Thứ Sáu, 08/10/2010 06:14

OTC thất thế, cơ hội cho UPCoM?

Thị trường OTC đang lâm vào cảnh nguy kịch khi vài tháng trở lại đây lượng giao dịch giảm dần, dẫn đến mất thanh khoản. NĐT tìm cách bán tháo hàng; các doanh nghiệp (DN) loay hoay chọn lựa sàn để niêm yết. Với điều kiện niêm yết đơn giản như hiện nay, liệu UPCoM có phải là lựa chọn số một?

OTC bán không ai mua

Dòng tiền dường như đang đổ dần về hai sàn niêm yết khi những CP trên hai sàn được cho là giá rẻ. Có lẽ nỗi lo sợ vỡ chợ không chỉ phủ lên NĐT mà ngay cả những môi giới chuyên nghiệp cũng đang tìm cách thoát hàng trong nhiều ngày qua. Tuy lệnh bán được tung ra nhưng lại chẳng có ai muốn mua. Nhiều CTCK đã chính thức đóng lại dịch vụ repo đối với các CP OTC. Trước đó, không kể những CP thuộc họ dầu khí hay bất động sản, những mã sắp niêm yết trên sàn cũng được NĐT gom mạnh và mua với giá cao. Tuy nhiên, thị trường bất ngờ quay đầu khiến không ít NĐT ôm cay đắng với những mã này.

Hồi cuối tháng 9, không ít NĐT khấp khởi khi CP PTL (CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí) chính thức niêm yết trên sàn sau bao ngày chờ đợi. Vào thời điểm được gom mạnh, giá CP này lên tới 24.000 đồng/CP. Nhiều NĐT mua vào với kỳ vọng sau khi PTL niêm yết sẽ thu được một món hời lớn. Thế nhưng ngay trong ngày đầu tiên lên sàn, PTL đã nhanh chóng rớt xuống còn 20.000 đồng/CP, đến thời điểm này còn 15.800 đồng/CP. Hiện nay hầu hết các mã được tìm mua nhiều (với lý do sắp lên sàn) cũng đã rớt giá mà không có người mua, như CP Idico Long Sơn giá 13.000 đồng/CP (thời điểm cao nhất 18.000 đồng/CP), PVI Invest giá 16.300 đồng/CP (giá trước đó 18.000 đồng/CP)…

OTC thất thế có thể sẽ là một tín hiệu mừng cho UPCoM. Bởi đối với những DN muốn CP của mình tiếp tục được quan tâm, sớm muộn gì họ cũng sẽ lên một trong ba sàn. Với những điều kiện khắt khe của hai sàn HNX và HOSE như hiện nay, UPCoM sẽ là một lựa chọn hợp lý. Ông Phan Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCK Vincom, cho biết: “Các DN không đơn thuần muốn lên UPCoM chỉ vì sức ép (công ty đại chúng phải đăng ký lưu ký, đồng nghĩa với việc sớm phải giao dịch ở một trong ba sàn) mà còn vì nhận thấy nhiều điểm lợi từ thị trường này, ít nhất là tạo được thanh khoản dù UPCoM hiện vẫn kém thanh khoản. Nhiều DN coi việc lên UPCoM là một bước đệm quan trọng, để tập quen dần với việc công khai hoạt động kinh doanh của mình trước công chúng. Hơn nữa, khi niêm yết trên UPCoM, DN có thể dễ dàng đi vay vốn hay repo CP của mình hơn, vì giá trên UPCoM dễ xác định hơn trên OTC”.

Nhưng lên UPCom không dễ

Tuy nhiên có một nghịch lý ở đây là ngay từ thời điểm ra đời, HNX đã thông báo sẽ đơn giản hóa các thủ tục cần thiết, tạo điều kiện cho các DN lên UPCoM một cách nhanh nhất. Nhưng thực tế có không ít DN than phiền về vấn đề này. Lãnh đạo một DN cho biết, dù đã có mặt tại OTC trong một thời gian dài nhưng CP của DN này dường như không có giao dịch. Cho nên, ĐHCĐ vừa qua, DN quyết định sẽ niêm yết trên UPCoM vì thủ tục đơn giản, hơn nữa lại chưa phải bị bắt buộc công bố thông tin hàng quý. Nhưng đã gần 5 tháng nay, sau rất nhiều nỗ lực của cả bên tư vấn và DN trong việc hoàn thành hồ sơ niêm yết cũng vẫn chưa được chấp nhận lên UPCoM.

Theo ông Nguyễn Huy Dương, Phó Tổng giám đốc CTCK Hòa Bình, hiện nay có rất nhiều DN muốn thực hiện niêm yết tại UPCoM, vì điều kiện để DN niêm yết trên UPCoM đơn giản. Tuy nhiên, quy trình và thời gian xét hồ sơ UPCoM, HOSE hay HNX gần như nhau, chỉ khác ở chỗ với UPCoM DN chỉ phải làm bản công bố thông tin, còn với HNX và HOSE DN phải làm báo cáo tài chính. Về cơ bản cũng phải mất ít nhất 3-5 tháng để có thể lên UPCoM. Ông Phan Anh Tuấn nhấn mạnh: “Việc lên UpCoM nhanh hay không cũng phụ thuộc nhiều vào đơn vị tư vấn, nếu bản công bố thông tin của DN có vấn đề, sẽ khó được phê duyệt nhanh. Trong trường hợp đó, DN cần làm việc với kiểm toán trước khi thực hiện nộp hồ sơ".

Khánh Ly

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 08/10 và góc nhìn từ CTCK (08/10/2010)

>   TLS lập hat-trick về thị phần môi giới trên HNX (07/10/2010)

>   Những cổ phiếu ngược dòng (07/10/2010)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ, thanh khoản tăng đột biến (07/10/2010)

>   Vốn ngoại có chọn sai thời điểm? (07/10/2010)

>   TTCK: Ngoại hào hứng, nội thờ ơ! (07/10/2010)

>   Nếu im lặng là tiếp tay cho vấn nạn làm giá (07/10/2010)

>   "Đầu tư ngắn hạn đang rủi ro hơn dài hạn" (07/10/2010)

>   Khó kỳ vọng ở kết quả kinh doanh quí 3 (07/10/2010)

>   Thị trường ngày 07/10 và góc nhìn từ CTCK (06/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật