Thu hút FDI : Cần xác định đối tác chiến lược
Các số liệu tại Bảng xếp hạng V1000 – Top 1.000 DN đóng thuế thu nhập lớn nhất VN năm 2010 - do Cty Vietnam Report công bố mới đây tiếp tục cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của khối các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của VN.
Chiếm tới 31,3% tống số DN lọt vào Bảng xếp hạng (BXH), khối DN FDI trong V1.000 đã đóng góp trên 20.000 tỷ đồng thuế thu nhập, tương đương khoảng 23,52% tổng số thuế thu nhập đóng góp của 1.000 DN đóng thuế lớn nhất VN trong 3 năm 2007-2009.
Vẫn là con số khiêm tốn
Con số về đóng góp của FDI trong Bảng xếp hạng V1.000 đã nêu trên là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đó vẫn là những đóng góp khiêm tốn nếu so sánh với tỷ trọng rất lớn của FDI trong số lượng các hoạt động kinh tế của VN. Trong năm 2009, các DN FDI tạo ra 17,5% GDP, 43,4% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 52,7% tổng xuất khẩu của cả nước. Có một nghịch lý là cho dù có sức cạnh tranh lớn, trình độ công nghệ và quản lý hiện đại hơn nhiều so với các DN trong nước, nhưng hiệu quả kinh doanh, mà cụ thể là lợi nhuận, của các DN FDI là không đồng đều, và nói chung ở mức thấp.
Xét về tỷ trọng 1.000 DN đóng thuế thu nhập nhiều nhất trong 3 năm 2007 – 2009, nhóm các DN FDI đến từ khu vực Châu Á và khu vực Đông Nam Á là nhóm DN chiếm tỷ trọng lớn. Các DN đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong chiếm gần 50% tỷ trọng tổng thuế thu nhập DN trong Bảng V.1000. Tiếp theo, các DN đến từ Châu Âu và Hoa Kỳ cũng chiếm tỷ lệ cao trong đóng góp thuế thu nhập (21,64%). Tuy nhiên, các DN của một số nền kinh tế khác đang có lợi nhuận không lớn, thậm chí thua lỗ, và do vậy đóng góp thuế thu nhập DN còn hạn chế.
Theo số liệu thống kê của Cục Thuế TP HCM về kết quả kinh doanh năm 2009 của DN FDI trên địa bàn, gần 60% số DN báo cáo thua lỗ (một kết quả không phải là bất thường so với những năm trước nên không thể đổ lỗi cho hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới). Sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng (đặc biệt là điện năng), nhưng hiệu quả kinh tế và qua đó là đóng góp cho ngân sách một bộ phận DN FDI là rất hạn chế.
Thay đổi chiến lược
Trong bối cảnh đó, cần có sự thay đổi toàn diện về chiến lược thu hút và phát triển DN FDI. Khi tiệm cận dần tới ngưỡng là nước có thu nhập trung bình, VN cần có sự chủ động cao hơn trong việc thu hút và lựa chọn đầu tư. Chiến lược xúc tiến đầu tư (promotion) cần được thay bằng chiến lược hấp dẫn đầu tư (attraction). Tức là, VN cần chủ động và có tiêu chí lựa chọn kỹ hơn các đối tác chiến lược và các nhà đầu tư chiến lược. Ưu tiên cao nhất là khả năng tạo lợi nhuận và sự lan truyền về công nghệ và quản lý của các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Việc lựa chọn đối tác chiến lược có lẽ cần căn cứ vào thực tiễn đầu tư của các DN FDI ở VN. Những nền kinh tế có các nhà đầu tư FDI kinh doanh hiệu quả tại VN, đóng góp nhiều thuế thu nhập tại VN cần được coi là các đối tác chiến lược trong hút đầu tư của VN.
Minh An
diễn đàn doanh nghiệp
|