Chủ Nhật, 24/10/2010 09:11

Gánh nặng phí “oằn vai” CTCK nhỏ

Tổng các loại phí kết nối giao dịch mà mỗi CTCK phải nộp cho các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký, theo nhẩm tính của các CTCK là ngót 2 tỷ đồng/năm. Số tiền này không bõ bèn gì với CTCK lớn, nhưng với các CTCK nhỏ, làm ăn "xuôi chèo" lắm cũng chỉ kiếm được vài tỷ đồng lợi nhuận/năm thì là cả một vấn đề.

Trong bối cảnh TTCK èo uột nhiều tháng qua, nhiều CTCK có kết quả kinh doanh quý III thua lỗ, khoản phí này lại càng trở thành gánh nặng.

Khi TTCK dễ kiếm lời, mỗi năm bỏ ra vài tỷ đồng nộp các khoản phí giao dịch đối với CTCK là chuyện nhỏ. Thế nhưng, gặp vận thị trường rơi vào cảnh chợ chiều như từ đầu năm đến nay, thì số tiền đó đối với các CTCK nhỏ, nhất là các CTCK chỉ có nguồn vốn vài chục tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh hạn hẹp, là khoản chi phí không nhỏ.

Chủ tịch HĐQT một CTCK có vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng tại Hà Nội đã không khỏi giật mình khi vừa kiểm tra một xấp chứng từ quyết toán các loại phí, lệ phí mà hàng năm công ty phải nộp cho các cơ quan quản lý thị trường, với tổng chi phí ngót nghét 2 tỷ đồng/năm.

"TTCK èo uột từ đầu năm đến nay, không chỉ khiến hoạt động tự doanh của Công ty gần như bị đóng băng, mà còn làm cho việc triển khai nhiều dịch vụ bị đình trệ. Đó là chưa kể sức ép phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 20 tỷ đồng. Mỗi ngày Công ty thu không nổi chục triệu đồng tiền phí môi giới, nhưng phải chi tối thiểu 300 - 400 triệu đồng/tháng để nuôi bộ máy, trong đó riêng khoản phí các loại chiếm tới gần 150 triệu đồng", vị lãnh đạo trên giãi bày.

Các loại phí chính mà CTCK đang đóng hàng năm

STT

Tên phí

Mức đóng (triệu đồng)

1

Phí kết nối trực tuyến

300

2

Phí duy trì kết nối trực tuyến hàng năm

100

3

Phí sử dụng thiết bị đầu cuối

20/thiết bị

4

Phí quản lý thành viên lưu ký

40

5

Phí quản lý thành viên giao dịch

20

6

Phí cung cấp thông tin

120

Hiện có đến hàng chục khoản phí mà các CTCK đang phải nộp hàng năm. Đầu tiên phải kể đến các khoản phí khá "to" như: 300 triệu đồng phí kết nối trực tuyến, 100 triệu đồng phí duy trì kết nối trực tuyến định kỳ hàng năm, 120 triệu đồng phí cung cấp thông tin, 100 triệu đồng phí thiết bị đầu cuối… Đó là chưa kể các CTCK còn phải nộp các khoản: phí giao dịch chứng khoán, phí quản lý thành viên lưu ký, phí quản lý thành viên giao dịch… Với các CTCK đã niêm yết thì nghĩa vụ nộp phí còn nặng nề hơn, bởi ngoài các khoản trên, họ còn phải nộp: phí quản lý niêm yết, phí thực hiện quyền, phí đăng ký niêm yết bổ sung…

Theo đánh giá của các CTCK, số lượng các loại phí, cũng như mức phí mà các CTCK phải nộp so với một số TTCK trong khu vực là khá cao. Điều này đang làm tăng gánh nặng chi phí kinh doanh cho các CTCK, nhất là trong bối cảnh họ đang phải trầy trật tìm kiếm doanh thu để bù đắp chi phí hoạt động. Thậm chí, có CTCK đang phải "ăn vào thịt" của mình khi ông chủ phải móc tiền túi trang trải tiền lương cho nhân viên, cũng như đóng phí giao dịch, do công ty rơi vào cảnh thu không bù được chi.

Sự bất hợp lý của chính sách phí, lệ phí đối với CTCK, được lãnh đạo một số CTCK nhìn nhận là hệ quả của mô hình tổ chức hoạt động TTCK còn nhiều bất cập. Tại TTCK các nước, CTCK có chân trong hội đồng thành viên các Sở GDCK, nên các loại phí, cũng như mức phí đưa ra thường nhận được sự đồng thuận cao của các CTCK. Ở Việt Nam, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký là DN, nên ở một góc độ nào đó cũng đặt ra yêu cầu thu đủ bù chi, trong khi họ là "con đẻ" của Bộ Tài chính, nên việc ban hành các loại phí, mức phí khó đảm bảo yêu cầu cân bằng lợi ích giữa CTCK với các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký, nếu không muốn nói các CTCK bị áp đặt các loại phí. Hệ quả khó tránh là cơ quan quản lý đưa ra các loại phí, lệ phí không hợp lý, làm tăng chi phí kinh doanh, qua đó gián tiếp làm giảm năng lực cạnh tranh của các CTCK.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, tuy đang bị các khoản phí đè nặng, nhưng các CTCK không dám công khai "kêu cứu", vì nhiều lý do khá tế nhị. Nhiều CTCK không muốn công khai rộng rãi cho thị trường biết mình đang rơi vào cảnh khốn khó, thậm chí bị lỗ nặng và phải mặt với nguy cơ phá sản.

Các CTCK cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét để đưa ra mức phí hợp lý hơn, nhằm giúp CTCK nhỏ giảm bớt gánh nặng chi phí khi tham gia TTCK, nhưng đồng thời không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu của các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký, bởi bản thân các CTCK ý thức được rằng, nếu thiếu kinh phí hoạt động, thì các cơ quan này khó có điều kiện hiện đại hoá công nghệ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực và điều này gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ mà CTCK cung cấp cho khách hàng.

Hữu Đạo

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tuần 18 - 22/10: HTV, LTC chưa có dấu hiệu lao dốc (23/10/2010)

>   Thị trường bi quan, giao dịch của khối ngoại sụt giảm (23/10/2010)

>   Cẩn trọng với cổ phiếu làm giá (23/10/2010)

>   Đã đến lúc “cứu” chứng khoán (23/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ, thanh khoản giảm mạnh (22/10/2010)

>   Truy tìm dòng tiền nội (22/10/2010)

>   Thị trường chứng khoán: “Phập phồng” thông tin (22/10/2010)

>   VASB kiến nghị làm rõ nghi vấn làm giá cổ phiếu (22/10/2010)

>   Thị trường ngày 22/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (21/10/2010)

>   UPCoM-Index đảo chiều tăng nhẹ (21/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật