Chất lượng thông tin luôn là vấn đề
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đã trao đổi với TBKTSG xung quanh câu chuyện chất lượng thông tin qua các đợt phát hành chứng khoán.
- Ông Bùi Hoàng Hải: Theo số liệu của UBCKNN, tính đến hết sáu tháng đầu năm 2010, lượng chứng khoán UBCKNN đã phê duyệt phát hành ra công chúng là hơn 18.602 tỉ đồng. Lượng chứng khoán phát hành cho cán bộ công nhân viên là 1.153 tỉ đồng. Phát hành cho đối tác chiến lược khoảng 9.700 tỉ đồng. Phát hành thông qua đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán là hơn 717 tỉ đồng. Số lượng cổ phiếu phát hành để làm cổ phiếu thưởng là hơn 5 triệu và phát hành để trả cổ tức hơn 8,6 triệu cổ phiếu... tổng cộng hơn 61.000 tỉ đồng.
Lý do của sự gia tăng lượng chứng khoán phát hành này là gì?
- Do năm ngoái nhiều doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu lợi nhuận để phát hành nên năm nay phát hành “bù”. Năm 2009, để phát hành chứng khoán, các doanh nghiệp phải không có lỗ lũy kế và có lãi trong năm trước liền kề. Năm 2009, không nhiều doanh nghiệp đạt, còn năm 2010 tình hình có vẻ tốt hơn, ít nhất trên báo cáo tài chính và bản cáo bạch.
Thứ hai, do hiệu ứng của các quy định mới như Thông tư 13 (nay đã được sửa), Nghị định 141, các ngân hàng phải tăng vốn theo lộ trình khiến cơ quan quản lý cũng phải đón nhận một lượng lớn chứng khoán đăng ký phát hành từ các ngân hàng trong năm nay.
Đây có phải tín hiệu tốt cho thị trường, thưa ông?
- Nếu doanh nghiệp phát hành chứng tỏ họ có nhu cầu vốn và bán hết thì chứng tỏ nhà đầu tư có nhu cầu mua. Chúng tôi chưa có đủ số liệu báo cáo của tất cả các doanh nghiệp đăng ký phát hành nên chưa khẳng định được nhà đầu tư có mua hết số chứng khoán đó hay không. Nhưng tôi đánh giá việc phát hành nhìn chung tương đối tốt.
Theo ông, chất lượng thông tin trong hồ sơ bản cáo bạch thế nào?
- Chất lượng thông tin nói chung vẫn chưa cao. Nhiều doanh nghiệp không có chiến lược cụ thể, dài hạn, công bố thông tin chỉ nhằm mục đích tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc, không có nhiều doanh nghiệp có ý thức tự nguyện trong công bố thông tin và minh bạch hóa.
Việc xét duyệt bản cáo bạch thường mang tính khách quan nhưng có rất nhiều yếu tố chủ quan trong đó. Riêng phần lời (ngôn ngữ) cũng đến trăm trang. Theo quy định, sử dụng ngôn từ trong bản cáo bạch phải dễ hiểu và tránh gây hiểu lầm, nhưng thế nào là “dễ hiểu” thì còn nhiều tranh cãi. Nhiều khi cán bộ quản lý phát hành phải ngồi với bên tư vấn để tìm ra cách diễn đạt phù hợp.
Bản cáo bạch của nhiều doanh nghiệp đáp ứng tối thiểu tiêu chuẩn pháp luật nhưng chưa có độ sâu về thông tin. Chúng tôi không thể biết hết các ý đồ của người viết bản cáo bạch (nếu có) mà chỉ có thể đề nghị họ sửa những từ ngữ mình cho là chưa phù hợp và có thể gây hiểu lầm. Quy chuẩn pháp luật của Việt Nam cũng chưa chặt đến mức cụ thể như vậy.
Nhiều thông tin được công bố có thể mức độ chính xác không cao. Ví dụ, trong rất nhiều bản cáo bạch có những thông tin như dự báo về kết quả kinh doanh, giá cổ phần... với phương pháp tính rất sơ sài, cách tính không chuẩn.
Có trường hợp, công ty mỗi năm phát hành chứng khoán đến 2-3 lần, mỗi lần muốn phát hành lại gửi phiếu xin ý kiến cổ đông. Trong mỗi bộ hồ sơ đăng ký phát hành, UBCKNN nhận thấy chiến lược huy động vốn khác hẳn nhau, điều này chứng tỏ doanh nghiệp không có chiến lược vốn dài hạn.
Đối với các công ty niêm yết, việc công bố thông tin hiện tại là tương đối tốt nhưng việc công bố thông tin của các công ty đại chúng chưa niêm yết vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều công ty vẫn chưa có website, không gửi thông tin thường xuyên đến cơ quan quản lý, và tôi tin chắc nhà đầu tư cũng không nhận được những thông tin này.
Ông lý giải hiện tượng này thế nào?
- Thứ nhất, do chi phí để làm một bộ hồ sơ phát hành rất thấp. Phí thấp không phải vấn đề nhưng quan trọng hơn là nhu cầu thị trường và có thể là sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán dẫn đến điều đó.
Thứ hai, từ bản thân doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp mời công ty chứng khoán đến đặt yêu cầu: sau 3 tháng cho tôi phát hành. Công ty chứng khoán cứ làm theo mục đích đó. Trong khi ở nước ngoài bất cứ doanh nghiệp nào phát hành ra công chúng đều phải chuẩn bị tới hàng năm. Do vậy, nhiều công ty chứng khoán có muốn tư vấn xây dựng một bản cáo bạch tốt, có đầy đủ thông tin cũng khó thực hiện bởi bản thân họ cũng rất bị động trong việc tư vấn cho doanh nghiệp.
Thứ ba, có thể do cổ đông. Một điều lạ là phần lớn các đợt phát hành trên thế giới chỉ để thu hút vốn từ cổ đông mới nhưng ở Việt Nam lại chủ yếu chào bán cho cổ đông hiện hữu hay phát hành quyền với giá “một chấm”. Nếu doanh nghiệp phát hành cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thành công rất cao trong khi cổ phần hóa doanh nghiệp hay IPO thì chỉ thành công khi thị trường tốt. Còn khi thị trường xấu, phát hành cho cổ đông hiện hữu vẫn ổn. Điều này cho thấy chất lượng cổ đông cũng chưa đồng đều. Rất nhiều cổ đông kêu không muốn mua thêm chứng khoán nhưng vì đầu năm đã nhất trí với nghị quyết đại hội đồng cổ đông nên phải mua.
Như vậy, ở đây cần đến sự can thiệp của cơ quan quản lý thị trường?
- Cơ quan quản lý chỉ có thể yêu cầu các thành viên tham gia thị trường đáp ứng các yêu cầu tối thiểu theo luật, song còn có rất nhiều loại thông tin không thể ép mà doanh nghiệp phải tự nguyện và thấy đó là nhu cầu của bản thân họ.Tiêu chuẩn công bố thông tin của ủy ban không hề thiếu so với thế giới. Và bản thân nhà đầu tư cũng phải biết từ chối những doanh nghiệp công bố thông tin kém.
Thời gian tới UBCKNN sẽ làm gì để cải thiện hiện trạng này?
-Chúng tôi đang có chiến lược dài hạn để củng cố chất lượng thông tin trên thị trường. Trong đó có dự án đào tạo, tổ chức một loạt hội thảo về quản trị thông tin. Dự kiến chúng tôi sẽ đưa ra cẩm nang quản trị thông tin cho doanh nghiệp và ủy ban đang thử bảng chấm điểm những doanh nghiệp quản trị thông tin tốt và sẽ công bố trên thị trường trong các năm tới như một số nước đã làm.
Về văn bản pháp luật, chúng tôi đang gấp rút chỉnh sửa những văn bản liên quan đến Luật Chứng khoán theo lộ trình sửa Luật Chứng khoán, theo hướng nâng cao tiêu chí minh bạch.
Chúng tôi cũng đang soạn thảo nghị định về quản trị công ty. Nếu nghị định này ra đời, đây là lần đầu tiên ta có nghị định này, và nó không chỉ dành riêng cho công ty niêm yết mà cho cả các công ty đại chúng.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sau khi soát xét có tình trạng lợi nhuận tăng hay giảm mạnh?
- Hệ thống kế toán và kiểm toán cũng có nhiều vấn đề, đạo đức nghề nghiệp của các công ty kiểm toán hay kiểm toán viên độc lập không phải không còn nhiều câu hỏi. Nhiều báo cáo của công ty tư vấn phát hành không có kinh nghiệm, nhiều quy định chưa phù hợp với quy định hiện hành. Có những bộ hồ sơ có tốc độ “giải quyết vấn đề” nhanh đến mức báo cáo tài chính lần đầu có phần ngoại trừ mà sau vài tuần có thể nộp lên báo cáo tài chính mới sạch sẽ.
Lợi nhuận, doanh thu ở báo cáo tài chính cũng có những khi khác nhau vì văn bản về kế toán, kiểm toán của ta còn chồng chéo nhau. Nên để xác định doanh nghiệp cố tình giấu lỗ hay giấu lãi thì phải xét từng trường hợp. UBCKNN phát hiện những vấn đề chưa rõ ràng thường yêu cầu doanh nghiệp giải trình và kiểm tra lại. Thực tế, chất lượng thông tin luôn luôn là vấn đề, cả bây giờ và sau này.
Hồng Phúc
tbktsg
|