Thứ Sáu, 22/10/2010 13:42

Truy tìm dòng tiền nội

Vàng, ngoại hối, kênh đầu tư trái phiếu đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đây chính là nguyên nhân khiến dòng vốn đầu tư trong nước chưa trở lại thị trường.

Thanh khoản thấp, giao dịch cầm chừng là diễn biến chính của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên gần đây. Mặc dù thị trường được nhận định đang ở mức giá hấp dẫn, nhưng sự chưa trở lại của các dòng tiền, đặc biệt là dòng vốn trong nước khiến thị trường càng thêm ảm đạm. Vậy dòng tiền nội đang ở đâu?

Theo một số nhà chuyên môn, một phần tiền từ chứng khoán đang dịch chuyển sang các kênh đầu tư trái phiếu, USD, gửi tiết kiệm... Diễn biến này dự báo sẽ còn kéo dài, nếu thị trường vẫn thiếu thông tin hỗ trợ.

Ông Ngô Quốc Cường, một nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường cho biết, với dân đầu tư, điều quan trọng nhất là phải biết nhìn nhận thời thế. Lĩnh vực nào có lãi thì đầu tư, chứ không chỉ cứ “ôm” chứng khoán. “Thời gian qua, tôi cũng kịp lướt vàng và kiếm được chút đỉnh trong đợt giá vàng tăng”, ông Cường nói và cho biết, ngoài vàng, đầu tư ngoại tệ cũng được xem là hấp dẫn, vì nhu cầu ngoại tệ có thể sẽ tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh vàng, ngoại hối, kênh đầu tư trái phiếu cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo ông Nguyễn Hoài Nam (khối Phân tích và Tư vấn Công ty Chứng khoán Sacombank), xét ở độ an toàn cao, trái phiếu có thể xem là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, thanh khoản toàn thị trường cứ giảm dần, khiến cả người mua và người bán đều lưỡng lự. Diễn biến tâm lý này kéo dài càng làm thanh khoản của thị trường giảm mạnh và khiến hầu hết các tay lướt sóng phải “án binh bất động” chờ tín hiệu mới.

Một số nhà quan sát cho biết, giao dịch của các nhà đầu tư lướt sóng có ảnh hưởng khá mạnh đến việc tạo lập xu hướng thị trường. Do đó, khi xuất hiện thông tin tiêu cực, phản ứng dễ dàng nhất với các nhà đầu tư lướt sóng là… “án binh bất động”. Đương nhiên, phản ứng này sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là thanh khoản trên thị trường lập tức sụt giảm nghiêm trọng, hình thành xu hướng xấu cho những phiên sau.

Không chỉ nhà đầu tư lướt sóng ngại tham gia thị trường, theo ông Nguyễn Hồng Hải, nguyên Phó tổng giám đốc Ocean Bank, ngay cả những nhà đầu tư cổ phiếu giá trị cũng do dự không muốn rót vốn vào thị trường. Nguyên nhân là hiện kênh đầu tư chứng khoán không còn hấp dẫn nhà đầu tư khi rủi ro lớn mà lợi nhuận chưa chắc đã bằng gửi tiết kiệm. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng chưa có nhiều hứa hẹn, do các yếu tố làm tăng đột biến về lợi nhuận không có nhiều như năm ngoái, khi hỗ trợ lãi suất không còn, lạm phát tăng cao hơn, làm cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng...

Hiện thị trường chứng khoán chỉ trông đợi vào các nhà đầu tư dài hạn nước ngoài, nhưng đối tượng này không mấy vội vàng, khi họ dự đoán rằng, với diễn biến thị trường như hiện nay, cơ hội để mua được cổ phiếu tại Việt Nam vẫn còn nhiều.

Theo dự báo của giới chuyên môn, các nhà đầu tư ngoại có thể vẫn duy trì sức cầu đối với các cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Việt Nam, song do thị trường vẫn trong xu thế lình xình, nên họ không chịu áp lực phải mua bằng mọi cách, mà chỉ chờ mua vào thời điểm thích hợp, với mức giá thấp

Chí Tín

đầu tư

Các tin tức khác

>   Thị trường chứng khoán: “Phập phồng” thông tin (22/10/2010)

>   VASB kiến nghị làm rõ nghi vấn làm giá cổ phiếu (22/10/2010)

>   Thị trường ngày 22/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (21/10/2010)

>   UPCoM-Index đảo chiều tăng nhẹ (21/10/2010)

>   TTCK: Từ tháng 11, sức mua bán có thể được cải thiện (21/10/2010)

>   Đi tìm cổ phiếu để đầu tư giá trị (21/10/2010)

>   "Ánh sáng cạn cung" trên đường hầm chứng khoán (21/10/2010)

>   “Khoảng trắng” thông tin về TTCK Việt Nam (21/10/2010)

>   Chứng khoán ngại bất ổn (21/10/2010)

>   Quỹ đầu tư ở đâu trên thị trường giá xuống? (21/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật