Thứ Bảy, 09/10/2010 15:26

Các dự án sân golf tại Lâm Đồng:

Lấn cấn giải phóng mặt bằng

Chủ đầu tư các dự án xây dựng sân golf tại Lâm Đồng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 6 dự án sân golf được cấp phép xây dựng. Ngoại trừ Sân golf Phù Đổng Thiên Vương của Công ty TNHH Khu nghỉ mát Đà Lạt đã hoạt động từ nhiều năm nay, số dự án còn lại được cấp phép cách đây 2 - 3 năm và tiến độ triển khai đang rất chậm. Cụ thể, mới có 2 dự án tiến hành động thổ, số còn lại vẫn loay hoay trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Theo chủ đầu tư các dự án sân golf tại đây, những điều khoản về chính sách đền bù và giải phóng mặt bằng theo quy định mới là nguyên nhân chính khiến các dự án sân golf tại Lâm Đồng khó triển khai.

Ông Hoàng Công Huấn, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Lam, chủ đầu tư Dự án Khu phức hợp Trường đua ngựa và Sân golf Mađagui (tổng diện tích 335 ha, tại xã Mađagui, huyện Đạ Huoai) nói: “Quy định mới đã khiến quá trình đàm phán với người dân có đất nằm trong diện đền bù giải tỏa trở nên cực kỳ khó khăn, làm quá trình giải phóng mặt bằng chậm trễ và không thể triển khai dự án đúng như kế hoạch”.

Theo ông Huấn, giá đất ở khu vực xã Đạ Huoai chỉ khoảng 120 - 150 triệu đồng/ha theo cách tính cũ, nhưng với cách tính mới, giá đất tại đây tăng lên đến 600 triệu đồng/ha.

Dự án Mađagui nằm trên diện tích đất của 228 hộ nông dân. Hiện còn khá nhiều hộ không đồng ý với giá đền bù mà các cơ quan chức năng tại đây đưa ra, nên cương quyết không di dời. Hầu hết những hộ dân này có nhà cửa bám theo trục lộ 723 trên đường từ ngã ba thị trấn Mađagui qua xã Mađagui (huyện Đạ Huoai) đi vào huyện Đạ Tẻh, nên họ cho rằng, giá đền bù đất hiện nay là không hợp lý, mặc dù đã là mức cao nhất theo quy định mà UBND huyện này áp dụng từ trước đến nay.

Công ty Hồng Lam đã cố gắng thương thuyết nhiều lần với những hộ dân, nhưng không tìm được sự đồng thuận. Cuối cùng, Công ty buộc phải quyết định xây dựng sân golf 9 lỗ, thay vì 18 lỗ như dự kiến ban đầu, để có thể tiến hành khởi công dự án vào tháng 12 năm nay.

“Mức giá đền bù đất tăng đã đẩy kinh phí dự kiến xây dựng dự án của chúng tôi lên gấp nhiều lần. Nhưng điều đáng nói nhất là, việc thương lượng với các hộ gia đình đã khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty”, ông Huấn nói.

Trong khi đó, Dự án Sân golf K’ren (440 ha đất xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) dù đã tổ chức lễ khởi công linh đình từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, do vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân nơi đây và những thay đổi trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.

Bà Hoàng Thị Liên, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng) cho biết, Dự án Sân golf K’ren đi qua 120 ha ruộng nước của gần 200 hộ dân, với 600 lao động là đồng bào Cơ ho. Đa số chủ nhân của những thửa ruộng này đều không đồng ý nhận tiền đền bù để chuyển đi nơi khác. Số đồng ý giao đất cho chủ đầu tư thì lại đưa ra mức giá quá cao.

Có lẽ, bi đát nhất trong các dự án xây dựng sân golf tại Lâm Đồng là Dự án Sân golf Lộc Phát của Công ty TNHH Xây dựng Jinsung Vina. Dự án này đang tạm ngừng triển khai, do công ty mẹ tại Hàn Quốc là Jinsung Construction Group gặp nhiều khó khăn, bên cạnh lý do chi phí đầu tư dự án tăng mạnh.

“Theo quy định mới thì giá đất của huyện Bảo Lâm tăng gấp 4 lần so với cách tính cũ. Với một sân golf rộng 250 ha như Lộc Phát, riêng tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã khoảng 1,5 tỷ đồng, vượt xa con số tính toán của Jinsung Vina”, một cán bộ phụ trách về đầu tư của Jinsung Vina cho biết.

Bên cạnh ảnh hưởng từ những thay đổi trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng mới, các dự án xây dựng sân golf tại Lâm Đồng còn gặp khó khăn trước việc siết chặt quản lý các dự án sân golf của chính quyền địa phương. Nếu như trước kia, các doanh nghiệp đầu tư sân golf kỳ vọng có thể bán các suất biệt thự trong các dự án sân golf, thì theo thông báo cuối năm ngoái của UBND tỉnh Lâm Đồng, tất cả các hạng mục công trình trong các dự án sân golf, bao gồm cả nhà và biệt thự doanh nghiệp, đều không được phép mua bán hoặc chuyển nhượng. Quy định này đã khiến đầu tư kinh doanh sân golf không còn hấp dẫn như trước.

Kiểm tra quy hoạch sân golf tại các địa phương

 Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn 7005/VPCP-ĐP. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thành lập đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sân golf ở các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2010.

Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu các dự án sân golf không được lấy vào đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; khu đô thị; đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng). Trong đó, đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 sân golf, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ (29 dự án), vùng Đông Nam Bộ (21 sân), Đồng bằng sông Hồng (16 dự án), vùng trung du miền núi phía Bắc (11 sân), Tây Nguyên (8 sân) và Đồng bằng sông Cửu Long (4 sân golf).

Thanh Hải

Thanh Thủy

đầu tư

Các tin tức khác

>   Ghìm cương lạm phát (09/10/2010)

>   Hoàn thiện thể chế quản lý vốn ODA (09/10/2010)

>   Mở một “đại dương xanh” ở Myanmar (08/10/2010)

>   Gần 1,5 tỷ USD cho đường cao tốc đầu tiên của miền Trung (08/10/2010)

>   Bài 2: Quy trình xét thầu gói thầu EPC (08/10/2010)

>   Không được phép đầu tư Trạm nghiền xi măng tại Sóc Trăng (08/10/2010)

>   TPHCM chưa tận dụng được lợi thế (08/10/2010)

>   Tăng trưởng GDP của Hà Nội được dự đoán đứng đầu thế giới (07/10/2010)

>   Các khu công nghiệp ở Quảng Trị chờ đón nhà đầu tư (07/10/2010)

>   Nước đến chân... chưa nhảy (07/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật