Quỹ đầu tư ở đâu trên thị trường giá xuống?
Thị trường chứng khoán đang trong những ngày giao dịch khánh kiệt nhất trong năm. NĐT nước ngoài vẫn duy trì mua ròng, nhưng với giá trị rất thấp. NĐT cá nhân giao dịch cầm chừng và thiếu vắng các NĐT tổ chức, đặc biệt là quỹ đầu tư. Phải chăng, các quỹ đầu tư vẫn đang đợi chờ thị trường xuống thấp hơn mới giải ngân?
|
Vừa từ Mỹ trở về, ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư SAM cho biết, nhìn chung, nhà đầu tư quan tâm đến TTCK Việt Nam, nhưng thời điểm này chưa phải là thời điểm để họ đầu tư. Mặc dù báo chí có đưa tin rằng, dòng vốn nóng đang chảy vào các thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế đang phát triển, nhưng ở Việt Nam, điều này chưa biểu hiện rõ nét, dù có thể ở đâu đó dòng vốn đang vào, thể hiện ở giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư từ bên ngoài, là không có nhiều lựa chọn. Không có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí hoạt động cơ bản, bền vững, thanh khoản cao có thể gọi là các blue-chip của thị trường.
"Giá cổ phiếu ở thị trường Việt Nam tương đối rẻ và chúng tôi đang tiếp tục mua dần cổ phiếu mục tiêu của mình. Mục tiêu của chúng tôi là những công ty quy mô vừa đang trong quá trình tăng trưởng. Nhưng có lẽ phải chờ tương đối lâu để thị trường có thể phục hồi trở lại", ông Louis Nguyễn nói.
Ông Lưu Nguyễn Chí Nhân, Phó tổng giám đốc Quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF) cho biết, không chỉ các quỹ mà phần lớn NĐT hiện nay đều đang trong giai đoạn chờ đợi tín hiệu vĩ mô. Hiện một số kênh đầu tư khác như vàng (giá đã lên khá cao), bất động sản (không phải đã khởi sắc ngay) không hẳn đã hấp dẫn nên chứng khoán vẫn là một lựa chọn. Điều NĐT chờ đợi nhất hiện nay là lãi suất có hạ được hay không. Nếu có hạ được thì cũng không phải tác động ngay đến hoạt động của DN, mà cần có một độ trễ trong vòng một đến hai tháng. Một vấn đề nữa là kiểm soát lạm phát. Mặc dù mục tiêu GDP hoàn thành, nhưng lạm phát vẫn là nỗi ám ảnh với NĐT. Vấn đề tỷ giá cũng là mối quan tâm của NĐT khi giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh, cho dù thông điệp của Ngân hàng Nhà nước là chưa điều chỉnh vào thời điểm hiện nay.
Một vài quan điểm từ các quỹ đầu tư nước ngoài ủng hộ cho luồng thông tin gần đây, lý giải dòng tiền "nóng" không vào thị trường Việt Nam do sự thiếu minh bạch và khả năng dự báo trong các chính sách tiền tệ. Năm nay, tính riêng tỷ giá, NĐT nước ngoài đã lỗ 10%, trong khi TTCK lại đi xuống. Nếu tỷ giá có khả năng tiếp tục tăng, tiền đồng phá giá tiếp thì NĐT nước ngoài sẽ chưa bỏ vốn vào thị trường Việt Nam ở thời điểm này.
Ông Nhân cho biết, trong giai đoạn đầu năm, SHF đầu tư vào các cổ phiếu trên thị trường OTC. Đến khi các DN này lên sàn, Quỹ đã thanh lý các khoản đầu tư nên đảm bảo được mức lợi nhuận nhất định. Khi thị trường niêm yết điều chỉnh, Quỹ chuyển hướng sang các cổ phiếu trên sàn này. Hiện Quỹ đã có các phương án đầu tư, khi thị trường xuất hiện xu hướng mới sẽ quyết định giải ngân.
Đồng tình với việc các quỹ và NĐT đang chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn, nhưng giám đốc một công ty quản lý quỹ có địa chỉ tại TP. HCM lại không kỳ vọng vào các thông tin vĩ mô. Theo ông này, hầu hết NĐT đều biết hoặc có thể suy đoán các yếu tố vĩ mô trong phần còn lại của năm 2010. Nhiều NĐT kỳ vọng VN-Index giảm xuống ngưỡng 420 điểm mới giải ngân.
"Dư luận nói nhiều đến việc dòng tiền vào thị trường yếu ớt do bị thắt lại từ các kênh như ngân hàng, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Lượng tiền lớn đang chực chờ vào thị trường ở thời điểm giá cổ phiếu thấp hơn nữa", vị giám đốc kể trên nhận định.
“Hầu hết quỹ đầu tư lúc này giữ quan điểm phòng thủ và tái cơ cấu”
Ông Phan Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ MB Capital
Theo tôi được biết, hầu hết quỹ đầu tư lúc này giữ quan điểm phòng thủ và tái cơ cấu. Hiện TTCK đang chịu áp lực rất lớn từ các thông tin vĩ mô, nhất là tình trạng lạm phát và tỷ giá có thể sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, tăng trưởng của các DN niêm yết được dự báo không có gì đột biến, một số DN lớn thậm chí còn phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, do tình hình hoạt động kém khả quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố kém lạc quan, vẫn có một số yếu tố có khả năng tác động đến tích cực đến TTCK Việt Nam. Về thể chế, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán sắp được Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới, với dự kiến mở thêm mô hình quỹ đầu tư bất động sản, có thể sẽ mở ra một cơ hội mới trong việc thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư vào quỹ. Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn hoạt động của công ty quản lý quỹ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hoàn thiện dự kiến hướng dẫn cụ thể hơn về mô hình quỹ mở, cũng sẽ tạo điều kiện cho các quỹ thu hút thêm vốn để đầu tư vào TTCK.
Về thị trường, dự kiến, cuối tháng 10, tại Việt Nam sẽ diễn ra một hội nghị dành cho một số quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước. Hy vọng hội nghị này sẽ giúp các quỹ đầu tư lớn nhận diện rõ hơn về cơ hội đầu tư tại TTCK Việt Nam trong bối cảnh giá nhiều loại chứng khoán đã xuống đến mức khó có thể xuống thêm được nữa. Một yếu tố khác là nhìn sang TTCK các nước xung quanh Việt Nam như Singapore, Thái Lan, Malaysia…, sẽ thấy TTCK nước họ đang diễn biến khá tích cực. Trong sự tăng điểm của các thị trường lân cận, cũng có một hy vọng rằng, khi tăng đến một mức độ nào đó, nhà đầu tư sẽ chốt lời và một phần của dòng tiền nóng này sẽ tìm đến Việt Nam.
Tường Vi thực hiện |
Đông Hải - Thành Nam
Đầu tư chứng khoán
|