Thị trường đang đi đúng quy luật?
Thông thường, ở Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng luôn được ưu tiên hàng đầu và có thể phải tới quý IV, lời giải cho mong ước này mới được giải quyết.
Diễn biến giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch ngày 9 và 10/8 của TTCK là chủ đề được bàn thảo nhiều bên lề buổi hội thảo "Tình hình kinh tế vĩ mô, TTCK thế giới và các tác động đến chứng khoán Việt Nam"do CTCK Dầu khí (PSI) tổ chức chiều 10/8. Rất đông nhà đầu tư và giới phân tích tham dự hội thảo với mong muốn tìm kiếm được thông tin hữu ích trong bối cảnh rất khó phán đoán về thị trường. Đáng chú ý hơn cả là những ý kiến phân tích rằng, thị trường giảm điểm đang phản ánh đúng quy luật vốn có của nó.
Tính từ đầu năm tới nay, các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc giảm 30%, Mỹ và châu Âu giảm 10 - 15%, trong khi đến cuối tháng 7, VN-Index trên TTCK Việt Nam vẫn đi ngang trong khoảng xấp xỉ 500 điểm, bất chấp việc dòng tiền trên thị trường đã bị rút ra khá nhiều. Diễn biến ngược đó được một số chuyên gia phân tích cho rằng, xuất phát từ nguyên nhân thị trường đã bị bóp méo bằng cách giữ giá các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, có thể điều chỉnh VN-Index như VNM, BVH, VIC, MSN…
Theo tính toán của ông Ngô Văn Minh, Giám đốc bộ phận phân tích, Công ty Quản lý quỹ SHF, tính từ 1/1/2010 đến 27/7/2010, nếu loại trừ 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường thì VN-Index đã giảm xuống 460 điểm, tương ứng với mức giảm 10% (ngày 27/7, VN-Index dao động quanh ngưỡng 500 điểm). Như vậy, có thể hiểu, hầu hết nhà đầu tư mua cổ phiếu và nắm giữ đều thua lỗ. Việc "nắn" VN-Index, "làm giá" cổ phiếu khiến chỉ số thị trường méo mó, các nhà đầu tư nhìn vào Index đánh giá sai tình hình thị trường. Như một sự cố gắng giả tạo, diễn biến này không thể kéo dài, sớm hay muộn cũng phản ánh vào thị trường. Hệ quả của việc thị trường giảm ồ ạt ảnh hưởng đến dòng tiền, tác động tới việc nhà đầu tư phải xử lý đòn bẩy và dòng tiền tiếp tục hụt đi.
Động lực của khối nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm này cũng suy giảm rõ rệt. Nếu như 6 tháng đầu năm, họ có chuỗi ngày mua ròng dài nhất với giá trị ước đạt 1.000 tỷ đồng/tháng, thì gần đây giá trị mua ròng của khối ngoại giảm mạnh. Một giả định được đưa ra để lý giải cho tình trạng này là cái nhìn của nhà đầu tư nước ngoài với vụ "đổ bể" của Vinashin khiến niềm tin của họ bị ảnh hưởng phần nào.
Ông Phạm Thanh Bình, Phụ trách bộ phận nghiên cứu và đầu tư, CTCK Dầu khí cho rằng, sau khi giảm mạnh, VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang (sideway) trong một thời gian nữa, có thể kéo dài tới vài quý. Nhìn vào quá khứ, sau khi tăng mạnh và giảm mạnh giai đoạn 2000 - 2003 thì thị trường đã sideway trong khoảng 7 quý (2004 - 2005).
Mặc dù giá cổ phiếu đang rẻ, nhưng không phải quá rẻ. Mức P/E toàn thị trường hiện vào khoảng 10,5 lần, mặc dù khá hấp dẫn, nhưng vẫn cao hơn mức P/E của Hàn Quốc là 9,8 lần. Mức P/E hiện tại của TTCK Anh là 12,6 lần, của chỉ số Dow Jones trên TTCK Mỹ là 14,5 lần và của TTCK Thái Lan là 12,3 lần. Các thị trường này (Thái lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ) đều có độ minh bạch tài chính cao hơn thị trường Việt Nam, cũng như có mức vốn hóa cao, dễ mua dễ bán hơn. Do vậy, Việt Nam cũng không có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong tương lai gần, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, diễn biến các thị trường nước ngoài cũng không có mấy tác động đối với Việt Nam. Đà tăng trưởng của TTCK ở Mỹ và các nước xung quanh trước mắt khó có thể tăng mạnh để chờ đợi những dấu hiệu ở đà phục hồi kinh tế. Hơn nữa, sự tương quan giữa VN-Index với Dow Jones chỉ ở mức cao khi Dow Jones có xu hướng tăng mạnh, còn khi chỉ số này lình xình thì mức độ tương quan không cao. Cụ thể, độ tương quan giữa VN-Index và Dow Jones là 0,81 năm 2009, nhưng chỉ là 0,5 trong 7 tháng đầu năm 2010.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng, không nên quá bi quan. Tăng trưởng kinh tế về trung dài hạn ở Việt Nam khá hấp dẫn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình từ giai đoạn 2001 - 2008 là 7,31%. Bất chấp khó khăn từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong nước được cải thiện đáng kể. Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trên 7%/năm trong vòng 5 - 7 năm tới, với rủi ro hệ thống hạn chế hơn do các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm nhiều so với trước; Việt Nam đã học được nhiều bài học từ các cuộc khủng hoảng thế giới. Tăng trưởng của các nước trong khu vực trong năm tới được dự báo tiếp tục đà phục hồi, tuy tốc độ có thể chậm lại.
Liệu ở thời điểm này, những nhà đầu tư lớn, cầm nhiều tiền mặt đã sẵn sàng vào cuộc khi giá nhiều cổ phiếu đã giảm về mức tương đương khi VN-Index xuống 330 điểm? Câu trả lời chính xác hơn cả là thời cơ chưa đến và họ còn chờ đợi một động thái hỗ trợ tâm lý xuất phát từ thay đổi đột phá về chính sách vĩ mô. Thông thường, ở Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng luôn được ưu tiên hàng đầu và có thể phải tới quý IV, lời giải cho mong ước này mới được giải quyết.
Anh Việt
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|