‘Nghi án’ AAA
Việc mã cổ phiếu AAA của Công ty CP Nhựa và môi trường xanh An Phát bất ngờ tăng “khủng” rồi lại giảm mạnh ngay sau đó khiến “nghi án đánh lên” của các “đội lái” với cổ phiếu này ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết.
Kế hoạch hoàn hảo
Dù đây chỉ là nghi án nhưng hiện tượng AAA đang được giới đầu tư hết sức quan tâm và đánh giá là hoàn hảo, “chuẩn không cần chỉnh” trong từng hành động của các “đội lái” từ trước đến nay. Bằng cách thức khác nhau như mua tay trái bán tay phải, hoặc treo lệnh mua giá trần, các “đội lái” này đã bỏ tiền ra đẩy AAA từ mức giá chỉ có 42.400 đồng mỗi cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 11/8 lên 92.300 đồng trong phiên giao dịch ngày 16/9. Điều đáng nghi vấn là AAA tăng hơn 100% trong thời điểm mà thị trường chung nằm trong xu hướng giảm điểm.
Song song với động thái đánh lên, các “đội lái” đã tiến hành mở tài khoản tại ít nhất bốn công ty chứng khoán có mức sử dụng đòn bẩy lớn. Khi AAA tăng lên trên 80.000 đồng mỗi cổ phiếu, các “đội lái” này bắt đầu xả hàng và bên mua chính cũng là các tài khoản mà họ mới mở tại các công ty chứng khoán.
Sau khi xả hàng được hơn 2,8 triệu cổ phiếu, “đội lái” liền “bỏ của chạy lấy người”. Chỉ cần làm một phép tính nhỏ cũng sẽ thấy các “đội lái” này hết sức cao cơ. Với việc bán ra 2,8 triệu cổ phiếu AAA với mức giá 85.000 đồng, “đội lái” sẽ thu về 240 tỷ đồng. Trong khi đó, với số tài khoản mới mở tại các công ty chứng khoán, chỉ cần dùng đòn bẩy tỷ lệ 1:1 (nhà đầu tư có một đồng, công ty chứng khoàn sẽ cho vay thêm một đồng), tức là “đội lái” chỉ cần bỏ ra khoảng 120 tỷ đồng là có thể gom đủ 2,8 triệu cổ phiếu này.
Hệ quả là các công ty chứng khoán bị “kẹt” hàng với giá cao nhưng bán giải chấp cũng không xong vì trong những phiên giảm giá của AAA, rất ít cổ phiếu được giao dịch vì không nhà đầu tư nào đủ can đảm mua vào lúc này. Thực tế, khả năng thu lời của các “đội lái” còn lớn hơn nhiểu vì những công ty chứng khoán mà các “đội lái” này mở tài khoản cho sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ lên đến 1:2 hay 1:3.
Bằng chứng… có thừa?
Một trong những cái cớ để các “đội lái” đánh lên AAA chính là thông tin một đối tác đến từ Nhật Bản chào mua 25% vốn điều lệ của AAA với mức giá 40.000 đồng mỗi cổ phiếu. Cùng với đó là những thông tin đại loại như cổ đông nội bộ đăng ký mua hoặc bán cổ phiếu.
Người bị đặt nghi vấn lớn nhất trong vụ việc này là bà Nguyễn Thị Tiện, một cổ đông lớn, đăng ký bán 400.000 cổ phiếu AAA, nhưng cuối cùng lại không bán với lý do điều kiện “thị trường không thuận lợi”. Điều đáng nói là trong khoảng thời gian này, giá AAA tăng từ 50.000 đồng mỗi cổ phiếu lên hơn 80.000 đồng. Đây là điều kiện quá thuận lợi để bà Tiện bán ra.
Mới dây, Bà Tiện lại đăng ký bán toàn bộ 701.100 cổ phiếu AAA (tương đương với 7,08% trên tổng số vốn điều lệ) kể từ ngày 5/10 đến ngày 30/10. Thị trường hiện râm ran tin đồn, AAA đang trong giai đoạn “thay máu” các “đội lái” tiếp tục đánh lên một mức giá “khủng” hơn: 140.000 đồng mỗi cổ phiếu. Nghi ngờ này có cơ sở nếu nhìn vào diễn biến của AAA trong những phiên giao dịch gần đây, đặc biệt là phiên giao dịch ngày 28/9 và 29/9 với xấp xỉ 6,3 triệu cổ phiếu AAA được sang tay.
Đến thời điểm hiện nay, danh tính của các “đội lái” vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Thế nhưng, trên thực tế, thời điểm AAA tăng nóng, có hai cổ đông lớn được lợi là Công ty CP đầu tư Tam Sơn đã bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu AAA hay Công ty CP TNHH Đầu tư FC bán 1,05 triệu cổ phiếu AAA.
Sau hàng loạt những nghi án làm giá cổ phiếu trắng trợn của các “đội lái” như: AMV của Công ty CP thiết bị y tế Việt Mỹ, MKV của Công ty CP Dược thú y Cai Lậy, HTV của Công ty CP Vận tải Hà Tiên và mới đây là “nghi án” của AAA, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên mạnh tay hơn với các hoạt động không lành mạnh này để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giới đầu tư.
Trường Giang
ĐẤT VIỆT
|