Tạm “dừng chân” trước trái phiếu
Sau khi rớt xuống 9,8%/năm cho kỳ hạn ba năm trong đợt đấu thầu ngày 29-7-2010, lãi suất trái phiếu chính phủ dường như đã tìm được đáy khi không thể xuống thấp hơn được nữa.
Trong phiên đấu thầu nói trên, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, khối lượng đăng ký mua trái phiếu kỳ hạn ba năm lên tới 4.150 tỉ đồng, nhưng chỉ có 300 tỉ đồng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu chính là lãi suất trần. Bộ Tài chính đang giảm dần mức lãi suất trần ấn định cho những đợt phát hành gần đây, nhưng việc hạ lãi suất đã khiến lượng trái phiếu bán được thấp.
Đáng chú ý các tổ chức đã không đăng ký mua trái phiếu kỳ hạn 10 năm, riêng kỳ hạn năm năm cũng chỉ bán được 350 tỉ đồng. So với đợt phát hành ngày 15-7-2010, lãi suất trúng thầu trái phiếu năm năm đã tăng từ 10,3% lên 10,4%/năm.
Trong khi kết quả phát hành trở nên khiêm tốn, các đợt bảo lãnh phát hành trái phiếu còn tỏ ra ảm đạm hơn. Hai đợt bảo lãnh phát hành vào ngày 20-7 và 2-8-2010 đã không có trái phiếu nào bán được. Thực ra, nhu cầu mua trái phiếu vẫn có và tương đối cao.
Tuy nhiên các tổ chức tài chính và ngân hàng phát đi tín hiệu khá rõ ràng: chỉ tập trung vào kỳ hạn ngắn và không chấp nhận lãi suất thấp. Điều này đang ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành trái phiếu cả năm của Bộ Tài chính.
Mới chỉ có chưa đầy 40.000 tỉ đồng trong tổng số 100.000 tỉ đồng trái phiếu dự kiến phát hành năm 2010 được bán thành công trong bảy tháng đầu năm. Còn hơn bốn tháng để phát hành thêm 60.000 tỉ đồng nữa chắc chắn không phải nhiệm vụ dễ thực thi.
Ngoài lãi suất thấp, một trong những nguyên nhân khiến trái phiếu chính phủ không còn sức hút đối với người mua như hồi tháng 5-2010 là do nhiều công ty, tập đoàn phát hành trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn ngắn (chủ yếu 12-36 tháng) với lãi suất cạnh tranh. Gần nhất, ngày 16-8-2010, Tổng công ty Hàng hải Vinalines đã bán thành công 1.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm với lãi suất 14,5%/năm cho năm đầu và thả nổi hai năm sau bằng cách lấy lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng cộng thêm 3,5 điểm phần trăm.
Lãi suất trái phiếu chính phủ thấp thì không phát hành được, nâng lãi suất để bán trái phiếu thì lại khó hạ mặt bằng lãi suất cho vay nói chung.
Chỉ tính riêng trong quí 2-2010 đã có khoảng 10.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Tổng công ty Sông Đà đã phát hành 1.500 tỉ đồng (lãi suất 15%/năm cho năm đầu); tập đoàn Điện lực 2.000 tỉ đồng; Vinaconex 1.000 tỉ đồng; Chứng khoán Sài Gòn 2.000 tỉ đồng; Vincom 1.000 tỉ đồng...
Không ít các công ty niêm yết cũng chọn phát hành trái phiếu để có vốn, đồng thời tránh việc pha loãng thị giá cổ phiếu. Một số ngân hàng thương mại như Phát triển Nhà TPHCM, BIDV, VPBank, Vietinbank đã phát hành kỳ phiếu trong tháng 6 và 7-2010 với lãi suất coupon từ 12,5-13,5%/năm. Tất nhiên độ tin cậy và an toàn của trái phiếu chính phủ cao hơn và nó được sử dụng để giao dịch trên thị trường mở lấy tiền đồng khi cần thiết, song ưu thế này đã phải nhường bước trước áp lực lãi suất.
Vì sao doanh nghiệp phải phát hành trái phiếu lãi suất cao? Có hai khía cạnh: trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức để các ngân hàng “lách” các đồng thuận về lãi suất trong khuôn khổ Hiệp hội Ngân hàng hiện nay. Thứ hai là sau “sự kiện” Vinashin, các tổ chức tín dụng đang định mức rủi ro cho trái phiếu doanh nghiệp ở tầm cao hơn. Một số tổ chức đã mua trái phiếu Vinashin những năm trước hiện nay chưa được trả lãi hàng năm như cam kết.
Tìm hiểu sâu hơn, sự tạm thời “dừng chân” trước trái phiếu chính phủ của một số tổ chức tín dụng cho thấy nhu cầu giao dịch trên thị trường mở của họ đang giảm sút. Họ không còn cần nhiều vốn ngắn hạn hai đến bốn tuần do kênh thị trường mở cung ứng như sáu tháng trước. Tại nhiều ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng tiền đồng thấp. Hơn nữa, do giữ mặt bằng lãi suất huy động cao (để giữ chân khách hàng) ở mức trên 11%/năm, một số ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu dư thừa vốn.
Giải quyết vốn thừa bằng cách đầu tư trái phiếu chính phủ để nắm giữ là không hiệu quả tính về tỷ suất sinh lời. Nói cách khác, nghịch lý chưa bao giờ cũ từ bấy lâu nay là lãi suất trái phiếu Chính phủ thấp thì không phát hành được, nâng lãi suất để bán trái phiếu thì lại khó hạ mặt bằng lãi suất cho vay nói chung, vẫn chưa được tháo gỡ triệt để.
Diễn biến mua bán trái phiếu cho thấy sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường tài chính đang trong thời gian khó phân định. Chưa có một vùng trũng đáng kể và rõ ràng cho dòng tiền chảy vào. Có vẻ như dòng tiền đang bị kẹt lại ở những khu vực được đánh giá là an toàn, nhưng không mang lại lợi nhuận cho cả người cho vay và đi vay. Chính vì thế, vòng quay của tiền đang dài ra và không nhanh như trước. Nó cảnh báo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dự báo sự “dừng chân” và lắng đọng của thị trường trái phiếu có khả năng còn kéo dài trong những tháng tới đây.
Hải Lý
TBKTSG
|