Thứ Sáu, 13/08/2010 11:40

Điểm mặt “ngáo ộp” trên thị trường

Không khó để cảm nhận không khí hoảng loạn trên sàn CK 3 ngày gần đây. VN-Index "bốc hơi" 7,3% chỉ trong 4 phiên, một kỷ lục kể từ cuối năm ngoái. Không có thông tin gì mới, nhưng chính việc "ngấm" những thông tin cũ khiến số đông NĐT chậm chân bắt đầu chen nhau thoát qua khe cửa hẹp.

Đâu là những mối lo chính của NĐT lúc này? Không khó để nhận biết nếu chịu khó lượn vòng một số diễn đàn CK. Rất nhiều nguyên nhân được liệt kê, nhưng tựu trung lại cũng chỉ có một vài con “ngáo ộp” khiến NĐT sợ nhất và được dùng để “đổ lỗi” nhiều nhất. Điểm chung là những con “ngáo ộp” đó không phải bây giờ mới xuất hiện.

CAR: Ông lớn sẽ xả hàng bao nhiêu?

Con “ngáo ộp” to nhất của thị trường lúc này mang tên “CAR” – yêu cầu nâng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng từ 8% lên 9%, có hiệu lực từ 1.10.2010. Con “ngáo ộp” này xuất hiện từ tháng 5.2010 và được nêu tên trong thông tư 13 của NHNN.

Điều khá thú vị là cách đây chừng 1 tháng, rất ít NĐT chú ý đến con “ngáo ộp” này, thậm chí một số bản phân tích của CTCK hàng ngày còn cho rằng NĐT bắt đầu “nhờn” trước sự hiện diện của nó. Chỉ đến khi thị trường èo uột trượt dốc với thanh khoản yếu thì mối nguy hiểm mới được nhắc đến nhiều và đổ lỗi như thể đó là nguyên nhân chính. Trong khi đáng lẽ phải ngược lại: NĐT phải bỏ công phân tích ảnh hưởng thực sự của quy định để dự đoán phản ứng của thị trường.

Các ngân hàng, Cty tài chính luôn là những “tay chơi” lớn trên TTCK. Việc tăng hệ số rủi ro của các khoản vay, đầu tư trong khi lại trừ bớt các khoản cấu thành vốn tự có, giảm giá trị tính các khoản đầu tư khiến hệ số CAR càng giảm. Tóm lại để tăng hệ số CAR lên, các tổ chức tín dụng phải tăng vốn để nâng vốn tự có (tử số) hoặc bán bớt tài sản rủi ro (giảm mẫu số). Đến đây sự nguy hiểm của con “ngáo ộp” mới lộ rõ.

Chứng khoán kinh doanh, góp vốn là “cục nợ” dễ cắt nhất, rất tiện lợi vì thanh khoản tốt, trong khi hệ số rủi ro lại cao. Cứ xem VCB thì rõ nhất. Ngân hàng này nếu tăng vốn theo kế hoạch 2010 thì chỉ số CAR cũng đạt 10% còn theo số liệu 2009 thì mới là 8,11%. VCB cách đây một tháng vừa bán xong 5 triệu EIB thì hai hôm trước lại đăng ký bán tiếp 5 triệu nữa. Theo số liệu của CTCK SME thì chỉ có CTG có tỉ lệ CAR dưới 9% (8,06%), còn lại ACB (9,97%), EIB (30,56%), SHB (15-20%), STB (11,41%), đều đạt chuẩn.

Tuy nhiên, thị trường không thể an tâm vì đó là cách tính cũ. Đó là chưa kể đến rất nhiều tổ chức tín dụng khác (chưa niêm yết) mà NĐT không thể tìm đâu ra một nguồn chính thức về tỉ lệ CAR hiện tại. Con “ngáo ộp” khiến người ta sợ một phần vì không ai rõ hình thù nó như thế nào. Thị trường đang rất cần một ngọn đèn bật sáng, chẳng hạn một thống kê chính thức về khả năng đạt chuẩn CAR mới của các tổ chức tín dụng, dư nợ đối với CK là bao nhiêu. Nếu thông tin sáng tỏ, có lẽ NĐT nhỏ lẻ không sợ đến mức mất hồn vía như 3 hôm nay.

Phát hành thêm: Pha loãng đến đâu?

Một con “ngáo ộp” nữa rất quen thuộc với thị trường có tên là “tăng vốn”. Con này hầu như năm nào cũng xuất hiện nhưng lúc thị trường lên thì NĐT thích nó (tranh mua CP có chia thưởng) và ngược lại, lúc giảm thì chê nuôi tốn cơm! Năm 2008 rất đông NĐT kéo đến “kiện” UBCKNN vì “tội” cho phát hành nhiều quá mà không nhớ rằng chính lá phiếu của mình cũng góp phần sinh ra con “ngáo ộp” này.

Một số phân tích cho rằng năm hậu khủng hoảng 2010 nhưng lượng vốn tăng của Cty niêm yết còn lớn hơn cả năm 2007 – năm đỉnh cao của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên việc phát hành thêm cũng có nhiều dạng: CP thưởng, trả cổ tức bằng CP, bán bằng mệnh giá trở lên, phát hành riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi... Chưa có báo cáo phân tích nào thống kê chính thức, đầy đủ về lượng vốn sẽ tiêu tốn vào các hoạt động phát hành “có thu” là bao nhiêu, nhưng NĐT cứ cộng dồn hàng trăm triệu CK sẽ được tung ra thị trường để xem kích thước con “ngáo ộp” năm nay thế nào. Năm 2009, thị trường bật lên từ đáy với giá CK giảm quá thấp, dòng tiền lại đổ xô vào mua và vô số các bản tin phân tích lại khuyên NĐT cần nhanh chóng làm quen với “ngáo ộp” ngay, thậm chí còn lên danh sách những Cty sắp chia thưởng, phát hành thêm!

Nếu nói rằng TTCK luôn “chiết khấu” trước các thông tin xấu thì những diễn biến từ ba tháng nay chính là cái giá trả cho nỗi sợ hãi các con “ngáo ộp” đó. Chẳng hạn với thông tư 13, khó có thể nói rằng các tổ chức chuyên nghiệp không có sự chuẩn bị, phân tích về khả năng tác động của nó ngay khi được ban hành. Lượng cung mạnh mẽ với nhóm bluechips, khiến thị trường đi ngang suốt nhiều tháng qua rất có thể là từ các NĐT thông minh.

Còn lại, không ít con “ngáo ộp” khác được ẩn dưới những cái tên như “thanh khoản”, “tăng tín dụng”, “lãi suất” hay rất chung chung như “rủi ro cao”, “mất niềm tin”, “chán nản”. Nhưng có lẽ NĐT sợ những con này cũng giống như “người nhát đi đêm”, đến lúc có số đông cùng đi thì lòng tham lại khiến họ trở nên mạnh mẽ.

Nguyễn Hoàng

LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Kinh tế tăng trưởng, sao chứng khoán giảm? (13/08/2010)

>   Đã đến lúc đầu tư giá trị (13/08/2010)

>   Cổ phiếu cao su “lình xình” dù doanh nghiệp lãi lớn (13/08/2010)

>   Thị trường thứ Sáu ngày 13 và góc nhìn từ CTCK (13/08/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 48,11 điểm (12/08/2010)

>   Thông tư 13: "Giọt nước làm tràn ly chứng khoán" (12/08/2010)

>   Nhóm cổ phiếu ngân hàng: Cung sẽ vượt xa cầu (12/08/2010)

>   Cổ phiếu thép: Lướt sóng dễ mất ván (12/08/2010)

>   Thị trường đang đi đúng quy luật? (12/08/2010)

>   Thời điểm thuận lợi cho các NĐT tổ chức (12/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật