Thứ Tư, 11/08/2010 18:27

Ngán ngẩm cổ phiếu ngân hàng

Không chỉ rớt khỏi “ngai vua”, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng còn đứng đầu danh sách các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất. Điều gì đã khiến nhóm cổ phiếu này mất phong độ đến vậy?

Từ nhiều tháng nay, anh Nguyễn Hữu Tài, nhà đầu tư tại sàn giao dịch SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn), đứng ngồi không yên. Cứ mỗi ngày thấy giá cổ phiếu EIB (của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank) bị “bào mòn”, lòng anh lại phấp phỏng. Tính ra, khoản đầu tư 500 triệu đồng vào 20.000 cổ phiếu EIB của anh đã “bốc hơi” mất 30%. Bất đắc dĩ, anh phải chuyển EIB thành khoản mục đầu tư dài hạn.

Không ít nhà đầu tư cũng đang bị mắc kẹt ở cổ phiếu ngân hàng như anh Tài. Nhưng thay vì giữ cổ phiếu, họ chấp nhận bán tháo để cắt lỗ. Với họ, thoát khỏi cổ phiếu ngân hàng coi như thoát nợ. Nhiều người còn lên các diễn đàn trên internet kêu gọi tránh xa cổ phiếu ngân hàng. Và không riêng nhà đầu tư cá nhân mà các tổ chức cũng đã có những động thái rút lui hay thay đổi chiến lược đối với cổ phiếu ngân hàng.

Tháng 6 vừa qua, lấy lý do cơ cấu lại danh mục, chuyển hướng sang bất động sản, Dragon Capital đã bán ra 19 triệu cổ phiếu STB (của Sacombank) và 7,5% vốn ở VPBank. Trước đó, trong quý I/2010, quỹ VOF (Vietnam Opportunity Fund) của VinaCapital cũng đã bán ra cổ phiếu EIB. Riêng các tổ chức trong nước, như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) sau khi tuyên bố thoái một phần vốn khỏi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Gia Định cũng đã đăng ký bán ra 5 triệu cổ phiếu EIB. Hay Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) quyết định sẽ không “rót” thêm đồng nào vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt.

Xuống ghềnh

Thực tế, dù lạc quan vào triển vọng của ngành trong tương lai nhưng ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM cũng thừa nhận: “Bây giờ không phải lúc đầu tư cổ phiếu ngân hàng”.

Chỉ xét riêng yếu tố giá cổ phiếu, Công ty Chứng khoán Thiên Việt đã đưa ra bằng chứng, 7 tháng đầu năm nay, giá 6 cổ phiếu ngân hàng niêm yết đã giảm 20-30%. Nếu so với VNIndex chỉ giảm nhẹ 5% và giá các cổ phiếu ngành khác tăng (như giá cổ phiếu ngành công nghiệp tăng 6%, ngành dịch vụ tăng 4%) thì cổ phiếu ngân hàng đã kém phần hấp dẫn.

Ngay ở những thời điểm thị trường sục sôi (như trong tháng 4, tháng 5 vừa qua), trong khi chỉ số VNIndex liên tục tăng mạnh, chạm ngưỡng 550 điểm và nhiều cổ phiếu của ngành vật liệu xây dựng, bất động sản tăng trên 100%, giá cổ phiếu ngân hàng vẫn không nhúc nhích. Điều này khiến nhà đầu tư ngán ngẩm.

Bởi, trong một thị trường mà theo quan sát của ông Lê Thẩm Dương “mang đặc trưng của dòng tiền nóng, đầu cơ nhiều hơn đầu tư” thì chỉ với yếu tố không tạo sóng cũng đủ là cớ để nhà đầu tư chán nản. Không hẹn mà gặp, từ nhà đầu tư cho đến các chuyên gia đều chung nhận xét, cổ phiếu ngân hàng ngày càng như trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, đó chưa phải là lý do khiến cổ phiếu ngân hàng mất đi phong độ. Sự điều chỉnh mạnh ở nhóm cổ phiếu này, theo quan sát của ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, “chủ yếu do trước đây nhà đầu tư đã kỳ vọng quá mức vào cổ phiếu ngành này”.

Nếu như 3-4 năm trước, người ta có thể bỏ ra hơn 100.000 đồng để sở hữu một cổ phiếu VCB (Vietcombank) thì hiện tại, giá của cổ phiếu này chỉ còn khoảng 30.000-40.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, nhiều cổ phiếu ngân hàng ở thị trường OTC như NAB (Ngân hàng Nam Á), KLB (Ngân hàng Kiên Long) còn giao dịch dưới mệnh giá.

Tại sao nhà đầu tư lại giảm sút kỳ vọng vào cổ phiếu ngân hàng đến vậy?

Thay đổi cung cầu

Thứ nhất, theo bà Nguyễn Thị Tâm Hạnh, chuyên viên phân tích cao cấp Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), là do quan hệ cung cầu đã thay đổi. Hiện nay, chỉ với yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng vào cuối năm 2010 đã buộc 24 ngân hàng phải chạy đua tăng vốn. Ước tính, sẽ cần khoảng 34.000-35.000 tỉ đồng để hấp thu lượng cổ phiếu phát hành tăng vốn này. Chưa kể, những ngân hàng như Ngân hàng Á Châu (ACB), Sacombank (STB), Eximbank (EIB), Techcombank (TEB) đều có kế hoạch tăng vốn. Vì thế, nỗi lo ngại cổ phiếu ngân hàng bị pha loãng, cổ đông không đủ tiền để mua cổ phiếu là hoàn toàn có cơ sở.

Các ngân hàng có thể xoay xở tăng vốn bằng cách kêu gọi đầu tư nước ngoài. Nhưng, cách thức này đã không còn thuận lợi do room (tỉ lệ sở hữu cổ phiếu công ty cổ phần) cho nhà đầu tư ngoại đã hết (như trường hợp của EIB, ACB, VCB), hoặc do giới đầu tư nước ngoài đã không còn thấy mua cổ phần ngân hàng trong nước là cách thức duy nhất để họ thâm nhập thị trường Việt Nam. Ví dụ như trường hợp của ANZ. Sau khi Việt Nam cho phép mở ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, ngân hàng Úc này đã thoái vốn khỏi Sacombank.

Nỗi lo lợi nhuận

Các ngân hàng cũng phải nghĩ đến những áp lực sau khi tăng vốn. Bên cạnh áp lực thay đổi cách thức điều hành quản trị một khi quy mô phình to hơn, các ngân hàng còn phải tính chuyện làm sao tạo được lợi nhuận tương xứng với đà tăng cổ phiếu, hay ít ra, lợi nhuận phải đủ trả cổ tức cho phần vốn tăng thêm.

Nhưng hiện tại, do tác động của tình hình kinh tế và các chính sách, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình, đã cảm nhận rất rõ “hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng đang gặp khá nhiều khó khăn”. Chẳng hạn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) nhưng vẫn ưu tiên mục tiêu ổn định VND (hay ổn định tỉ giá).

Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trương siết lại tăng trưởng tín dụng (tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2010 chỉ đạt 10,52%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái là 17%). Ngân hàng Nhà nước cũng can thiệp vào lãi suất đầu vào, đầu ra (mục đích đến cuối năm nay, lãi suất huy động sẽ ở mức 10%/năm, cho vay ở 12%/năm). Kết quả, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động của ngân hàng ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến hoạt động tín dụng của ngân hàng bị ảnh hưởng.

Trong 6 tháng đầu năm 2010, dù các ngân hàng nỗ lực nhưng so với chỉ tiêu, nhiều ngân hàng vẫn không đạt lợi nhuận như mong đợi. Chẳng hạn, Ngân hàng Liên Việt mới thực hiện được hơn 30% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế. Hay Eximbank cũng chỉ đạt được 42% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong dài hạn, khi thông tư 13 (tăng cường tình hình tài chính của ngân hàng qua yêu cầu tăng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR từ 8% lên 9%) và Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực, khi những quy định về xếp hạng tín dụng và phân loại nợ, quy định mới về niêm yết cổ phiếu ngân hàng được ban hành, Công ty Chứng khoán HSC dự đoán, hoạt động của ngân hàng sẽ còn bị tác động.

Bởi với những quy định mới nhằm vào ổn định và củng cố hệ thống, các ngân hàng sẽ phải tăng cường vốn, giảm hệ số đòn bẩy tài chính. Điều này đồng nghĩa, khả năng tăng trưởng tín dụng, khả năng sinh lời của ngành ngân hàng sẽ giảm trong tương lai.

Trước mắt, giới đầu tư có phần lo ngại cho lợi nhuận ngân hàng khi nhìn vào cơ cấu nguồn thu. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng Việt Nam vẫn hoạt động theo kiểu truyền thống, tức lợi nhuận chủ yếu đến từ tín dụng (60-70%).

Vì thế, như đã phân tích ở trên, chỉ một biến động chính sách vẫn có thể làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Nhưng theo ông Huỳnh Thế Du, Chương trình Fulbright, “rất khó để thay đổi cấu trúc lợi nhuận theo hướng giảm tín dụng, tăng dịch vụ”. Nếu muốn được như thế, đòi hỏi phải có công nghệ đi kèm, thói quen sử dụng... những điều mà ông Du cho rằng không thể xảy ra trong một sớm một chiều.

Nhưng dù chấp nhận một cơ cấu lợi nhuận trong đó dịch vụ chiếm chưa tới 10% và loại trừ yếu tố tín dụng, lợi nhuận ngân hàng vẫn có những bấp bênh. Nếu như những năm 2008-2009, ngân hàng được lợi đột biến từ nguồn thu chứng khoán, vàng, trái phiếu thì hiện nay, với thực tế sàn vàng bị đóng cửa, thị trường chứng khoán giảm sút, trong quý 2 vừa qua, hầu hết các ngân hàng đều gặp khó.

Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội, Sacombank, Eximbank đều bị thua lỗ trong mua bán, đầu tư chứng khoán. Ngân hàng ACB tuy không lỗ nhưng lợi nhuận từ các mảng dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán cũng giảm sút nghiêm trọng so với cùng kỳ năm ngoái (từ 50-99%). Ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kim Eng (KEVS), nhận định: “Chỉ cần các ngân hàng đạt được lợi nhuận như kế hoạch đề ra cũng đã xem là thành công lớn”.

Áp lực cạnh tranh

Các ngân hàng còn phải so kè nhau trong cạnh tranh. Hiện nay, 102 ngân hàng, trong đó có 43 ngân hàng nội địa đang phải tranh nhau miếng bánh thị trường không lớn (có chưa tới 8% dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng). Đáng nói, theo thống kê từ hãng nghiên cứu xếp hạng tín dụng Moody’s (Mỹ), chỉ riêng 4 ngân hàng gồm Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công Thương đã chiếm 60% thị trường. Vì thế, với 40% thị trường chia ra cho các ngân hàng còn lại, cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng rất quyết liệt.

Trong năm 2009, thị trường từng chứng kiến một cuộc đua lãi suất nhằm thu hút khách hàng. Cũng trong năm này, đa số ngân hàng đã ra sức tăng vốn, tăng tổng tài sản và mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch. Điều này khiến một số nhà đầu tư băn khoăn, phải chăng các ngân hàng đang phát triển quá mức? Thái Lan có tới 70-80% dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng nhưng nước này chỉ có 47 ngân hàng.

Tuy nhiên, giữa lúc ngành ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển, mở rộng mạng lưới là cần thiết và phải làm để đón đầu cơ hội. Ngoài ra, theo ông Dương, Đại học Ngân hàng TP.HCM, “nghề ngân hàng quan trọng là phải phát triển mạng lưới đến hang cùng ngõ hẻm”.

Nhưng trong quá trình mở rộng mạng lưới, ông Du, Chương trình Fulbright, lưu ý, các ngân hàng cần cân nhắc khả năng chịu đựng khi đầu tư. Vì nếu không tính toán hợp lý, các khoản đầu tư sẽ trở thành gánh nặng cho ngân hàng. Bên cạnh đó, thay vì chen chân trong miếng bánh nhỏ “tín dụng”, ngân hàng có thể tấn công sang những mảng hoạt động mà chưa có nhiều ngân hàng khai phá như dịch vụ tài chính cá nhân.

Bao giờ lên thác?

Cho đến lúc này, câu hỏi canh cánh bên lòng nhà đầu tư là bao giờ cổ phiếu ngân hàng trở lại phong độ cũ. Câu trả lời, theo ông Dương, Đại học Ngân hàng, sẽ phải hỏi nhà đầu tư có còn kỳ vọng vào cổ phiếu ngân hàng như trước đây không.

Hiện tại và cả trong tương lai, với các lý do như đã phân tích, kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng đã tuột xuống mức thấp. Vì thế, ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Quỹ Dragon Capital, khuyến nghị, trong năm 2010 và cả sang năm 2011, cổ phiếu ngân hàng tạm thời chưa nên mua.

Với lợi nhuận ngành ngân hàng Việt Nam đang vào khoảng 1-1,5% GDP, tính ra giá trị thị trường toàn ngành này ở mức 200.000-300.000 tỉ đồng, tương đương với 10-15% GDP. Trong khi đó, dựa vào giá trị thị trường của những cổ phiếu ngân hàng niêm yết (hơn 100.000 tỉ đồng) và nếu giả định thị trường mà 4 ngân hàng lớn nắm giữ (khoảng 60%), theo ông Du, giá trị thị trường của hệ thống ngân hàng hiện khoảng 250.000-280.000 tỉ đồng. Có nghĩa, giá trị thị trường của hệ thống ngân hàng đã phản ánh tương đối sát tiềm năng tạo ra lợi nhuận của ngành. Vì thế, ông Du cho biết, trong bối cảnh hiện tại, khả năng giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ biến động mạnh (tăng hay giảm) trong thời gian tới là không cao.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán HSC cho rằng, nếu hệ thống ngân hàng được củng cố trong một nền kinh tế phát triển ổn định, hoạt động của các ngân hàng sẽ được cải thiện. Nhưng để phân tích và ước đoán, thị trường phải đợi một đường hướng kinh tế mới rõ ràng hơn từ Chính phủ.

Ngọc Thủy

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Hội chứng “chim sợ cành cong” khiến NĐT chưa sẵn sàng quay lại thị trường (11/08/2010)

>   Cổ phiếu Bảo hiểm: Bao giờ có "sóng"? (11/08/2010)

>   Thị trường OTC lại buồn (11/08/2010)

>   Chứng khoán trong cơn hoảng loạn: Quan ngại vĩ mô? (11/08/2010)

>   Nhà đầu tư cẩn trọng bán đúng "đáy" (11/08/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng đang “đắt” hay “rẻ”? (11/08/2010)

>   Cơ hội cho đầu tư giá trị (11/08/2010)

>   Nhà đầu tư cần kiên nhẫn  (10/08/2010)

>   UPCoM-Index đóng cửa ở mức 48,59 điểm  (10/08/2010)

>   Thị trường ngày 11/08 và góc nhìn từ CTCK (10/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật