Thứ Ba, 19/10/2010 08:14

Lên sàn không chỉ màu hồng

Lên sàn để làm gì là câu hỏi mà các DN trước khi bước vào thị trường chứng khoán tập trung thường đặt ra. Mặc dù có câu trả lời khá rõ ràng nhưng vì nhiều lý do mà không ít DN vẫn đi chệch hướng.

Khắc nghiệt niêm yết!

"Nếu được lựa chọn lại, chúng tôi sẽ không niêm yết CP trên TTCK", ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát (AAA) nhắc đi nhắc lại điều này  sau những tai tiếng liên quan đến nghi vấn làm giá CP AAA thời gian vừa qua.

Chưa biết thực hư việc làm giá CP của AAA ra sao (đang trong tầm theo dõi của cơ quan chức năng), nhưng rõ ràng, DN này đang bị mất phương hướng đối với việc niêm yết. "Trước đây, hoạt động chủ yếu của An Phát là xuất khẩu, nên Công ty mong muốn niêm yết để tiếp cận các NĐT, khách hàng trong nước", ông Dương cho biết mục tiêu khi niêm yết. Vậy nhưng, sau khi lên sàn, tai tiếng về làm giá đã ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của AAA trong mắt các đối tác cũng như NĐT. Khi được hỏi, liệu Công ty có hủy niêm yết hay không, ông Dương cho biết, điều này sẽ do đại hội cổ đông quyết định.

Không liên quan đến làm giá nhưng cuối năm 2009, CTCP Hacinco (HSC) (một trong 6 công ty đầu tiên niêm yết tại HNX) đã thực hiện hủy niêm yết. Lý do là HSC có vốn điều lệ thấp, mức độ đại chúng không cao và thanh khoản của CP gần như không có. Cả năm 2008, CP này chỉ được giao dịch trong 11 phiên. Sang năm 2009, CP HSC được giao dịch duy nhất một lần vào ngày 3/6 với 17.900 đơn vị được chuyển nhượng. HSC cũng là CP có thị giá lớn nhất thị trường vào thời điểm hủy niêm yết với giá 179.400 đồng/CP. Mặc cho thị trường lao dốc, CP HSC vẫn giữ giá do người bán không muốn bán nên người mua cũng không kiên trì đặt lệnh.

CTCP khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) mới đây cũng cho biết sẽ xem xét việc hủy niêm yết tại HNX. Mọi việc phụ thuộc vào ý kiến của đại hội cổ đông nhưng khả năng hủy niêm yết của SQC là rất lớn. Một trong nhiều nguyên nhân là CP SQC có thanh khoản rất ít, lượng CP lưu hành quá thấp, tính đại chúng của DN không đảm bảo, công bố thông tin không kịp thời… Điều đó khiến hình ảnh DN bị ảnh hưởng và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngàn lẻ lý do lên sàn

Mặc cho thị trường diễn biến không thuận lợi, dự kiến từ nay đến cuối năm, vẫn có khoảng 70 DN lên sàn (cả HOSE, HNX và UPCoM). Những khó khăn của thị trường có thể là trước mắt, nhưng nhìn về dài hạn, không phải DN nào cũng xác định rõ mục tiêu khi niêm yết.

"Cổ phiếu kém thanh khoản không có nguyên nhân từ việc Công ty làm ăn không hiệu quả hay công bố thông tin không tốt mà chủ yếu là do lượng cung CP ít ỏi", ông Đoàn Bá Cử, Chủ tịch HĐQT CTCP Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương (REM) cho biết. REM hiện sở hữu một vị trí đắc địa tại đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, có vốn điều lệ 11,5 tỷ đồng, trong đó, SCIC nắm giữ hơn 25%. Ông Cử cho biết, vào thời điểm này, Công ty không thực sự quan tâm đến việc CP có thanh khoản hay không. Vốn điều lệ nhỏ, cổ đông nhà nước nắm khối lượng lớn, cán bộ - nhân viên Công ty không ai muốn bán ra, thậm chí muốn mua thêm, dẫn đến CP không có giao dịch. Về lý do lên sàn UPCoM, theo ông Cử, do đã là công ty đại chúng nên REM buộc phải lên UPCoM, nếu không sẽ… bị phạt!

Một DN bất động sản lớn tại TP. HCM đã quyết định lên sàn vào đầu tháng  8/2010 - thời điểm thị trường điều chỉnh giảm sâu. Chủ tịch HĐQT DN này vốn quen với thương trường hơn là "chứng trường". Đến ngày DN niêm yết, bà cũng chưa rành cách xem bảng điện tử. "Lên sàn là do công ty có mức độ đại chúng quá lớn, cổ đông gây sức ép nhiều. Bản thân tôi cũng thấy chưa cần thiết lên niêm yết vào năm nay nhưng vẫn phải thực hiện do nghị quyết đại hội cổ đông đã đề ra", bà cho biết. Do chưa có kinh nghiệm về công bố thông tin ngay sau khi niêm yết, Công ty bị báo chí "đánh" te tua về "nghi án" dấu lãi. Tuy nhiên, do sở hữu lượng tài sản lớn và nhiều dự án tiềm năng, Công ty đã thực hiện việc tăng vốn thành công từ 600 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng và thặng dư vốn lên đến 300 tỷ đồng.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội thì cho biết, nếu không do nhu cầu tăng vốn, ngân hàng cũng không lên sàn làm gì. Vì niêm yết xong, giá CP có lên cao thì chỉ các cổ đông nhỏ được lợi trong khi HĐQT cũng không mấy tha thiết do không muốn và cũng không được bán ngay CP.

Lên niêm yết đã khó nhưng sử dụng nó như một bàn đạp để tiến xa hơn lại là thách thức không nhỏ. Trong quá khứ, một số DN hủy niêm yết do ngành nghề kinh doanh không tốt, vướng đến vấn đề về kiểm toán, DN bị thâu tóm, sáp nhập, không đủ vốn để duy trì niêm yết… Vì nhiều lý do, hiện một số DN bày tỏ ý định này. Việc hủy niêm yết là bước lùi mà không DN nào mong muốn. Mỗi DN đều có mục tiêu riêng khi lên sàn niêm yết. Tuy nhiên, TTCK tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường và DN vẫn rất dễ bị mất phương hướng sau niêm yết.

Khó khăn lớn nhất khi niêm yết là quản trị cơ cấu cổ đông

Ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch CLB DN niêm yết:

Trước khi lên sàn, DN cần xác định mục tiêu rõ ràng. Hiệu quả rõ nhất của việc niêm yết là giúp công ty trở nên gần gũi hơn với thị trường do thông tin được cập nhật liên tục. Bên cạnh đó, việc huy động vốn, phát hành thêm cổ phần giúp DN mở rộng hoạt động SX kinh doanh cũng thuận lợi hơn. Quá trình này cũng giúp DN tiếp xúc với các quỹ đầu tư, NĐT lớn và cải thiện hoạt động quản trị. Thách thức lớn nhất khi một DN lên sàn là có chủ động để quản trị được cơ cấu cổ đông hay không. Điều này phụ thuộc vào tâm huyết cũng như năng lực tài chính của HĐQT, ban điều hành DN. Có những trường hợp sau khi thâu tóm DN phát triển đi lên nhưng cũng có trường hợp do mâu thuẫn về lợi ích, bất đồng về quan điểm kinh doanh mà việc lụn bại sau thâu tóm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Thanh Đoàn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Lý giải sự ngược chiều của chứng khoán Việt Nam (19/10/2010)

>   Mạo danh ông Quách Mạnh Hào, lập báo cáo khuyến nghị mua cổ phiếu KSS (18/10/2010)

>   Thị trường ngày 19/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (18/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng qua (18/10/2010)

>   HTV giải trình cổ phiếu giảm sàn 10 phiên liên tiếp (18/10/2010)

>   Khi giá cổ phiếu rơi tự do: Đứt tay vì bắt “dao” (18/10/2010)

>   Lãi suất giảm: Chứng khoán có hy vọng? (18/10/2010)

>   SRA vô can  (18/10/2010)

>   Cổ phiếu ì ạch thanh khoản – Khi kỳ vọng trở thành thất vọng (18/10/2010)

>   TTCK chưa hấp dẫn nhà đầu tư (18/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật