Thứ Tư, 11/08/2010 13:45

Cổ phiếu Bảo hiểm: Bao giờ có "sóng"?

Không quá ồn ào như đợt IPO lần đầu của các cổ phiếu PVI và BVS, nhưng theo đánh giá của Sở GDCK Hà Nội (HNX), đợt đấu giá cổ phiếucủa BIC được đánh giá là thành công nhất từ tháng 5/2007 (từ sau đợt IPO của Tập đoàn Bảo Việt) theo các tiêu chí: tỷ lệ chào mua/chào bán; số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia, đặt biệt là có nhiều nhà đầu tư là tổ chức tài chính chuyên nghiệp, các cá nhân là người nước ngoài; tỷ lệ giá trúng hợp lý so với giá chào bán...

Đây là một kết quả khá tốt của BIC trong điều kiện TTCK Việt Nam không có nhiều tích cực từ đầu năm. Thành công này có được cũng do BIC đánh giá “đúng người đúng ta” khi quyết định đưa ra một mức giá phù hợp với thời điểm thị trường. Mức giá khởi điểm hợp lý cũng là một trong những yếu tố khiến đợt chào bán cổ phiếu lần đầu của PVI tạo ra kỷ lục về số lượng người tham gia, về mức giá trúng thầu thấp nhất cũng như cao như thời điểm cuối năm 2006.

Thực tế, việc IPO của BIC còn được đánh giá là “bước thử” cho cổ phiếu của BIDV khi ngân hàng này chuẩn bị cổ phần hóa và sau khi BIC cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu của BIDV tại BIC vẫn chiếm trên 80%.

Ngoài việc kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng thực lực của BIC, các nhà đầu tư còn kỳ vọng vào giá trị cộng hưởng cổ phiếu BIC và BIDV trong tương lai khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm được BIDV xác định là một trong hai trụ cột hoạt động chính trong chiến lược phát triển dài hạn.

Chia sẻ với ĐTCK sau phiên chào bán cổ phiếu lần đầu, ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc BIC cho biết, ngoài nhận định chủ quan của mình về tiềm năng phát triển, BIC tin rằng các nhà đầu tư đã có phân tích đánh giá kỹ các thông tin, tài liệu mà BIC đã công bố qua đợt IPO này.

Cổ phiếu bảo hiểm sau đợt “sốt nóng”, khi PVI niêm yết cũng lâm vào cảnh “chợ chiều”, thậm chí, các nhà đầu tư còn tỏ ra khá thờ ơ vì cổ phiếu ngành này rất ít “sóng”. Trong khi đó, những nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu ngành này vẫn lo ngại rằng, hoạt động kinh doanh bảo hiểm hiện nay chưa có lãi, các công ty bảo hiểm vẫn thu lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động đầu tư tài chính và một số công ty bảo hiểm cũng cho rằng đang chỉ hy vọng mảng kinh doanh chính là bảo hiểm hòa vốn chứ không mong lãi nhiều. Vì vậy, nếu đầu tư lâu dài vào cổ phiếu ngành này chưa chắc đã có lợi nhuận cao.

Nhưng ở góc độ khác, các chuyên gia trong ngành này lại cho rằng, việc các công ty bảo hiểm có hiệu quả thấp từ hoạt động kinh doanh chính và lợi nhuận đến từ hoạt động đầu tư tài chính là chủ yếu cũng là thông lệ chung. Khác với các nhóm định chế tài chính khác, bảo hiểm là ngành kinh doanh mà doanh thu có trước, chi phí phát sinh sau và vì có được nguồn tiền từ thu phí không phải trả lãi, tùy theo chiến lược của mình, một số công ty có thể chủ động chấp nhận chưa có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm để mở rộng thị phần, tăng nguồn vốn kinh doanh và đầu tư thu lời chính từ hoạt động tài chính.

Thực tế, nguồn doanh thu từ đầu tư tài chính của các công ty bảo hiểm đến chủ yếu từ hoạt động gửi tiền, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu (mua chứng  khoán và góp vốn thành lập công ty liên kết..). Tuy nhiên, với mục tiêu đầu tư tài chính hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo tính thanh khoản cao nhất để có nguồn bồi thường nếu rủi ro xảy ra, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường đầu tư tài chính theo tỷ lệ: 4-3-3 (40% tiền gửi, 30% cổ phiếu và 30% cho trái phiếu).

Tất nhiên, tùy thuộc vào mục tiêu chiến lược riêng mà mỗi công ty có thể thay đổi tỷ lệ này cho phù hợp nhưng yếu tố an toàn vốn vẫn là ưu tiên số một và phải được đảm bảo theo những quy định của các cơ quan chức năng.

Ông Phạm Quang Tùng cho biết, theo tính toán, từ 2009, hoạt động tính doanh bảo hiểm của BIC đã đạt tới điểm hòa vốn và với kinh nghiệm trong việc quản lý rủi ro, BIC có thể chủ động kiểm soát tốt khả năng sinh lời của mình.

BIC cũng sẽ tập trung cho hoạt động đầu tư tài chính để không những đảm bảo khả năng sinh lời hàng năm mà còn gây dựng danh mục đầu tư tốt để tạo giá trị công ty lâu dài.

Sau khi cổ phần hóa, BIC sẽ phát triển thêm các dịch vụ tài chính để thu phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Hoạt động tài chính sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn cho BIC trong năm nay khi một số khoản góp vốn đầu tư bắt đầu sinh lời như việc góp vốn thành lập Công ty Tài chính Viettel- Vinaconex, thành lập Liên doanh bảo hiểm Việt - Lào...", ông Từng chia sẻ.

Theo các chuyên gia, nằm trong ngắn hạn, thị trường bảo hiểm Việt Nam có thể chưa phải là ngành có tỷ suất sinh lời cao nhất nhưng là ngành kinh doanh mới, đang ở trong giai đoạn đầu và có nhiều tiềm năng phát triển. Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất khu vực cũng như thế giới, với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt khoảng 30%/năm.

Tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm trên GDP đang ở mức gần 2,3% và đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước trong khu vực, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa.

Tại Singapore, Malaysia, tổng doanh thu ngành bảo hiểm chiếm đến 5 - 6% GDP, các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh chiếm đến 8 - 9% GDP. Tại Nhật Bản, phí bảo hiểm trung bình mỗi người dân là 3.300 USD/người/năm, trong khi Việt Nam mới chỉ là 14 USD/người/năm.

Gia Linh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Thị trường OTC lại buồn (11/08/2010)

>   Chứng khoán trong cơn hoảng loạn: Quan ngại vĩ mô? (11/08/2010)

>   Nhà đầu tư cẩn trọng bán đúng "đáy" (11/08/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng đang “đắt” hay “rẻ”? (11/08/2010)

>   Cơ hội cho đầu tư giá trị (11/08/2010)

>   Nhà đầu tư cần kiên nhẫn  (10/08/2010)

>   UPCoM-Index đóng cửa ở mức 48,59 điểm  (10/08/2010)

>   Thị trường ngày 11/08 và góc nhìn từ CTCK (10/08/2010)

>   Cổ phiếu bất động sản: Chờ tín hiệu dòng tiền (10/08/2010)

>   Khó có sự hứng khởi quá đà (10/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật