Nhà đầu tư bất an
Dù có 336/584 mã cổ phiếu trên hai sàn tăng giá nhưng có thể đây chỉ là phản ứng gượng dậy yếu ớt qua đợt xuống dốc thê thảm vừa qua
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 13-8, chứng khoán xanh trở lại, chỉ số VN-Index tăng 0,97%, HNX-Index tăng 2,23%, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt 2.312 tỉ đồng, tăng 6% so với phiên trước. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an bởi đang phải đối mặt với những nỗi lo phía trước.
Tiền bị hút vào ngân hàng
Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Anh Tuấn cho biết chứng khoán muốn đi lên phải có dòng tiền đổ vào mạnh nhưng hiện nguồn vốn từ 8% chỉ lên 9%.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán TPHCM, ngoài số đã huy động được, dự kiến các ngân hàng còn phải huy động thêm khoảng 41.000 tỉ đồng nữa mới đủ chỉ tiêu. Do thời hạn huy động gấp nên ngoài biện pháp huy động tiền từ cổ đông nội bộ, nhiều ngân hàng còn tìm giải pháp thoái vốn đầu tư (bán cổ phiếu). Tháng trước, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã bán xong 5 triệu cổ phiếu Eximbank (EIB), nay lại thông báo bán tiếp 5 triệu cổ phiếu nữa.
Một số ngân hàng trước đây rót vốn đầu tư tràn lan sang các doanh nghiệp khác mà cổ phiếu chưa niêm yết nay muốn thoái vốn gặp rất nhiều khó khăn. Khi thị trường èo uột thì việc huy động tiền rất khó, vì vậy, một số lãnh đạo các ngân hàng không khỏi lo lắng.
Trong khi dòng tiền thị trường bị hút như vậy thì nhiều doanh nghiệp như: REE, LCG, ITC, DTL, TDH, ASM, DBC... cũng tiến hành huy động tiền để tăng vốn điều lệ hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi nên càng hút thêm nhiều tiền từ thị trường. Động thái thoái vốn có tác hại vừa tung hàng ra với số lượng lớn, lại hút tiền mặt về nhiều nên sức mua thị trường ngày càng cạn kiệt, làm giá cổ phiếu giảm mạnh, đẩy thị trường xuống sâu. So với một tháng trước, chỉ số VN-Index đã mất hơn 11%, còn HNX-Index mất 16,6%. Nhiều mã cổ phiếu đã giảm từ 20% - 30%.
Áp lực giải chấp còn mạnh
Trong những ngày qua, các “đập” hỗ trợ kỹ thuật của thị trường đều bị “cuốn trôi” dễ dàng. Những nhà đầu tư mua vào theo kiểu bắt đáy đều bị thua. Giá nhiều mã cổ phiếu liên tục giảm sàn. Áp lực bán giải chấp cổ phiếu cầm cố vì thế cũng tăng lên. Thị trường chìm ngập trong nỗi sợ hãi giải chấp cổ phiếu khi áp lực bán mạnh bằng mọi giá luôn xuất hiện, trong khi bên mua vẫn thận trọng bởi kỳ vọng có thể mua vào với giá thấp hơn. Trong phiên cuối tuần này, tuy có 336/584 mã cổ phiếu trên hai sàn tăng giá nhưng có thể đây chỉ là phản ứng gượng dậy yếu ớt qua đợt xuống dốc thê thảm vừa qua.
Mặc dù thông tin về sự đổ bể của Vinashin đã thẩm thấu nhưng nhà đầu tư vẫn lo về khối nợ khổng lồ 86.000 tỉ đồng của đơn vị này có thể gây tác hại dây chuyền đến hoạt động của một số ngân hàng thương mại.
Trước đây, nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất tín dụng sẽ giảm mạnh theo chủ trương của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng đến nay, sau nhiều tháng níu kéo, lãi suất không xuống như kỳ vọng mà lại có dấu hiệu tăng lên. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2010, nhiều doanh nghiệp mạnh tay vay ngoại tệ ngắn hạn nay đã tới kỳ thanh toán nên họ phải mua vào để trả cho ngân hàng, tạo ra nguy cơ đẩy tỉ giá ngoại tệ trên thị trường lên cao, gây phản ứng dây chuyền đến nền kinh tế, làm cho giá cổ phiếu có thể xuống thấp hơn.
Trần Phú Minh
người lao động
|