Mở một “đại dương xanh” ở Myanmar
Sau chuyến công tác xúc tiến thương mại “Tìm đại dương xanh - Thị trường Myanmar” do Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn (CLB DNSG) tổ chức (từ 19 - 24/9), nhiều doanh nghiệp thành viên trong đoàn đã chia sẻ ý kiến và thông tin về chuyến đi cũng như tiềm năng của thị trường Myanmar.
* Ông Phạm Phú Trường, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Quốc tế Sài Thành: “Thành công chỉ là bước đầu”
- Đây là một chuyến đi với nhiều niềm vui và học được nhiều điều. Theo tôi, chuyến đi thành công chính là sự đóng góp rất tích cực của từng thành viên trong đoàn với tinh thần vì tập thể, vì CLB, vì doanh nhân Việt Nam...
Tôi xem đây là “Tinh thần CLB DNSD” và mong rằng sẽ được phát huy trong các thành viên khác của CLB. Tuy nhiên, thành công vừa qua chỉ là bắt đầu, vì theo tôi, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được sử dụng tại Myanmar mới là điểm đến cuối cùng của chuyến đi mà ai cũng mong muốn. Chính vì lý do đó, sắp tới, trong quá trình làm việc với các đối tác, bản thân tôi và CLB sẽ xúc tiến các hoạt động bán hàng sang Myanmar.
Ngoài ra, CLB cũng sẽ tiếp tục chuỗi chương trình Tìm đại dương xanh với các chương trình thảo luận và chia sẻ về chiến lược quản trị, marketing, chương trình đào tạo ngắn hạn tại một số nước trong khu vực và Mỹ... nhằm giúp cho các thành viên tăng năng lực lãnh đạo, tư duy chiến lược hiện đại.
* Bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam: “Đánh thức một thị trường tiềm năng”
- Khoảng 5 - 6 năm về trước, tôi đã từng đơn thân độc mã đến thị trường này đề tìm kiếm và thiết lập được mối quan hệ thương mại với một đối tác. Vì vậy, tổ chức một chuyến đi quy củ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp rất nhiều.
Theo đánh giá của tôi, chuyến đi này có một sự chuẩn bị khá tốt từ phía ban tổ chức, từ khâu thiết kế tour, mời đối tác giao lưu, liên kết với Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar tổ chức hội thảo đến việc kết nối với Tham tán và Đại sứ Việt Nam tại Myanmar. Tất cả đều thành công trọn vẹn đã thực sự tạo cho chúng tôi niềm tin về khả năng điều hành và tổ chức của CLB DNSG.
Trong chuyến đi này, New Toyo đã mang đến cho buổi hội thảo những sản phẩm chủ lực và tôi đã gặp gỡ và tiếp xúc với một loạt kết nối quan trọng: Hội Xúc tiến Mậu dịch Quốc tế IBPC Myanmar, nơi đó hội tụ hơn 50 hội viên đa ngành nghề là giới doanh nhân người Hoa, người Ấn và người bản địa; Tập đoàn Citimart hiện đang có 13 hệ thống siêu thị đang kinh doanh khá thành công; Công ty Super One cũng có năm hệ thống siêu thị đang hoạt động; Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar.
Hy vọng rằng sau ngày tổng tuyển cử vào trung tuần tháng Mười một sắp tới, Myanmar sẽ có những bước chuyển mình theo chiều hướng tích cực và tốt dần lên. Khi đó, với mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước Myanmar và Việt Nam, các doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ thúc đẩy việc giao thương và đầu tư ngày càng nhiều hơn tại Myanmar.
* Bà Vũ Lưu Thúy Hằng, Phó giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Kỹ thuật IDT: “Một đất nước đa sắc thái”
- Đa số những anh, chị trong đoàn chúng tôi đều chưa từng biết đến đất nước được mệnh danh là “miền đất vàng” theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen về một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, ấn tượng đậm nét của tôi về chuyến đi là những khám phá về một vùng đất mới.
Một điều làm tôi hết sức ngỡ ngàng và bất ngờ là khi bước vào trong sân bay quốc tế ở thành phố Yangon thật khang trang và sạch sẽ, điều này tạo ấn tượng tốt đẹp ngay từ phút đầu tiên. Trước đây, tôi đã từng nghe bạn bè kể về nó và tôi tưởng tượng thật khó đến đây và không thể ở lại đất nước này dù chỉ vài ngày.
Nhưng bên cạnh đó là cuộc sống của người dân nơi đây còn nghèo nàn và lạc hậu. Myanmar cho đến nay vẫn là đất nước có GDP thấp nhất trong khu vực, thu nhập bình quân đầu người là 1.100 USD/năm. Nền kinh tế được quản lý bởi chính quyền quân sự, áp dụng chính sách tem phiếu cho nhiều lĩnh vực như bán xăng, mua sắm ô tô...
Mọi vỉa hè đều phủ kín bởi những gánh hàng rong. Điều đặc biệt ở đây là việc nhai trầu là thói quen thịnh hành của đại đa số đàn ông ở Myanmar. Đồng thời tất cả dân chúng, từ nam giới đến nữ giới, đều mặc xà rông truyền thống “longyi”, chân đi dép xỏ ngón kể cả ở chốn văn phòng hay những nơi sang trọng. Mới nhìn bạn sẽ cảm thấy không quen mắt, nhưng nó có gì đó rất riêng Myanmar. Và chúng tôi đã có một buổi chiều đi dạo chợ Scott ở trung tâm thành phố Yangon.
Mặc cả thoải mái khi mua bán trong các cửa hàng đá quý, đồ lưu niệm... là điều phổ biến. Đã đến Myanmar thì không thể không đến ngôi chùa Shwedagon, một ngôi chùa lịch sự bởi vẻ tráng lệ và quy mô khổng lồ. Mọi người vào ngôi chùa này đều phải ngước nhìn lên những ngọn tháp kỳ vĩ rực rỡ dưới ánh mặt trời và đi chân trần vòng quanh khuôn viên chùa.
Tất cả những điều này đã nói lên Myanmar là một đất nước đa sắc thái.
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|