Thứ Năm, 26/08/2010 08:13

Vốn ngoại vẫn chảy vào trái phiếu chuyển đổi

Hiện tượng công ty niêm yết phát hành trái phiếu chuyển đổi cho các tổ chức đầu tư nước ngoài gần đây có thể coi là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào TTCK Việt Nam.

CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Northbrooks Investments (Mauritius) Pte Ltd, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Temasek Holdings của Singapore đã ký hợp đồng mua bán 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của HAG với giá chuyển đổi là 67.375 đồng/cổ phiếu sau thời hạn 1 năm.

So với mức giá đóng cửa cổ phiếu HAG đang giao dịch ngày hôm qua là 71.000 đồng/cổ phiếu thì HAG đã chọn được thời điểm đẹp để chốt giá bán trái phiếu là gần 81.000 đồng/cổ phiếu (chiết khấu 15%).

Có thể nói, sự tham gia của một tổ chức đầu tư lớn, uy tín như Temasek sẽ giúp HAG khẳng định được vị thế của mình trên thị trường vốn, bởi một DN Việt Nam không dễ dàng gì để thu hút được một tổ chức đầu tư lớn như thế.

Ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc tài chính của HAG cho biết, không kể thời gian Temasek âm thầm tìm hiểu về HAG, thời gian tổ chức này làm việc trực tiếp tại Công ty cho đến khi ký hợp đồng mất khoảng 2 tháng.

"Họ quan tâm đến mọi vấn đề của DN, nhưng quan tâm nhất là tính pháp lý, tính khả thi của dự án mà HAG đang triển khai để xem DN có làm thật hay không", ông Sơn nói.

HAG đã thu hút được nhiều tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, nhất là quỹ đầu tư nước ngoài làm cổ đông của tập đoàn này. Nhưng xét ở góc độ danh tiếng trên thị trường tài chính thế giới, Temasek thực sự là một đẳng cấp khác. Được biết, bản hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi của HAG và Temasek ký dài tới 50 trang chưa kể phụ lục.

Cũng trong thời gian này, CII và đối tác "bí mật" vẫn đang tiếp tục đàm phán về việc mua trái phiếu chuyển đổi với giá không dưới 43.500 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành từ 20 đến 25 triệu USD.

Giới thạo tin cho biết, đối tác nước ngoài của CII là một trong 5 ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ. Và việc giá cổ phiếu CII sụt giảm không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của quỹ này, bởi mục tiêu của họ là muốn đặt một chân vào CII. Thông qua đầu tư vào CII, đối tác này có khả năng tiếp cận một danh mục những dự án khả thi để cung cấp các dịch vụ tài chính và mở rộng hoạt động của ngân hàng đầu tư ở Việt Nam.

43.500 đồng là giá cổ phiếu CII được định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. 33.000 đồng là giá đóng cửa cổ phiếu CII trong phiên giao dịch ngày hôm qua (24/8).

Thời điểm và hình thức đầu tư đang mở ra cơ hội lớn cho các tổ chức đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên vào thị trường Việt Nam. Thứ nhất, thời điểm này giá cổ phiếu nói chung vẫn đang rẻ so với khả năng tăng trưởng cao của một nền kinh tế đang phát triển là Việt Nam. Thứ hai, đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi có quyền lựa chọn chuyển đổi hoặc không chuyển đổi khi đáo hạn là hình thức đầu tư an toàn.

CII và HAG có một điểm chung là những cổ phiếu tăng trưởng với các dự án có khả năng tạo dòng tiền ổn định và chắc chắn. CII có thế mạnh là dự án cơ sở hạ tầng, còn HAG thế mạnh là các dự án gắn liền với tài nguyên là đất đai, mỏ và cao su.

Nếu TTCK tốt lên, cổ phiếu của các DN này có khả năng tăng giá mạnh. Ngược lại, nếu thị trường có diễn biến tiêu cực, DN vẫn có khả năng tạo ra nguồn tiền đủ để trả lại cho trái chủ. Đối tác của CII nếu không chuyển đổi trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất 4% tính theo tỷ giá USD tại thời điểm thanh toán (cao hơn lãi suất tiền gửi ở Mỹ). Còn Temasek nhận lãi trái phiếu bằng lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại lớn cộng 3%. Mức độ rủi ro cho người mua trái phiếu chuyển đổi trong kế hoạch phát hành của hai DN này thấp đến mức có thể nói là "được ăn cả, ngã mang tiền về".

Trường hợp CII và HAG, hoặc Nam Long (thu hút 9,1 triệu USD vốn đầu tư của VAF thuộc Mekong Capital thông qua phát hành riêng lẻ cổ phiếu) chỉ là hiện tượng trên thị trường tài chính, nhưng là dấu hiệu tích cực cho thấy tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được các tổ chức đầu tư nước ngoài đánh giá tốt. Vấn đề là sức khỏe DN có đủ tốt để thu hút được dòng vốn của tổ chức đầu tư đang đặt tiêu chí an toàn vốn lên hàng đầu hay không.

TTCK Việt Nam thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài nhiều nhất là qua các quỹ đầu tư (quỹ đóng), nhưng gần đây các quỹ đều chật vật làm giảm chênh lệch giữa thị giá chứng chỉ quỹ và giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ. Việc huy động thêm quỹ mới, dù với giá trị nhỏ khoảng 50 triệu USD, cũng rất khó khăn.

Cơ chế quản lý vốn đầu tư FII hiện chưa khuyến khích nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản giao dịch tại thị trường Việt Nam, cũng như chưa cho phép các quỹ mở hoạt động. Vì thế, dòng vốn này còn một cửa hẹp vào thị trường Việt Nam là trở thành cổ đông chiến lược của các công ty trong nước. Dòng vốn vào qua kênh này không ồ ạt nhưng rất biết gạn đục khơi trong.      

Thành Nam

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Đừng để trái phiếu thành... trái đắng! (26/08/2010)

>   VND huy động 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (25/08/2010)

>   Trái phiếu ế hàng, lãi suất khó giảm? (25/08/2010)

>   SHB được chấp thuận niêm yết gần 15 triệu trái phiếu (24/08/2010)

>   Trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều tiềm năng (23/08/2010)

>   PG Bank phải rút hạn chuyển đổi trái phiếu (22/08/2010)

>   Tạm “dừng chân” trước trái phiếu (22/08/2010)

>   CK Phượng Hoàng phát hành trái phiếu lần đầu thành công (21/08/2010)

>   Trái phiếu chuyển đổi thiếu sức hấp dẫn (21/08/2010)

>   HAG sẽ bán 1,100 tỷ đồng trái phiếu cho Temasek Holdings (21/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật