Logistics : 'Cánh cửa' cho nhà đầu tư
Với tiềm năng phát triển kinh tế thương mại cũng như lĩnh vực logistics, sự thông thoáng trong cơ chế và chính sách đầu tư tạo ra cơ hội cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Logistics là hoạt động cung ứng các dịch vụ vận chuyển, kho bãi, thủ tục hải quan, phân phối..., đảm bảo sự lưu thông hàng hoá từ điểm đầu đến điểm cuối trong kinh tế thương mại. Xét về điều kiện này thì hầu như chưa có Cty VN nào có khả năng đảm bảo toàn bộ các khâu trong gói dịch vụ tổng hợp.
Ngành logistics -- Lỗ hổng vì thiếu vốn
Đa số chỉ hoạt động ở từng khâu riêng lẻ như gom hàng, giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, cho thuê kho bãi, hay vận chuyển nội địa. Còn lại, các khâu liên quan đến quản lý thông tin, bảo hiểm hàng hoá và vận tải đi quốc tế vẫn là sân chơi của các hãng logistics nước ngoài. Lý do căn bản cho vấn đề này là sự thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển quy mô hoạt động của các DN trong nước.
Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển logistics, đặc biệt là logistics toàn cầu là có tiềm lực tài chính xây dựng hệ thống kho tàng bến bãi hiện đại, phương tiện vận chuyển quy mô lớn, đầu tư xây dựng mạng lưới thông tin và chi nhánh rộng khắp. Trong khi đó, phần lớn các Cty giao nhận vận tải VN đều thuộc loại nhỏ và vừa với năng lực tài chính hạn chế. Hệ thống kho bãi không được đầu tư nhiều nên đa phần còn yếu, công nghệ lạc hậu. Đội tàu quốc gia – bộ phận xương sống của hoạt động logistics – được đánh giá là “già” so với các quốc gia rong khu vực với độ tuổi trung bình là 15 năm. Vận tải đường bộ, đường sắt và cảng biển cũng gặp những khó khăn tương tự mà nguyên nhân cơ bản là do cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ. Lời giải chung cho bài toán của các DN logistics VN là một nguồn đầu tư xứng đáng theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.
Có quan điểm cho rằng sự thua thiệt của các DN trong nước còn do sự thiếu liên kết, hợp tác với nhau, vì thực tế, các DN ngoại vẫn có thể kinh doanh hiệu quả trên vẫn cơ sở hạ tầng đó. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của người viết cho rằng sự thiếu đầu tư cho chất lượng dịch vụ, chưa tạo được các giá trị gia tăng cho khách hàng chính là điểm mấu chốt cho những khó khăn trong cạnh tranh của các DN VN.
Cơ hội từ xã hội hoá đầu tư
Giống như Trung Quốc, sự độc quyền trong quản lý, đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng logistics của khối kinh tế nhà nước đã cho thấy sự hụt hơi trong việc theo kịp sự phát triển của thương mại quốc gia. Trong khi nhu cầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng của VN hiện nay là khoảng 16 tỷ USD/năm thì khả năng đáp ứng của Nhà nước chỉ khoảng 7- 8 tỷ USD. Để đảm bảo phát triển ngành đồng bộ với sự phát triển kinh tế, Chính phủ VN đã kêu gọi mạnh mẽ đầu tư tư nhân vào cảng biển, hệ thống đường bộ, đường sắt trong 5 năm trở lại đây. Các DN có thể chủ động đầu tư dưới mô hình PPP (hợp tác góp vốn với các DN nhà nước), BOT, BTO, BT theo Đề án quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Chính phủ cũng đưa ra cụ thể những chính sách hỗ trợ và đảm bảo đầu tư trong Nghị định số 78/2007/NĐ-CP, trong đó nổi bật nhất là chính sách ưu đãi về thuế bao gồm miễn giảm thuế TNDN ( 15 – 20% từ 2 – 10 năm), miễn thuế nhập khẩu máy móc và miễn giảm tiền thuê đất trong vòng 3 – 7 năm cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (Danh mục ưu đãi loại B). Có thể nói, với tiềm năng phát triển kinh tế thương mại cũng như lĩnh vực logistics, sự thông thoáng trong cơ chế và chính sách đầu tư tạo ra cơ hội cũng như môi trường thuận lợi cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|