Cổ phiếu ngược dòng sàn HNX: Hài hước với thanh khoản
Cả hai sàn chứng khoán rực lửa hôm nay trong làn sóng bán ra. Tuy nhiên vẫn có khá nhiều cổ phiếu “lững lờ” tăng trần nhờ vài lô khớp lệnh.
Thống kê cuối ngày thì HOSE có 2 mã tăng trần là CMX và DVD trong khi 84 mã giảm sàn và 129 mã khác giảm giá. HNX có tới 5 mã kịch trần và 279 mã giảm, trong đó 68 mã chạm sàn.
Diễn biến tăng giảm ngược dòng trên thị trường là điều vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, chuyện hài hước là nhà đầu tư nào “rỗi việc” chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là có thể thay đổi cả trăm triệu đồng giá trị vốn hóa của một doanh nghiệp.
Thanh khoản thấp là nguyên nhân của những hiện tượng thú vị này. PTM trên sàn HNX là một ví dụ. Hôm nay PTM khớp được đúng 3 lệnh trong hơn 2 giờ giao dịch: 1 lô giá sàn lúc mở cửa, 1 lô sát tham chiếu và 1 lô giá trần lúc đóng cửa.
PTM cũng nằm trong xu hướng chung của thị trường đang yếu. Vài trăm cổ phiếu được đặt mua ở các mức giá thấp trong khi không có người bán khiến giao dịch đóng băng. Tuy nhiên, gần lúc kết thúc phiên giao dịch, đột ngột xuất hiện một lệnh mua giá trần và rất “hợp thời”, xuất hiện thêm một lệnh bán giá trần. Cung cầu gặp nhau và đồ thị kỹ thuật của PTM được vẽ “cực đẹp” khi giá mở cửa mức sàn và đóng cửa kịch trần.
Dĩ nhiên với giới đầu tư, đồ thị kỹ thuật được “vẽ” thô thiển như vậy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Điều thú vị là chỉ cần tốn vài trăm ngàn đồng cũng “làm giá” được cổ phiếu này.
Trong số các mã kịch trần còn lại của HNX, QST, BXH và VDL còn hài hước hơn khi chỉ được khớp đúng 1 lô 100 cổ phiếu. QST khớp trần ngay lúc mở cửa rồi đóng băng suốt thời gian còn lại. Cổ phiếu này có thêm một lệnh bán sát giá sàn nhưng chẳng ai mua thêm và giá tham chiếu phiên tới vẫn “kịch trần”. Nếu có nhà đầu tư nào “ngứa tay” bỏ ra 140.000 đồng mua vào một lô thì đồ thị QST lại “cực xấu”: Mở cửa giá trần và đóng cửa sát sàn!
Thanh khoản quá kém là điều kiện thuận lợi để không ít nhà đầu tư chơi đùa với diễn biến giá. Sàn HOSE có phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa với phương thức dồn lệnh tập trung. Mặc dù cách tính giá khớp như vậy cũng công bằng hơn nhưng nhiều lúc cũng chỉ cần “tiêm” một vài lô là có thể lấn sang bước giá tiếp theo để thay đổi giá khớp.
Phương thức khớp định kỳ kết hợp với chế độ hiển thị 3 giá tốt nhất đã tạo nên chiến thuật “rải đinh” rất thú vị. Nhà đầu tư chỉ cần đặt vào 1 lô 10 cổ phiếu tối thiểu là chiếm được một cột giá, đẩy các lệnh mua/bán khác lùi lại phía sau. Đã có lúc để chơi đòn tâm lý, nhà đầu tư “rải đinh” kín cả 3 cột giá với khối lượng tối thiểu. Người mua hay bán không biết, cứ tưởng “phe địch” che giá để “hốt” hay “ụp” khối lượng của đối phương.
Dĩ nhiên đa số trường hợp khối lượng giao dịch lớn và chiến thuật che giá là có ý đồ thực sự. Tuy nhiên vẫn có trường hợp người rải định chỉ để dọa nhằm hạn chế bán ra hay mua vào, thậm chí đặt lệnh cho đỡ buồn.
Chính yếu tố thanh khoản khiến các thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn và biến động giá quá mạnh. Phân tích kỹ thuật vì thế rất khó sử dụng, thậm chí có thể bị “lừa” trong những đợt tăng giảm phát tín hiệu xu hướng giả tạo với một số cổ phiếu cá biệt.
Khánh Hà
TBKTVN
|