Nước đến chân... chưa nhảy
Thông tin từ Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM), đến cuối tháng 9, số lượng tài xế đăng ký học thi giấy phép lái xe bằng FC rất thấp. Tại một số trường, số lượng tài xế đến học ngày một giảm. Cá biệt, có trường, trong tháng 9 không có tài xế nào đăng ký học.
Điều này thật ngoài trí tưởng tượng của nhiều người, bởi ngay khi quy định lái xe ô tô sơ-mi rơ-moóc phải có giấy phép lái xe hạng FC có hiệu lực hồi 1.7 vừa rồi, hàng ngàn, hàng vạn tài xế trên cả nước đổ xô đi đăng ký học nâng hạng làm cho các trung tâm đào tạo lái xe trở nên quá tải. Những người chưa kịp học thì than khóc vì bị thất nghiệp, doanh nghiệp kêu trời vì hàng hóa ùn ứ tại các cảng. Vậy mà sau đó không lâu, các trường đã vắng bóng tài xế.
Nguyên nhân của việc bỗng nhiên các tài xế dửng dưng với bằng FC hết sức đơn giản. Đó là do Bộ GTVT gia hạn thời điểm kết thúc sát hạch, chuyển đổi từ bằng C, D, E lên bằng FC đến hết năm nay. Còn việc xử phạt tài xế không có bằng FC được Chính phủ gia hạn đến giữa năm 2011. Mục đích của việc gia hạn là để các tài xế có thêm thời gian nâng hạng bằng cấp nhưng các tài xế nhà ta thì "nước chưa tới chân, chưa nhảy". Vẫn còn vài tháng nữa quy định này mới lại có hiệu lực trở lại. Vì vậy, họ chẳng việc gì phải vội vàng. Biết đâu đến gần ngày hết hiệu lực của việc gia hạn trên, nếu lại "khóc lóc", kêu trời có thể Chính phủ và Bộ GTVT lại chẳng gia hạn thêm lần nữa.
Bởi trên thực tế, việc xử phạt tài xế lái container không có bằng FC đáng lẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2009 nhưng sau đó được Bộ GTVT gia hạn thêm 1 năm để các tài xế có thời gian chuyển đổi bằng lái. Nhưng hết một năm, cả nước vẫn có trên 60% tài xế không có bằng FC. Và với tình trạng học hành thi cử như hiện nay, chắc chắn có gia hạn thêm vài lần nữa, số lượng tài xế chưa có bằng FC vẫn còn rất lớn.
Chuyện nước đến chân mới bắt đầu... khóc lóc cũng xảy ra với ngành ngân hàng trước Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư đã ban hành từ ngày 20.5, đến ngày có hiệu lực 1.10 là gần 5 tháng, nhưng khoảng 1 tháng trước ngày có hiệu lực, rất nhiều ngân hàng kêu khó khăn, than thở về việc không đủ thời gian để đáp ứng yêu cầu... Áp lực đến mức, Ngân hàng Nhà nước dù đã nhiều lần "nói cứng" nhưng cuối cùng vẫn phải chỉnh sửa Thông tư 13 dù không nhiều. Kết quả của việc chỉnh sửa là lãi suất vẫn không thể giảm xuống như mong đợi, các NH cũng vẫn kêu khó khăn, thị trường chứng khoán cũng vẫn èo uột....
Hai ví dụ trên cho thấy, việc sửa đổi một quy định, một chính sách để chiều lòng những đối tượng bị điều chỉnh đã không có hiệu quả. Nhưng quan trọng hơn, chính sách là tầm nhìn dài hạn, trong quá trình soạn thảo, các đối tượng bị điều chỉnh cũng đã được tham khảo ý kiến. Thường được ban hành rất lâu trước khi có hiệu lực để các đối tượng bị hiệu chỉnh có thời gian chuẩn bị. Vì vậy, thiết nghĩ không nên tạo tiền lệ xấu là cứ la lớn, kêu ca là có thể được gia hạn, có thể được sửa đổi như tình trạng vừa qua.
Nguyên Hằng
THANH NIÊN
|