được vào danh sách của Bộ Tài chính.

Về các hình thức và loại hình DN, dự thảo Luật đang bó hẹp chỉ có công ty TNHH. Tuy nhiên, CTKT làm nhiều dịch vụ khác như định giá tài sản, tư vấn tài chính thì cũng có thể là công ty cổ phần. Theo tôi, dự thảo Luật cần quy định cấp bậc của các kiểm toán viên, vì khi hành nghề kiểm toán, không phải ai cũng giỏi giống nhau. Yếu tố đánh giá trình độ kiểm toán viên đó là kinh nghiệm, thời gian, những dự án, DN tham gia kiểm toán.

Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Anh

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập đưa ra điều kiện nghặt nghèo, tôi thấy cần thiết. Vừa qua, dư luận chỉ trích nhiều việc thành lập ồ ạt CTCK, công ty quản lý quỹ. Hơn nữa, báo cáo kiểm toán tài chính ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các nhà đầu tư và xã hội, nên cần kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp bản báo cáo đó.

Tôi nghĩ, Bộ Tài chính siết chặt là đúng, nhưng phải đặt trong bối cảnh chung của các luật khác. Bộ Tài chính nên đặt điều kiện và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, như thế sẽ đúng chức năng, nhiệm vụ và gọn nhẹ.

Đang có hiện tượng, nếu muốn có báo cáo tài chính thì đến một công ty luật và trả một số tiền là có. Như thế là quá dễ dàng, không thể chấp nhận được. Tôi thấy trong dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm nhiều, nhưng không chặt chẽ. Ví dụ, quy định hành vi vi phạm quy định do thiếu cẩn trọng, cố tình…, nhưng thế nào là cố tình và thiếu cẩn trọng? Theo tôi, cứ báo cáo tài chính có gian lận, làm sai lệch hồ sơ kiểm toán thì phải chịu trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch

Để kiểm soát DN vi phạm công khai tài chính, có 3 loại kiểm toán: tiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước. Tôi thấy, vai trò kiểm toán độc lập rất quan trọng, đây là chứng cứ để tin vai trò tài chính minh bạch của DN. Để luật này đi vào cuộc sống, có mấy vấn đề. Thứ nhất, hiện nay hình thức các công ty kiểm toán độc lập có thể là công ty hợp doanh hoặc DN tư nhân. Quan điểm của chúng tôi, nghề này cần uy tín con người, không nên tổ chức công ty cổ phần. Vốn không quan trọng với loại hình DN này. Thứ hai, dự thảo Luật chưa nâng cao vị trí, vai trò của Hội Kiểm toán viên hành nghề. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp nên để Hiệp hội quản lý, chứ không nên để Bộ Tài chính. Những người muốn làm kiểm toán thì phải tham gia thành viên Hiệp hội này. Ví dụ, Hiệp hội Kiểm toán của Anh có 125.000 thành viên trên thế giới. Trong nội dung quản lý nhà nước, Bộ Tài chính ban hành các quy định kiểm tra giám sát là chính, còn các hoạt động cụ thể và đạo đức thì Hiệp hội làm việc này.

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ủy ban Kinh tế cho rằng, kiểm toán là ngành kinh doanh có điều kiện. Việc thành lập DN kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN kiểm toán không chỉ thực hiện theo Luật DN, mà còn phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể, ví dụ như điều kiện về số lượng kiểm toán viên hành nghề tối thiểu, điều kiện đối với các chức danh quản lý của DN kiểm toán… Hoạt động kiểm toán góp phần minh bạch thông tin, giúp cho công chúng và nhà đầu tư đưa ra các quyết định liên quan đến DN, nên cần phải được quản lý và giám sát chặt chẽ, thông qua việc cấp phép thành lập và hoạt động. Vì vậy, cần tập trung vào một đầu mối là Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập, có đội ngũ chuyên môn về lĩnh vực liên quan có đủ khả năng thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ kiểm toán để cấp giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động.

Thanh Đoàn lược ghi

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Chuyên gia IMF "mổ xẻ" sự mất giá của tiền đồng (15/11/2010)

>   Cần luật hóa giá trị của báo cáo kiểm toán độc lập? (14/11/2010)

>   Bài toán hài hòa giữa vàng, USD, lãi suất: Giải thế nào? (14/11/2010)

>   Chủ động ổn định thị trường vàng và tiền tệ (13/11/2010)

>   Luật hóa dịch vụ kiểm toán (12/11/2010)

>   Chính sách tài khóa chưa minh bạch (11/11/2010)

>   Đằng sau những quyết sách điều hành (11/11/2010)

>   Công ty Mỹ muốn lập trung tâm thông tin tín dụng (10/11/2010)

>   Lập tổ theo dõi bán và thanh toán nhập khẩu (10/11/2010)

>   Tầm nhìn nào cho VND ? (10/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật