Nhà đầu tư cần kiên nhẫn
Đó là khuyến nghị của ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Khối phân tích kỹ thuật, CTCK Dầu khí (PSI) đưa ra trong cuộc hội thảo “Tình hình kinh tế thế giới và các tác động đến Việt Nam” do PSI tổ chức ngày 10/8.
Theo ông Bình, sau khi tăng mạnh từ 235 điểm lên 630 điểm, chỉ số VN-Index đã dao động trong biên độ từ 430-550 điểm trong 3 quý gần đây. Dự kiến, chỉ số này sẽ tiếp tục dao động trong biên độ này thêm một vài quý tới.
Lý do theo ông Bình là dòng vốn đầu tư đang bị hạn chế, tổng tín dụng chỉ tăng tối đa 25% trong năm nay. Trong khi đó, đầu tư gián tiếp nước ngoài vẫn chưa được cải thiện. Ngoài ra, nhiều công ty niêm yết mới và phát hành thêm, cùng việc các ngân hàng phải huy động tăng vốn thêm gần 100 nghìn tỷ đồng trong vòng 5 năm tới sẽ gây áp lực thị trường.
Ngoài ra, EPS của các cổ phiếu bluechip có mức tăng trưởng không lớn, trong khi các cổ phiếu nhỏ và vừa lại bị pha loãng mạnh cũng là nguyên nhân khiến thị trường kém hấp dẫn.
Theo ông Bình, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá hợp lý, nhưng không rẻ. Mức P/E trung bình có trọng số của Việt Nam là 10,5, cao hơn mức P/E 9,8 của Hàng Quốc. P/E trung bình của FTSE là 12,6, của Dow Jones là 14,5 và của Thái Lan là 12,3.
Nhận định về hai phiên giảm mạnh vừa qua (ngày 9 và 10/8) của thị trường, ông Bình cho rằng, thị trường chưa có sự hoảng loạn quá mức. Quan sát giao dịch trên thị trường, có thể thấy số lượng lệnh bán không quá nhiều. Ngoài ra, thị trường chưa xuất hiện thông tin nào khiến nhà đầu tư hoảng loạn bán mạnh cổ phiếu. Việc thị trường điều chỉnh giảm mạnh là do ngưỡng hỗ trợ 480 điểm bị phá vỡ khiến nhiều nhà đầu tư bán ra theo phân tích kỹ thuật. Dự kiến, trong phiên giao dịch ngày mai (11/8), thị trường sẽ bật lên khi tiến vào vùng hỗ trợ 450 điểm. Ở thời điểm này, nhà đầu tư không nên bán ra cổ phiếu ồ ạt mà nên chờ đợi thị trường bật trở lại.
“Chúng tôi không bi quan. Trong trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm trong ít nhất 5-7 năm tới. Chúng ta lạc quan về thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn nhưng cần kiên nhẫn”, ông Bình chia sẻ.
Cung tại buổi hội thảo, các chuyên gia kinh tế hàng đầu như ông Hiroki Shimazu (Ngân hàng Đầu tư Nikko Cordial), ông Seiji Kawazoe (Ngân hàng Sumitomo), ông Prasenjit K.Basu (Ngân hàng Đầu tư Daiwa) và ông Võ Trí Thành (Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) đã đề cập đến những vấn đề nóng của kinh tế thế giới, về triển vọng kinh tế những năm hậu khủng hoảng. Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra các phân tích và dự báo về thị trường chứng khoán thế giới, châu Á cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quang Sơn
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|