Thứ Tư, 11/08/2010 09:23

Chứng khoán trong cơn hoảng loạn: Quan ngại vĩ mô?

Từ đầu năm đến nay TTCK mới lại chứng kiến liên tiếp hai phiên giao dịch trong hoảng loạn khi chỉ số giá giảm liên tục trên 2% mỗi ngày. Hàng trăm mã CK trên cả hai sàn giảm xuống mức sàn là biểu hiện rõ ràng nhất của sự hốt hoảng và chán nản.

Ưu tiên ổn định vĩ mô

Kết thúc phiên ngày 10.8, VN-Index chỉ còn ở mức 461,67 điểm, thấp nhất trong gần 8 tháng. Như vậy chỉ số không còn cách bao xa so với đáy 440 điểm của tháng 12 năm ngoái, thời điểm thị trường phản ứng rất mạnh với thông tin “sốc” tăng lãi suất cơ bản cũng như nguy cơ ám ảnh về tỉ giá, lạm phát.

Một điều trái ngược là thời điểm hiện tại, các tín hiệu của nền kinh tế không thể xấu đi so với cuối năm 2009, nếu không muốn nói là tích cực hơn. Tại hội thảo “Tình hình kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam” vừa được tổ chức ngày 10.8 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đều nhận định mặc dù có khó khăn nhưng Châu Á và các nền kinh tế mới nổi đang là điểm sáng của thế giới. Theo ông Seiji Kawazoe – chuyên gia kinh tế Ngân hàng Sumitomo, nền kinh tế các nước Châu Á tiếp tục tăng trưởng mạnh trong khi các thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật lại có sức bật yếu hơn. Với môi trường lãi suất tích cực, xu thế này có thể  sẽ còn tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Lạc quan hơn, ông Prasenjit K.Basu- Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư  Daiwa còn cho rằng Châu Á dẫn đầu phát triển trong sự suy thoái toàn cầu. Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng của các Cty đa quốc gia, đặc biệt là từ Châu Á. “Chúng tôi cho rằng những bất lợi về kinh tế vĩ mô không làm mất đi tính hấp dẫn của thị trường này. Dòng vốn FDI nhanh chóng hồi phục trong quý II-III năm 2009 (trên 10% GDP), chúng tôi dự đoán tỉ lệ này sẽ ổn định ở 8-10% GDP trong trung hạn và đây sẽ là một nguồn hỗ trợ cân bằng đối ngoại quan trọng”.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, các giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện thời gian qua cho thấy rằng những tháng đầu năm 2010 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. “Theo đánh giá của tôi, kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 7 tháng đầu năm có cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt tăng 13%. Giá trị sản xuất công nghiệp là một chỉ tiêu rất quan trọng, đo lường được sự hồi phục nhanh hay chậm của một nền kinh tế, khi chỉ tiêu này tăng, có thể hiểu rằng kinh tế có dấu hiệu khả quan”.

Một số rủi ro của nền kinh tế được chuyên gia này chỉ ra là với mức lạm phát năm 2010, lạm phát năm 2011 sẽ cao hơn năm 2009; sự bất ổn của thị trường tài chính, thâm hụt ngân sách và một số rủi ro khác của hệ thống tài chính ngân hàng.  Tuy nhiên, theo ông Thành, rủi ro vĩ mô vẫn có thể  kiếm soát được và Chính phủ đang ưu tiên điều này. Với thông điệp như vậy, sẽ khó kỳ vọng vào một sự hứng khởi quá đà ở những chính sách như tiền tệ, ngoại hối, xuất nhập khẩu.

Vẫn là câu chuyện tiền

“Băng dày một thước không phải vì cái lạnh của một ngày”. Điều đó hoàn toàn phù hợp với trạng thái của TTCK hiện tại. Diễn biến hai hôm nay không hẳn vì thị trường bị tác động bởi các tin tức vĩ mô “sốc” mà hoàn toàn từ yếu tố tâm lý khi NĐT không chịu đựng nổi sự “tra tấn” mỗi ngày bởi giá CK giảm và dòng tiền vận động yếu ớt.

Theo ông Phạm Thái Bình, GĐ nghiên cứu và phân tích CTCK dầu khí, thị trường sẽ tiếp tục đi ngang và khó bật vì nhiều yếu tố: Dòng tiền vào hạn chế do tín dụng tăng thấp; vốn nước ngoài đang chững lại; lượng CP phát hành thêm, niêm yết mới nhiều; tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi CP chưa có cải thiện rõ nét. “Chúng tôi đo lường 13 CP vốn hóa lớn nhất thị trường sử dụng lợi nhuận 6 tháng đầu năm để ước tính mức lợi nhuận trên mỗi CP 2010 (EPS) thì thấy rằng trung bình EPS 2010 chỉ tăng 13% so với năm trước. Mặc dù giá CP đang rẻ nhưng không phải là quá rẻ”, ông Bình nhận xét.

Khi dòng vốn vào nền kinh tế chưa được khai thông thì dòng tiền thường trực trên TTCK còn “chiết khấu” cao đối với rủi ro. Một thực tế dễ thấy là ở khoảng giá của VN-Index trên 500 điểm, giá trị giao dịch hàng ngày vẫn trên dưới 2.000 tỉ đồng/phiên. Chỉ chưa đầy một tháng nhưng VN-Index lúc này chỉ còn 461 điểm và hàng loạt CP giảm sàn không có người mua. Kinh tế vĩ mô không thể có thay đổi lớn trong một thời gian ngắn như vậy nhưng quan điểm đánh giá về rủi ro của NĐT đã khác. Theo số liệu tuần qua, NHNN đã bơm ròng khoảng 8.138 tỉ đồng qua thị trường mở. Đây là mức cung tiền mạnh nhất trong 1 tuần, ít nhất là từ tháng 5 đến nay. Tuy nhiên lãi suất thương mại vẫn chưa có tín hiệu tích cực đáng kể nào.

Hoàng Nguyên

lao động

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư cẩn trọng bán đúng "đáy" (11/08/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng đang “đắt” hay “rẻ”? (11/08/2010)

>   Cơ hội cho đầu tư giá trị (11/08/2010)

>   Nhà đầu tư cần kiên nhẫn  (10/08/2010)

>   UPCoM-Index đóng cửa ở mức 48,59 điểm  (10/08/2010)

>   Thị trường ngày 11/08 và góc nhìn từ CTCK (10/08/2010)

>   Cổ phiếu bất động sản: Chờ tín hiệu dòng tiền (10/08/2010)

>   Khó có sự hứng khởi quá đà (10/08/2010)

>   Thị trường ngày 10/08 và góc nhìn từ CTCK (10/08/2010)

>   Nghịch lý thị trường (09/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật