Lo biến động lãi suất tác động tới thị trường
Lạm phát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá... sẽ là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán thời gian tới.
Đó là ý kiến của các chuyên gia tham gia Toạ đàm về bức tranh kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2010 được tổ chức tại trụ sở cơ quan Báo Đầu tư. Theo ông Thế Anh (Công ty Chứng khoán Thăng Long), nhìn lại tình hình kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, có thể thấy những tín hiệu khá tốt. Đây chính là những chỉ số rất quan trọng phản ánh kết quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp chính là chi phí đầu vào tăng cao, trong đó chi phí lãi suất cao đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Thăng Long, bình quân tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hiện vào khoảng 20%. “Trong khi đó, doanh nghiệp phải đi vay vốn ngân hàng với lãi suất khoảng 16 - 17%. Điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp”, ông Thế Anh nhận định.
Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc khó tiếp cận vốn ngân hàng khiến doanh nghiệp chuyển sang kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu. Thời gian qua, tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số hồ sơ đăng ký xin phát hành cổ phiếu rất lớn. “Năm 2010, lượng cổ phiếu phát hành ra công chúng, lẫn phát hành riêng lẻ sẽ tăng đột biến, cao hơn cả thời kỳ thị trường sôi động năm 2007”, ông Sơn nói.
Theo các chuyên gia, một số doanh nghiệp vẫn duy trì được kết quả kinh doanh tốt nhờ “dư âm” của chính sách lãi suất ưu đãi năm trước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là, nếu mặt bằng lãi suất ngân hàng không giảm, thì liệu các doanh nghiệp có thể duy trì được kết quả kinh doanh như thời gian qua?
Trên thực tế, lãi suất có thể giảm được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như lạm phát, tỷ giá, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ… Theo ông Thế Anh, một trong những điều kiện để hạ mặt bằng lãi suất là Chính phủ cần phải hạn chế việc phát hành trái phiếu trong thời gian tới, vì việc phát hành trái phiếu nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến luồng vốn của nền kinh tế.
Đánh giá về ảnh hưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), các chuyên gia cho rằng, CPI tháng 9 đã tăng khá cao, nhưng có thể chỉ mang tính thời vụ, vì bị chi phối mạnh bởi sự tăng giá đột biến của mặt hàng giáo dục, cũng như tình hình thiên tai tác động đến giá cả của mặt hàng lương thực, thực phẩm…
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng không nên chủ quan về diễn biến giá cả của tháng 10 và những tháng cuối năm 2010. Ông Nguyễn Sơn cho biết, qua quan sát diễn biến giá cuối tháng 9 và đầu tháng 10, có thể thấy, giá cả một số mặt hàng cũng đã bị đẩy lên. “Động thái hiện nay cho thấy, tình hình CPI tháng 10 có thể sẽ không cao như tháng 9, nhưng cũng khó duy trì ở mức thấp như các tháng trước đó”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, tình hình lạm phát còn phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô khác, như biến động của tỷ giá. Theo các chuyên gia, nếu đồng tiền nội tệ tiếp tục mất giá, thì có thể sẽ làm cho chi phí đầu vào của một số doanh nghiệp tăng cao, khi phải nhập nguyên liệu và điều này cũng sẽ đẩy lạm phát tăng.
Theo ông Nguyễn Sơn, qua theo dõi diễn biến kinh tế thế giới, có thể thấy một hiện tượng là, sự cạnh tranh tiền tệ giữa các quốc giá lớn. Điều này có thể sẽ tác động đến diễn biến tỷ giá giữa các quốc gia và gây sức ép đến chính sách tỷ giá trong nước.
Chí Tín
Đầu tư
|