Tiền cạn, chứng khoán sụt
Chứng khoán “bốc hơi” vì bị chính sách siết chặt. Chứng khoán hiện suy giảm nhưng về trung và dài hạn sẽ tăng ổn định khi việc đầu tư tài chính của doanh nghiệp nhà nước bớt đi.
Chỉ số VN-Index rời xa mốc 500 điểm, cổ phiếu thi nhau rớt giá cả trên hai sàn và nhà đầu tư mất phương hướng… Đó là những gì đang diễn ra ở kênh chứng khoán hiện nay. Điều gì đang làm chứng khoán điêu đứng?
Nguồn cung hàng ồ ạt
Đây là nhân tố được nhiều nhà đầu tư điểm danh chỉ mặt khi lý giải câu chuyện chứng khoán suy giảm hiện nay. Nguồn cung hàng chứng khoán hiện không còn ở việc doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết mà ở nội tại chuyện huy động vốn.
Ghi nhận trên hai sàn cho thấy từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp niêm yết hút tiền bằng việc đua nhau tăng vốn điều lệ, phát hành thêm cổ phiếu. Thậm chí khi dùng cách này chưa hút thì doanh nghiệp tận dụng phát hành trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi bán cho nhà đầu tư (nghĩa là ấn định đến một thời điểm cụ thể thì trái phiếu chuyển thành cổ phiếu).
Nếu các năm trước thi thoảng mới thấy doanh nghiệp bán trái phiếu thì năm 2010 hầu hết doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều dùng cách này để hút vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh hoặc cho một dự án cụ thể thay cho bài toán vay vốn ngân hàng.
Áp lực bán trái phiếu, bán cổ phần hút tiền còn đến từ lĩnh vực ngân hàng. Theo phân tích của nhiều công ty chứng khoán thì việc hàng loạt ngân hàng nhỏ quy mô từ nông thôn nâng cấp lên đô thị cần tiền qua việc tìm cổ đông mua cổ phần là một câu chuyện khác. Ở thời điểm quý I, II năm nay, hầu hết các ngân hàng nhỏ rất cần tiền vì phải đáp ứng đủ vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng vào cuối năm 2010. Theo tính toán của các công ty chứng khoán, nội chuyện nâng vốn này cũng hút từ thị trường trên 50.000 tỉ đồng.
Chính vì vậy, dù kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định nhưng kênh chứng khoán vẫn không bật như mong muốn là do lượng tiền ngoài thị trường bị hút.
“Trói” đầu tư tài chính
Không chỉ nguồn cung mới làm hàng hóa cũ bớt hấp dẫn mà vấn đề khiến chứng khoán điều chỉnh còn ở lượng tiền bơm vào thị trường hiện khá yếu.
Cụ thể là các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và ngân hàng đã liên tục cắt giảm các khoản đầu tư tài chính. Việc cắt giảm này một phần là do công cụ điều hành vĩ mô tác động. Thông tư 13 của ngân hàng nhà nước buộc các ngân hàng phải nâng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9% từ ngày 1-10 là một ví dụ. Nghĩa là về mặt an toàn cho hệ thống thì rất ổn nhưng lại khổ cho ngân hàng vì theo các quy định hiện hành thì chỉ có thể đem cho vay 70-80 đồng nếu huy động được 100 đồng.
Việc chấp hành quy định trên có thể thấy qua việc Ngân hàng Vietcombank sau khi bán xong 5 triệu cổ phiếu EIB đã đăng ký bán thêm 5 triệu cổ phiếu nữa trong danh mục đầu tư trị giá hơn 4.000 tỉ đồng.
Lượng tiền hụt không chỉ có vậy mà còn ở việc hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong việc đầu tư tài chính bị siết lại. Như mới đây Thông tư 117 của Bộ Tài chính siết chặt việc đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ. Theo đó, thông tư quy định công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ chỉ được góp vốn ở lĩnh vực tài chính ở mức 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Hay tổng số vốn góp của công ty mẹ và công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Thậm chí mạnh tay hơn nhà nước còn siết chặt việc phát hành trái phiếu của các công ty TNHH một thành viên bằng các quy định chặt về mục đích, đối tượng, lãi suất huy động.
Dù chứng khoán suy giảm một phần do hạn chế dòng tiền đầu tư của các tập đoàn doanh nghiệp lớn nhưng tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở TP.HCM lại cho rằng đây là tín hiệu tốt. Ông này cho rằng với cách điều hành thị trường và siết đầu tư tràn lan ở các doanh nghiệp nhà nước làm chủ thì xét về trung và dài hạn kênh chứng khoán sẽ tăng.
Lý lẽ để vị tổng giám đốc trên biện luận chính là bài học từ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Vị này cho biết kênh vốn Trung Quốc từng có những dấu hiệu bong bóng vì nhiều doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành quá tay nhưng sau khi nước này có chính sách cấm các công ty niêm yết đầu tư chứng khoán thì kênh vốn của họ hiện vẫn còn khá bền vững. Đây cũng là bài học hữu ích cho các nhà điều hành chính sách Việt Nam khi vận hành chính sách ở kênh chứng khoán.
PHÁP LUẬT
|