Cần cắt nguồn gây ra lạm phát
Như đã phân tích trong bài “Tỷ giá: Điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam” trên TBKTSG số 40-2010, việc đưa đồng tiền trong nước về đúng giá trị của nó nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, giảm thâm hụt cán cân thương mại là việc làm hết sức cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu yếu tố gây ra sự mất giá liên tục của đồng tiền và bất ổn vĩ mô - lạm phát - được kiềm chế và việc điều chỉnh giá trị đồng tiền được thực hiện một cách thận trọng.
Tỷ giá: Điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam
Cắt nguồn gây ra lạm phát
Lạm phát là sự gia tăng mức giá chung của toàn nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Nhiều người có thể lập luận rằng lạm phát có thể do: (1) cầu kéo khi tổng cầu trong nền kinh tế gia tăng kéo theo giá cả gia tăng; hoặc (2) chi phí đẩy khi cung sụt giảm đột ngột hay giá các yếu tố đầu vào nhập khẩu tăng lên. Điều này có thể đúng trong một khoảng thời gian ngắn.
Tuy nhiên, khi mức giá trong một nền kinh tế cứ liên tục tăng cao trong nhiều năm, nhưng giá cả ở các nước chung quanh có độ mở tương tự luôn được giữ ổn định thì thủ phạm chính của lạm phát là do yếu tố tiền tệ của bản thân nền kinh tế đó. Hiểu một cách đơn giản, lượng tiền đã tăng cao hơn mức tăng của hàng hóa và gây ra lạm phát cao.
Ví dụ, năm nay nền kinh tế có 100 đơn vị hàng hóa và 100 đồng thì giá một đơn vị hàng hóa sẽ là một đồng. Sang năm, nếu lượng tiền tăng thêm 15 đồng (15%) và được đầu tư hiệu quả, tạo thêm 12 đơn vị hàng hóa thì giá một đơn vị hàng hóa chỉ là 1,03 đồng hay tăng trưởng GDP và lạm phát sẽ lần lượt là 12% và 3% (tính tròn số). Ngược lại, nếu cùng lượng tiền nêu trên, nhưng lượng hàng hóa chỉ tăng thêm 5 đơn vị thì tăng trưởng và lạm phát sẽ lần lượt là 5% và 10%.
Về nguyên tắc, để một nền kinh tế hoạt động bình thường và có tăng trưởng thì lượng tiền và mức giá hàng năm vẫn phải tăng lên ở một mức độ nào đó. Nhưng điều kiện tiên quyết là đồng tiền phải được đưa vào những nơi sử dụng hiệu quả nhằm có được mức tăng trưởng GDP cao, nhưng lạm phát chỉ ở mức phải chăng. Nếu không lạm phát cao là điều tất yếu.
Điều này dường như đang xảy ra ở Việt Nam. Nhưng trước khi phân tích vấn đề này, cần phải làm rõ hai vấn đề.Thứ nhất, trừ một số ít trường hợp có tính ngoại lệ, vốn đầu tư của khu vực tư nhân thường hiệu quả vì hầu hết các doanh nghiệp đều vay vốn. Nếu không có được suất sinh lợi tài chính (dựa trên suất sinh lợi kinh tế) cao hơn lãi suất vay vốn ngân hàng (hiện tại vào khoảng 15%) thì doanh nghiệp sẽ mất dần phần vốn của mình và cuối cùng sẽ rơi vào tình trạng phá sản.
Thứ hai, đầu tư nhà nước là tối quan trọng và cần thiết vì một số dịch vụ hay cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giáo dục, y tế công cộng hay hạ tầng giao thông là đặc biệt quan trọng cho một xã hội, nhưng tư nhân thường không có động cơ làm nếu không có trợ cấp của Nhà nước vì suất sinh lợi tài chính không như mong đợi.
Vấn đề ở chỗ đầu tư công ở Việt Nam đang chiếm phần quá nhiều và một tỷ trọng không nhỏ đang được tập trung vào những hoạt động kinh doanh hay dự án không hiệu quả, và chưa hẳn là thiết yếu và mang lại rất ít giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Ước tính sơ bộ cho thấy chỉ riêng phần vốn đầu tư của dự án đường Hồ Chí Minh và số tiền Vinashin đã chi tiêu lên đến khoảng 150.000 tỉ đồng, bằng gần 10% tổng phương tiện thanh toán năm 2008. Do số tiền khổng lồ này đã được đưa vào nền kinh tế, nhưng tạo ra rất ít giá trị gia tăng nên nó đã tác động đáng kể đến mức giá chung cũng như gánh nặng nợ công.
Đến đây có thể thấy rằng, những khoản đầu tư công kém hiệu quả là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát dai dẳng và gánh nặng nợ công ngày một tăng cao.
Giải pháp đơn giản là cần phải cắt giảm những khoản đầu tư công nêu trên để dành tiền cho khu vực dân doanh, đối tượng có khả năng tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế hơn, đang bị đói vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, điều ngược lại đang xảy ra.
Tổng đầu tư toàn xã hội lên đến 40% GDP dường như đã ở mức tối đa và khi đầu tư công chiếm gần một nửa, thì phần còn lại cho các thành phần kinh tế khác là quá nhỏ bé. Hơn thế, việc theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt và nới lỏng chi tiêu ngân sách hiện nay đã làm cho khu vực kinh tế dân doanh ngày một đói vốn hơn trong khi chi tiêu công lại tiếp tục gia tăng.
Tóm lại, khi nào các khoản đầu tư công khổng lồ kém hiệu quả chưa được cắt giảm thì việc kiềm chế lạm phát và kiềm chế sự gia tăng đến mức báo động của nợ công chỉ là mong muốn hơn là thực tế. Hơn thế khi lạm phát liên tục ở mức cao đi cùng chính sách gần như neo giá tiền đồng sẽ làm cho đồng tiền trong nước tăng giá liên tục, tác động tiêu cực đến hoạt động ngoại thương.
Giải pháp đưa đồng tiền về đúng giá trị
Ở bối cảnh hiện tại, tỷ giá là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Nếu đột ngột thay đổi một mức đáng kể mà không chuẩn bị chu đáo thì có thể gây ra tâm lý bất ổn trong công chúng và đặt cả hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung vào một trạng thái hết sức rủi ro.
Tuy nhiên, nếu tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán vẫn liên tục ở mức cao trong điều kiện dự trữ ngoại hối đang ở mức rất mỏng hiện nay không được cải thiện, thì hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với một rủi ro rất lớn trong tương lai không xa.
Vấn đề đặt ra lúc này là Việt Nam nên hành động kịp thời hay là để thị trường tự điều chỉnh khi mất cân đối cả bên trong và bên ngoài vượt quá ngưỡng của nó? Nếu để thị trường tự điều chỉnh thì kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải trả một giá rất đắt.
Việc điều chỉnh giá trị đồng tiền từng mức nhỏ như thời gian vừa qua dường như không có nhiều tác dụng. Một sự điều chỉnh đáng kể là cần thiết và để chuẩn bị tâm lý cho công chúng, trước khi đưa ra quyết định chính thức, Việt Nam có thể đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế về một khoản vay ngoại tệ dự phòng đủ lớn để có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Với khoản vay này, Nhà nước sẽ tuyên bố và đảm bảo rằng bất kỳ ai có nhu cầu ngoại tệ đều được giải quyết. Thêm vào đó, các biện pháp trung hòa tiền tệ cần được thực hiện một cách linh hoạt và hợp lý để tránh tình trạng thay đổi đột ngột một lượng tiền lớn trong nền kinh tế.
Khi tình hình trở lại bình thường, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được cải thiện, dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam sẽ gia tăng do đồng tiền trong nước sẽ có khuynh hướng tăng giá và suất sinh lợi của các khoản đầu tư được cải thiện.
Tóm lại, điều chỉnh giá trị đồng tiền trở về mức hợp lý đi liền với việc cắt giảm các khoản đầu tư công kém hiệu quả là hai việc cần làm ngay. Kết quả của các giải pháp đồng bộ này sẽ là: (1) nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, yếu tố căn bản để loại trừ mất cân đối bên ngoài; (2) cắt được nguồn cơn của lạm phát, thâm hụt ngân sách và sự gia tăng nợ công, những yếu tố gây bất ổn bên trong.
Huỳnh Thế du
tbktsg
|