Vốn ngoại có chọn sai thời điểm?
Điểm nhấn của thị trường chứng khoán từ đầu tuần đến nay là sự đột biến của dòng vốn ngoại.
Nỗ lực mua vào rất mạnh tại nhóm cổ phiếu lớn đã khiến chỉ số có sự khởi sắc. Nhưng, liệu khối ngoại có mắc lại lỗi của 6 tháng đầu năm?
Nhịp độ mua vào
Mới tính trong 3 phiên giao dịch của tuần này, tổng giá trị vốn mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên cả hai sàn đã lên tới 482,75 tỷ đồng, tăng 44% so với cả tuần trước.
Nếu nhịp độ mua vào vẫn còn giữ được trong hai phiên tới đây, rất có thể tuần này sẽ là một kỷ lục trong 16 tuần liên tiếp. Mức cao nhất mà khối này mua ròng tính theo tuần là 596,1 tỷ đồng trong thời gian từ 21-25/6/2010.
Sàn HOSE - nơi tập trung phần lớn các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài - lần đầu tiên ghi nhận chuỗi 7 phiên liên tục khối lượng mua vào chiếm trên 10% thanh khoản khớp lệnh toàn thị trường. Đặc biệt phiên ngày 6/10 tỷ trọng này lên tới 20,83%, mức đỉnh kể từ phiên ngày 22/7/2009!
Dĩ nhiên tỷ trọng giao dịch mua của khối ngoại tăng đột biến vừa qua một phần cũng vì thanh khoản thị trường giảm. Bình quân chỉ khoảng 33,2 triệu đơn vị mỗi phiên trong 10 phiên gần nhất.
Các động thái mua bán khác thường của nhà đầu tư nước ngoài luôn gây chú ý. Nói chung, biểu hiện thực tế của khối này thường khác nhà đầu tư trong nước: họ mua mạnh khi thị trường giảm và bán ra khi thị trường tăng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 đến nay, thị trường hầu như không có sóng lớn, và khó có thể nói dòng vốn ngoại có cơ hội thoát ra một cách an toàn và có lãi.
Thống kê từ đầu năm với riêng các giao dịch cổ phiếu trên hai sàn, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại đạt xấp xỉ 10.523 tỷ đồng. Phân bổ cho các tháng thì đỉnh điểm giá trị mua vào tập trung tại tháng 4 (2.387 tỷ đồng), tháng 5 (1.153 tỷ đồng) và tháng 6 (1.412 tỷ đồng).
Trong thời gian này, chỉ có duy nhất tháng 4 thị trường khởi sắc, nhưng mức tăng trưởng tính theo VN-Index cũng chỉ 10,7%, khó thể gọi là một sóng tăng đúng nghĩa. Mặc dù có thể từng nhà đầu tư nước ngoài riêng biệt lãi hoặc lỗ khác nhau nhưng nhìn tổng thể, không thể nói các giao dịch mua là hiệu quả.
Đó là chưa kể đến hoạt động mua vào càng ngày càng mạnh trong hai tháng kế tiếp. Tuy nhiên điều đó cũng không mấy ý nghĩa vì tính chung cả 10 tháng, có trên 10.500 tỷ đồng rót ròng vào thị trường, mà VN-Index tính đến hôm nay vẫn giảm gần 6,9%.
“Kẹp” cho dài hạn?
Ấn tượng về số vốn khổng lồ mà nhà đầu tư nước ngoài bỏ vào hai sàn chứng khoán còn có ẩn ý khác: khó có thể là xuất phát từ dòng vốn có sẵn!
Điều này đơn giản vì hoạt động mua ròng liên tục kéo dài từ đầu năm chứ không xuất phát sau một đợt bán ròng. Số liệu rời rạc từ cơ quan quản lý cũng cho biết nửa đầu năm 2010 cũng có vài trăm triệu USD vốn gián tiếp mới vào. Những động thái mới đây như việc giảm giá đồng nội tệ cũng tạo nên kỳ vọng thúc đẩy dòng vốn này.
Một số chuyên gia lại cho rằng khả năng này là không lớn. Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng lượng tiền tập trung ở Đông Á đang rất lớn. Chính sách tiền tệ của các nước phát triển vẫn duy trì trạng thái nới lỏng. Vậy lượng vốn đó sẽ đi đâu? Đứng ở góc độ vĩ mô, chúng ta thường sợ dòng tiền nóng vì thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu vẫn là quỹ ngắn hạn, thiếu vắng các quỹ tương hỗ, quy hưu trí, quỹ bảo hiểm…
“Nhưng có điều may mắn là dòng tiền nóng không hẳn sẽ tìm đến Việt Nam. Ví dụ sẽ rất khó để huy động được dòng vốn lúc này từ Nhật vào Việt Nam. Vì người Nhật đem tiền vào sợ hai rủi ro: VND ngày càng mất giá so với USD dù USD thế giới đang mất giá mạnh. Rủi ro thứ hai là đồng Yen lại đang lên giá so với USD”.
“Cho nên phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài mà tôi gặp đang hướng nhiều đến hoạt động đầu tư vào các cổ phiếu của doanh nghiệp chưa lên sàn và 2 - 3 năm tới họ đưa lên sàn thì thoái vốn thuận lợi hơn. Tôi cho rằng trò chơi đó hiện đang được quan tâm nhiều hơn là chơi trực tiếp trên thị trường niêm yết. Điều này cũng phù hợp với chính sách vĩ mô vì có thời gian dài ở lại”, ông Thành nói.
Ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long, từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, cũng cho rằng khối ngoại có dấu hiệu chưa quan tâm nhiều tới Việt Nam trong thời điểm hiện tại, do các dấu hiệu kinh tế vĩ mô Việt Nam chưa tốt, cụ thể là mặt bằng lãi suất quá cao trong thời gian dài có thể sẽ làm cho sản xuất khó khăn/đình đốn. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy các tổ chức đầu tư lớn đang chờ đợi thời điểm 2012 để tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam, bởi khi đó, theo lộ trình của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khu vực tài chính sẽ thuận lợi hơn với các tổ chức lớn.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tại một cuộc hội thảo hồi tháng 9 vừa qua, khoảng 2 tỷ Đô la Mỹ vốn vay ủy thác đầu tư (carry trade) đã vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất USD. Tuy nhiên đây là dòng vốn nóng và ít có cơ hội rót vào thị trường tài sản vì khi đó họ phải đổi ra VND và phải tính đến câu chuyện trượt giá trong tương lai khi rút vốn ra.
Những biến động thực tế từ hoạt động mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại từ đầu năm đến nay rất có thể là biểu hiện của dòng vốn dài hạn mới hoặc vốn bổ sung của nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam. Độ bền của dòng vốn sẽ dài hơn và trước mắt họ đang được lợi nhờ đồng VND yếu.
Khối ngoại đang thua trong ngắn hạn, nhưng chưa thể khẳng định điều đó trong dài hạn.
Nguyễn Hoàng
TBKTVN
|