Kỳ vọng thị trường
Thị trường cuối tuần qua đóng cửa với sự tăng giá của khá nhiều cổ phiếu (CP), chỉ số VN-Index đạt trên 457 điểm. Diễn biến này giúp tâm lý nhà đầu tư (NĐT) lạc quan hơn với kỳ vọng vào một đợt tăng trưởng mới.
Nhiều CP đã bật dậy
Suốt tuần qua, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) có nhiều phiên giảm điểm hơn tăng điểm, nhưng cảnh bán tháo hoảng loạn đã không diễn ra do các NĐT đã nhận thấy lực cầu khá tốt đang chờ đợi nhiều ở mức giá thấp nên giữ lại CP. Ngoài ra, những thông tin bất lợi đã bão hòa và phản ánh hết vào giá CP trước đó khiến chỉ số P/E chung của thị trường đã trở về mức hấp dẫn (P/E của sàn TP.HCM khoảng 11 lần và Hà Nội khoảng 8,5 lần).
Ở phiên cuối tuần qua (ngày 17.9), nhiều CP đã bật dậy và tăng mạnh. Ông David Kadarauch - Giám đốc Khối phân tích Công ty chứng khoán (CTCK) Mê Kông - cho biết ông khá lạc quan về TTCK trong thời gian tới.
Nhìn ở một góc độ khác, việc liên tục mua ròng của khối NĐT nước ngoài từ đầu tháng 8 đến nay chứng tỏ dòng vốn ngoại cũng phải tìm sự tăng trưởng ở các thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, theo báo cáo “Kỳ vọng lớn: Kinh doanh với các thị trường đang nổi” ngày 15.9 của Cơ quan thương mại và đầu tư Vương quốc Anh (UK Trade & Investment) và Trung tâm Thông tin kinh tế thuộc Tập đoàn Economist, VN liên tiếp trong ba năm liền được các NĐT quốc tế chọn là thị trường hàng đầu nằm ngoài các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Báo cáo dựa trên một khảo sát với hơn 520 lãnh đạo cao cấp các doanh nghiệp trên toàn cầu ở mọi lĩnh vực, họ cho biết sẵn sàng kinh doanh ở các thị trường đang nổi hoặc đang lên trong vòng 2 năm tới.
Theo phân tích của CTCK Mê Kông, so với lợi nhuận từ TTCK Mỹ hiện là 6,78% (tính theo chỉ số S&P 500), lợi nhuận từ TTCK VN đạt mức 9,98% cũng là một yếu tố hấp dẫn các NĐT nước ngoài.
Lướt sóng hay đầu tư trung hạn?
Thông tin Ngân hàng Commonwealth (Úc) đang xin phép tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Quốc tế VN cho thấy các NĐT chiến lược nước ngoài vẫn đánh giá sự hấp dẫn của ngành ngân hàng bất chấp việc pha loãng CP đang diễn ra trong ngành này.
Nhưng trong khi lời khuyên của các chuyên gia là NĐT có thể chọn những CP có kết quả kinh doanh tốt để đầu tư trung và dài hạn thì hầu hết các NĐT cá nhân trên thị trường vẫn đang theo chiến lược đầu tư ngắn hạn (hay gọi là lướt sóng). Điều này có thể nhận thấy thông qua việc dòng tiền tập trung vào một số mã CP đã có lịch sử tăng giá nhanh và mạnh như PVA, PVC, TLC, SRB...
Ông Lê Văn Thanh Long - Trưởng phòng Kinh doanh CTCK SME - nhận xét, nhiều NĐT vẫn có tâm lý không ổn định và nghi ngờ về khả năng hồi phục của TTCK VN. Vì vậy, TTCK đang ở giai đoạn nhạy cảm rất khó dự báo nên việc nhiều NĐT chọn chiến lược lướt sóng cũng dễ hiểu. Hơn nữa, hiện tại có rất nhiều công cụ phân tích nhanh và nhiều NĐT cũng nắm được nên sẽ có phản ứng rất nhanh trên thị trường, nhất là để đối phó với các thay đổi của chính sách tiền tệ...
“Dù nói gì thì dòng tiền hiện nay vẫn chưa tham gia mạnh vào TTCK. Vì vậy một số NĐT chỉ nên tập trung tiền vào những CP “hot” có sức bật. Khi đó sẽ tạo nên lực hút kéo các NĐT khác tham gia. Tuy nhiên, việc đua theo CP “hot” đòi hỏi NĐT phải là người biết chấp nhận rủi ro cao, biết phản ứng thích hợp về tình huống chẳng hạn nếu gặp rủi ro phải nhanh tay cắt lỗ”, ông Long phân tích.
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM thì cho rằng TTCK hiện đang có cơ hội nhiều hơn rủi ro vì giá nhiều CP đang ở mức thấp. Thế nhưng việc lựa chọn CP nào để mua cũng như chọn cách lướt sóng ngắn hạn hay đầu tư trung hạn tùy thuộc vào kinh nghiệm và sức chịu đựng rủi ro của từng người. Bản thân NĐT phải nắm được những thông tin cơ bản về thị trường nói chung và CP đó nói riêng để xác định được giá mua giá bán phù hợp.
Mai Phương
THANH NIÊN
|