Thứ Sáu, 22/10/2010 10:20

Thị trường chứng khoán: “Phập phồng” thông tin

Những biến động trên TTCK từ đầu tuần đến nay đang phản ánh quan điểm ngại rủi ro của nhà đầu tư trước hàng loạt bất ổn về thông tin vĩ mô.

Đảo chiều kỹ thuật?

Phiên giao dịch ngày 21.10, VN-Index bất ngờ có một diễn biến tăng tới 0,65% lúc đóng cửa. Đây là tình huống khá đặc biệt, vì gần như toàn bộ thời gian giao dịch trước đó, thị trường dao động khá tiêu cực. Lực mua yếu khiến thị trường “lịm” đi trong tình trạng thanh khoản thấp. Thống kê cho thấy, khá nhiều CP có vốn hóa lớn tăng giá tại thời điểm đóng cửa. Đây là nguyên nhân chính giúp VN-Index có biến động khác thường. BVH, DPM, HAG, HPG, PVD, PVF, VIC, VNM đều tăng rất khá trong khi số giảm chủ yếu là CP vốn hóa nhỏ.

Một điểm đáng chú ý là thanh khoản của các CP lớn không cao trong phần lớn thời gian giao dịch. Do đó chi phí vốn để đẩy giá lên cũng không lớn. Riêng với một số mã quan trọng, giao dịch mua của NĐTNN góp phần không nhỏ trong việc xác lập giá. Đơn cử với BVH, trong tổng mức khớp lệnh 97.400 CP, khối ngoại đã mua 95.500 CP, chiếm tới trên 98%. BVH tăng từ 59.000đ/CP lên 63.000đ/CP.

Tính chung cả phiên, NĐTNN chỉ mua vào khoảng 2,69 triệu đơn vị, nhỉnh hơn phiên ngày 20.10 chút ít. Lượng mua ròng cũng chỉ đạt 371.000 đơn vị, thấp nhất trong 3 phiên gần đây. Tuy nhiên, khối lượng mua vào tập trung chủ đạo ở nhóm CP lớn như DPM (177.370 CP), HAG (111.400 CP), PVD (113.210 CP)... Theo CTCK FPT, nỗ lực “cứu giá” tại nhóm CP lớn đã giúp VN-Index ghi điểm và lội ngược dòng thành công. Mức tăng khiêm tốn của chỉ số tuy chưa thật sự thuyết phục, song đã giúp trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Từ góc độ kỹ thuật, PGĐ khối phân tích của một CTCK nhận xét, phiên tăng điểm ngày 21.10 vẫn chưa nói lên nhiều điều. Động lực của thị trường chủ yếu đến từ nhóm CP lớn, trong khi thanh khoản của nhóm này cũng không cao. Do đó lực mua chưa có gì chắc chắn. Mặt khác, có thể đây chỉ là những dao động mang tính kỹ thuật tại mức hỗ trợ quanh 440 điểm. VN-Index chưa thể phá vỡ mức hỗ trợ ngay trong một phiên, vì nhiều người chờ đợi một khả năng bắt đáy tại mức này. Nếu “gãy” ngưỡng hỗ trợ, có thể lực bán sẽ tăng lên.

Nhiều quan ngại

Từ đầu tháng 9 đến nay, thị trường vẫn dao động trong một kênh giá hẹp vì thiếu thông tin hỗ trợ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, thông tin được trông đợi nhiều nhất là kết quả kinh doanh quý III lại bị lấn át bởi những tin tức khá xấu từ vĩ mô.

Theo ý kiến của một NĐT, trong ngắn hạn, số đông đang chờ đợi con số cụ thể của mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10. “Mức tăng CPI của Hà Nội và TPHCM khá mạnh, khiến thị trường lo ngại một con số không đẹp cho CPI cả nước tháng 10. Khá nhiều tin đồn về khả năng tăng trên dưới 1%. Nếu như vậy, đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong vòng 8 tháng qua CPI cả nước tăng trên 1%. Điều đáng ngại hơn là xu hướng tăng giá tiêu dùng càng về cuối năm sẽ càng mạnh do tính mùa vụ”. Điều lo ngại trong trung hạn khiến dòng tiền đang yếu đi trên TTCK là sự căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Giá USD đang biến động khó lường ở mức cao không chỉ thu hút sự chú ý của dòng vốn đầu cơ, mà còn tạo ra ám ảnh về rủi ro tỉ giá, không hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Thực tế thời gian gần đây, NĐTNN vẫn duy trì vị thế mua ròng trên TTCK Việt Nam, ngay cả khi tỉ giá được điều chỉnh giảm, khối ngoại vẫn mua mạnh, không chỉ ở các thời điểm chốt các quý (liên quan đến giá trị tài sản quỹ). Điều đó khiến thị trường kỳ vọng vào một dòng vốn mới sẽ chảy vào thị trường tài sản, trong đó có CK.

Tuy nhiên từ góc độ ngược lại, sự bất ổn tỉ giá khiến kỳ vọng hạ giá tiếp đồng nội tệ vẫn còn, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Mặc dù Thống đốc NHNN mới đây đã lên tiếng khẳng định chưa có phương án điều chỉnh tỉ giá cũng như có thể sớm cung ứng một lượng USD nhất định, nhưng vẫn chưa giải tỏa được lo ngại trên thị trường. Đó là chưa kể đến sự căng thẳng về ngoại tệ có khả năng vẫn giữ giá USD ở mức cao trong thời gian tới và giá trị tài sản đầu tư của các quỹ khi quy đổi sẽ bị thiệt.

Hai tuần gần đây, dòng vốn ngoại chảy chậm và giá trị mua ròng bình quân chỉ khoảng 53 tỉ đồng mỗi phiên. Mặc dù vậy, tỉ trọng mua đóng góp trong thanh khoản hàng ngày của sàn HoSE vẫn trên 10%. Điều đó cho thấy thanh khoản đang ở mức rất thấp và vai trò của dòng vốn ngoại từ đó tăng lên.

Hoàng Nguyên

lao động

Các tin tức khác

>   VASB kiến nghị làm rõ nghi vấn làm giá cổ phiếu (22/10/2010)

>   Thị trường ngày 22/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (21/10/2010)

>   UPCoM-Index đảo chiều tăng nhẹ (21/10/2010)

>   TTCK: Từ tháng 11, sức mua bán có thể được cải thiện (21/10/2010)

>   Đi tìm cổ phiếu để đầu tư giá trị (21/10/2010)

>   "Ánh sáng cạn cung" trên đường hầm chứng khoán (21/10/2010)

>   “Khoảng trắng” thông tin về TTCK Việt Nam (21/10/2010)

>   Chứng khoán ngại bất ổn (21/10/2010)

>   Quỹ đầu tư ở đâu trên thị trường giá xuống? (21/10/2010)

>   Nâng hình ảnh có làm giá cổ phiếu hấp dẫn? (21/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật