Bài 1: Cơ cấu kinh tế và huy động vốn
Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã đánh giá tổng quan thành tựu, nhược điểm và khuyết điểm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi lưu ý một số vấn đề có liên quan đến định hướng.
Về cơ cấu kinh tế
Trong 10 năm 2001-2010, mặc dù Đảng và Nhà nước coi việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa như một mục tiêu quan trọng, nhưng trên thực tế, quá trình này diễn ra khá chậm (từ năm 2001 đến 2005, tỷ trọng giữa 3 khu vực không có thay đổi nhiều, nhưng từ năm 2006 đến nay, thì hầu như dẫm chân tại chỗ).
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng khu vực I năm 2000 là 24,53%, đến năm 2005 giảm còn 3,56 điểm phần trăm, nhưng đến năm 2010 chỉ giảm 0,67 điểm phần trăm. Khu vực II, sau khi tăng 4,69 điểm phần trăm trong 5 năm 2001-2005, thì chỉ tăng thêm 0,48 điểm phần trăm trong 5 năm 2006-2010. Trong khi khu vực III hầu như không có biến động trong suốt 10 năm.
Mục tiêu trở thành nước về cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 phải giải quyết đúng bài toán cơ cấu kinh tế, mà theo kinh nghiệm của các nước đã công nghiệp hóa trước, trong khi giá trị sản lượng và đóng góp về giá trị gia tăng của cả 3 khu vực đều tăng lên với tốc độ nhanh và với chất lượng ngày càng cao (phản ánh sự chuyển dịch nội tại của cơ cấu sản phẩm từng khu vực), thì giảm nhanh tỷ trọng khu vực I, tăng đến mức hợp lý, rồi giảm tỷ trọng khu vực II và tăng nhanh tỷ trọng khu vực III.
Số liệu thống kê năm 2007 về cơ cấu kinh tế hai nhóm nước trong khu vực có trình độ công nghiệp hóa khác nhau cho cách tiếp cận đúng về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta.
Những nước đã được công nghiệp hóa, nhưng còn ở trình độ thấp, thì các con số về tỷ trọng khu vực I, khu vực II và khu vực III (%) như sau: Thái Lan 10,70 - 44,7 - 44,6; Malaysia 10,2 - 44,7 - 42,1; Trung Quốc 11,1 - 48,5 - 40,4.
Nhóm nước công nghiệp hóa ở trình độ cao như Hàn Quốc: 2,9 - 37,1 - 60,0 và Nhật Bản 1,4 - 29,3 - 69,3. Ở 2 nước này, dịch vụ chiếm tỷ trọng 60,0 và 69,3.
Cần tìm nguyên nhân của trạng thái chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm trong giai đoạn 2001-2010, mới có thể đề ra được giải pháp đúng để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, khu vực I chỉ còn 15%, khu vực II và khu vực III chiếm 85% GDP như đã đề ra trong Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
Về tỷ lệ huy động
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trong 5 năm 2006-2010 là 28%/GDP, vượt xa con số kế hoạch (21-22%/GDP). Thực trạng đó là đáng mừng hay đáng lo?
Tỷ lệ huy động có quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng. Khi tỷ lệ huy động tăng lên cũng đồng nghĩa với phần GDP dành cho tiêu dùng giảm đi tương ứng.
Tỷ lệ huy động còn có quan hệ với tích tụ vốn của các doanh nghiệp, khi tỷ lệ huy động cao cũng đồng nghĩa với việc tích tụ vốn của doanh nghiệp thấp. Với tình trạng đại bộ phận trong hơn nửa triệu doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ (nếu lấy tiêu chuẩn quốc tế thì quá nhỏ), mới được thành lập sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực năm 2001, phải đối phó với nhiều thách thức kể cả hai cuộc khủng hoảng vừa xảy ra, nếu Nhà nước không có chính sách đúng đắn, thì các doanh nghiệp này khó có thể trở thành doanh nghiệp có quy mô vừa và một bộ phận có quy mô lớn.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp tư nhân của nước ta trở thành “các đại gia” có vốn kinh doanh hàng ngàn tỷ đồng (một vài trăm triệu USD) chủ yếu nhờ tận dụng thời cơ khi nhiều địa phương thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng” để có lợi nhuận siêu ngạch khi giá đất và nhà ở các đô thị tăng phi mã, tiếp đó lập ngân hàng tư nhân để huy động vốn; các doanh nghiệp đó chưa dựa trên nền tảng phát triển bền vững, đi lên bằng kinh doanh công nghiệp, dịch vụ do có chiến lược dài hạn được triển khai nghiên cứu và phát triển (R&D) để làm ra những sản phẩm tiêu biểu “Made in Vietnam”, như quá trình công nghiệp hóa của Nhật Bản đã sản sinh ra Honda, Toyota, Toshiba, Mitsubishi…; của Hàn Quốc là LG, Samsung, Hyundai…
Tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước cũng phản ánh tình trạng các doanh nghiệp trong nước chưa phát triển như mong muốn, nên trong tổng thu ngân sách nhà nước 2006- 2010, thu từ dầu thô và hải quan chiếm hơn 42%. Trong khi thu từ dầu thô giảm từ 29,16% năm 2005 xuống còn khoảng 20% năm 2010, thì thu từ hải quan, chủ yếu là thuế nhập khẩu tăng từ 16,7% năm 2005 lên khoảng 22% năm 2010.
Nếu tách phần thu từ dầu thô - do bán tài nguyên ra nước ngoài, thì trong tổng thu ngân sách bằng thuế, thu từ hải quan chiếm hơn 30%. Nên coi đó là một nghịch lý khi Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển mạnh kinh tế trong nước (!).
Một số kiến nghị
Để thay đổi cơ bản tình trạng tỷ lệ huy động vào ngân sách còn cao, trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, chúng tôi kiến nghị:
Một là, nên giữ tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước 21-22%, không nên coi mức đạt được 28% trong giai đoạn 2006-2010 là hợp lý, vì cần dành cho tiêu dùng của dân cư và tích lũy vốn của các doanh nghiệp một tỷ lệ thỏa đáng.
Cũng cần nói thêm rằng, trong những năm qua, mặc dù Nhà nước đã nâng lương cho công nhân viên chức, thu nhập của nông dân và các tầng lớp lao động tăng lên, nhưng thu nhập thực tế của đại bộ phận người lao động không tăng, do chỉ số giá tiêu dùng hàng năm thường cao hơn tỷ lệ tăng thu nhập bằng tiền. Nhiều chi phí điện, nước, giao thông - vận tải, thông tin liên lạc, dịch vụ đã tăng lên vài ba lần trong 10 năm vừa qua; chưa kể nhiều khoản chi tiêu khá lớn, như đóng góp xây dựng trường, lớp, tiền học thêm cho con cái, chi ngoài quy định khi đi khám, chữa bệnh… rất tùy tiện. Do vậy, trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cần coi trọng hơn nữa vấn đề tiền lương, thu nhập của các tầng lớp dân cư, nhất là bộ phận người lao động thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình thấp.
Hai là, cần có định hướng điều chỉnh giảm dần tỷ trọng thu từ hải quan, tăng dần tỷ trọng thu trong nước đến mức hợp lý. Ở đây, có liên quan không những đến việc thực hiện các cam kết quốc tế trong các hiệp định song phương và đa phương về việc mở cửa thị trường, hạ thấp hàng rào thuế quan và phi quan thuế, khắc phục chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đối với một số hàng hóa, mà quan trọng hơn là thực hiện hệ thống chính sách khuyến khích mạnh mẽ tích tụ và tập trung đối với doanh nghiệp trong nước, hướng các doanh nghiệp dân tộc vào những ngành, nghề, lĩnh vực nhà nước khuyến khích bằng các chiến lược dài hạn, tăng trưởng bằng công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị giỏi, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh, các thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và thế giới.
Ba là, trong Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã đề ra nhiệm vụ hoàn thiện chính sách thuế, nhưng chưa đề ra định hướng tư tưởng cho việc cải cách hệ thống thuế của nước ta.
Không thể phủ nhận tác động tích cực của các luật thuế hiện hành đối với thu ngân sách để bảo đảm các khoản chi của Nhà nước, đầu tư công, cũng như góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, do việc ban hành các sắc thuế diễn ra trong nhiều năm, chịu ảnh hưởng của những hoàn cảnh khác nhau, nên trên thực tế, nước ta chưa có hệ thống thuế hợp lý; việc sửa đổi các mức thuế còn khá duy ý chí, chưa xem xét tác động thuận và nghịch, không ít trường hợp gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Chúng tôi kiến nghị, trong 10 năm tới, khi nước ta đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, cần lấy “tư tưởng Hồ Chí Minh về khoan sức dân” đã được Người để lại trong Di chúc đối với việc bỏ thuế nông nghiệp sau khi kết thúc chiến tranh để cải thiện đời sống của nông dân, vận dụng đối với các doanh nghiệp, bằng hệ thống thuế hợp lý hơn, đơn giản hơn, minh bạch hơn, bảo đảm tỷ lệ huy động 21-22%, để các DN có tỷ lệ tích lũy ban đầu cao hơn hiện nay; hướng vào hai mục tiêu: xây dựng các DN dân tộc hùng mạnh và thu ngân sách từ nguồn thu trong nước, chủ yếu từ các DN chiếm tỷ trọng ngày càng cao.
Chính sách tài khóa cũng cần được hoàn chỉnh để bảo đảm không những đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng của quốc gia, mà còn là công cụ có hiệu lực trong việc điều tiết kinh tế vĩ mô.
Chính sách lãi suất, tỷ giá, tín dụng cũng cần bảo đảm tính ổn định dài hạn, đồng thời phản ứng linh hoạt để ứng phó với một số tình huống bất ổn về tiền tệ, bảo đảm công bằng trong đối xử với các loại hình doanh nghiệp, hướng tín dụng ngân hàng vào các dự án có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược chung và của từng ngành kinh tế - kỹ thuật, từng vùng lãnh thổ, gắn với việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, không để tồn tại quá nhiều ngân hàng nhỏ, không đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu và độ tín nhiệm cần thiết; tăng cường các thể chế cảnh báo, giám sát, kiểm tra để phòng tránh và xử lý kịp thời các trạng thái bất ổn trên thị trường tiền tệ.
GS.TSKH Nguyễn Mại
Đầu tư
|