Thứ Bảy, 09/10/2010 07:29

Vì sao khối ngoại liên tục mua ròng

Tính từ đầu năm, mặc dù chỉ số VN-Index đã để tuột mất khoảng 12%, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì động thái mua ròng liên tục.

Kể từ đầu năm nay, khối nhà đầu tư nước ngoài đã có chuỗi mua ròng 9 tháng liên tiếp. Tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị mua ròng của khối ngoại gần 9.100 tỷ đồng, tương đương 466 triệu USD.

Liên tục mua ròng

Có thể nhận xét chung là lực mua của khối ngoại duy trì khá đều trong 9 tháng qua. Ngay những lúc TTCK đi ngang, hay có những phiên điều chỉnh giảm, khối ngoại vẫn miệt mài mua. Họ vừa mua những mã bluechips mang tính đầu tư dài hạn, nhưng cũng có những mã mua để lướt. Không thể phủ nhận hành động mua của khối ngoại đã nâng đỡ nhiều về tâm lý cho những nhà đầu tư cá nhân, mang tính tích cực cho thị trường.

Quan sát biểu đồ mua ròng những tháng vừa qua, thấy rằng tháng 6 là tháng được khối ngoại mua vào mạnh nhất với lượng mua đạt gần 100 triệu đơn vị. Đây cũng là tháng mà chỉ số dao động lình xình quanh mốc 500 điểm.

Ở biểu đồ mua ròng, tháng 4 và tháng 6, lượng mua của khối ngoại cũng ở mức cao, đều trên 25,7 triệu đơn vị. Trong khi đó, tháng 8 vừa qua, khi chỉ số rớt từ mốc 500 điểm về 421 điểm, thì khối ngoại vẫn duy trì mua ròng với lượng mua ròng hơn 15 triệu đơn vị.

Trong tháng 9, mặc dù tình hình thị trường vẫn chưa có nhiều khả quan nhưng nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giải ngân mạnh; giá trị mua ròng tăng mạnh so với 2 tháng trước. Tổng lượng mua vào của khối ngoại đạt 80,5 triệu đơn vị, giá trị mua vào tăng thêm 200 tỷ lên hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng bán ra lại giảm nhẹ còn gần 54 triệu đơn vị; giá trị bán đạt 1.831 tỷ đồng. Tính chung lượng mua ròng trong tháng 9 đạt 1.177 tỷ đồng. Trong tháng, khối ngoại chỉ bán ròng 1 phiên duy nhất vào ngày 24/9 (bán ròng 21 tỷ đồng). Đặc biệt, lượng mua của khối ngoại tập trung nhiều vào các phiên cuối tháng.

Vì sao khối ngoại liên tục mua ròng ?

Thứ nhất, do cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Việc kỳ vọng điểm đáy của suy thoái kinh tế đã qua đi sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán các nước.

Thứ hai, đó là do nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) thực sự tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế và TTCK VN thời gian tới. GDP của VN dự kiến đạt 6,7%/năm, cao hơn kế hoạch đề ra (6,5%/năm). Lạm phát tháng 9 nếu có cao thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát và dự kiến lạm phát cả năm vẫn là một con số. Việc thực hiện Thông tư 13 là một bước đi quan trọng, với ý nghĩa lớn là giảm rủi ro của hệ thống ngân hàng VN, đồng thời từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, còn có các thông tin tích cực như tình hình nhập siêu tháng 8 giảm so với tháng trước đó, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 13,7% so với cùng kỳ 2009; VN tiến thêm 16 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu...

Thứ ba, mặt bằng giá cổ phiếu của VN ở khá thấp và hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Với P/E toàn thị trường hiện nay chỉ vào khoảng 8-10 lần thì đây thực sự là một cơ hội hấp dẫn cho NĐTNN, trong khi ở các nước hay khu vực lân cận đều có chỉ số P/E khá cao như Mỹ (14,5), Anh (12,6), Thái Lan (12,3)...

Thứ tư, việc đầu tư của khối ngoại là theo trung, dài hạn và căn cứ vào vùng giá mục tiêu khi giá cổ phiếu đã giảm về cùng tương đối hấp dẫn chứ không đầu tư theo phương pháp lướt sóng như bộ phận nhà đầu tư trong nước.

Tái cơ cấu

Tuy nhiên khối ngoại không chỉ mua ròng. Quan sát diễn biến giao dịch của khối ngoại, có những tháng họ tăng mua song cũng đồng thời tăng cường bán ra. Họ đã bán mạnh ra các cổ phiếu hiệu quả sinh lời thấp như cổ phiếu điện, thậm chí cả cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh các cổ phiếu nhỏ được mua từ nhiều năm trước. Chẳng hạn, Quỹ PXP đang đăng ký bán ra KSB, TMS, SSC, GIL... Rồi trường hợp như mã PPC, VSH trong tháng 5 đã bị khối ngoại xả ra khá mạnh. Hiện tại, hoạt động tái cơ cấu của các quỹ đầu tư ngoại vẫn đang diễn ra liên tục.

Nhận xét về điều này, ông Lê Văn Thanh Long - Giám đốc phát triển khách hàng Cty SMES lý giải, động thái giao dịch này mang màu sắc đầu tư giá trị xen lẫn với việc lướt sóng trong các vùng giá khác nhau: NĐTNN nhìn vào các nhân tố cơ bản và chưa tin vào khả năng bứt xa của thị trường, bởi vậy mỗi khi thị trường tăng mạnh vượt quá “vùng mua”, họ lại hiện thực hóa lợi nhuận và mua lại khi thị trường rớt sâu. “Thực chất một số vẫn đang miệt mài đầu tư giá trị nhưng không thụ động”.

Hiện tại, tỷ trọng mua bán của khối ngoại không lớn nhưng các tổ chức mới xuất hiện với chiến lược “mua và nắm giữ” có vai trò quan trọng. Họ sẽ làm nền để thị trường xác lập một mặt bằng giá mới như trong quá khứ và khối nhà đầu tư trong nước mua đẩy lên. Tự thân khối nhà đầu tư tổ chức trong nước thời gian vừa qua vẫn chủ yếu hướng đến hoạt động đầu cơ ngắn hạn nên VN-Index tăng trưởng không bền vững.

Lê Thành Công

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   TTCK: Đang hình thành dấu hiệu 'bong bóng' kinh tế mới (09/10/2010)

>   Chuyện 2 cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (09/10/2010)

>   NĐT tại CTCK Thiên Việt: Bỗng dưng mang nợ… 3,2 tỷ đồng? (09/10/2010)

>   Chất lượng thông tin luôn là vấn đề (08/10/2010)

>   UPCoM-Index chạm mức thấp nhất 4 tháng (08/10/2010)

>   HTV: Lại chiêu “ve sầu thoát xác” trên TTCK? (08/10/2010)

>   Lo biến động lãi suất tác động tới thị trường (08/10/2010)

>   C92 giải trình về việc tăng trần nhiều phiên liên tiếp (08/10/2010)

>   Thị trường ra ngoài vùng suy đoán (08/10/2010)

>   Thị trường chứng khoán tháng 10 : Ít cơ hội bứt phá (08/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật