Thứ Sáu, 13/08/2010 07:43

Đã đến lúc đầu tư giá trị

Kỳ vọng thật nhiều vào tháng Bảy, nhưng rồi thị trường đã làm các nhà đầu tư (NĐT) vỡ mộng. Sang tuần giao dịch đầu tháng Tám, NĐT lại có hy vọng vì sáu tháng đầu năm 2010 tín dụng tăng ở mức thấp, CPI được kiềm chế thì khả năng tiền tệ sẽ được nới lỏng để kích thích kinh tế. Với việc VN-Index một lần nữa rơi khỏi ngưỡng 490 điểm, không ít ý kiến cho rằng, bất luận kinh tế vĩ mô diễn biến ra sao, thì đây là thời điểm đầu tư giá trị.

Tin xấu, VN-Index mới giảm

Có thể nói, khởi động cho một tháng mới, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phải hứng chịu tin tiêu cực dạng “búa tạ”. Đó là việc hãng Fitch Ratings hạ mức tín nhiệm nợ của Việt Nam, từ BB- xuống B+ vì cho rằng hệ thống tài chính và ngân hàng yếu kém, nền kinh tế bị đôla hóa và chính sách kinh tế vĩ mô bất nhất.

Bà Ai Ling Ngiam, Trưởng Nhóm đánh giá tín nhiệm nợ nước ngoài của Fitch ở châu Á đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam là “không có kế hoạch, mang tính đối phó và bất nhất”.

Theo bà Ai Ling Ngiam, mức tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam kém đi trong bối cảnh các dòng vốn từ bên ngoài yếu đi, nhu cầu vốn gia tăng của Việt Nam để bù đắp cho khung chính sách kinh tế vĩ mô không đồng nhất, nền kinh tế đôla hóa cao và hệ thống ngân hàng yếu kém.

Thâm hụt ngân sách của Việt Nam cũng bị xem là vấn đề khi Fitch dự báo thâm hụt sẽ chiếm 7,6% GDP năm nay, chỉ kém hơn chút ít so với mức 8,7% của năm 2009. Fitch còn lưu ý mức nợ công của Việt Nam đã tăng lên 45% GDP vào năm ngoái. Năm nay có thể là năm thứ ba liên tục, dòng vốn ròng dài hạn vào Việt Nam không đủ để bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai. Fitch ước tính thâm hụt cán cân vãng lai sẽ ở mức trên 10% GDP năm nay.

Theo Fitch, việc rút tài sản ở bên ngoài về Việt Nam của các doanh nghiệp nhà nước chứng tỏ mức tăng dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay có thể không bền vững. Họ dự đoán tổng yêu cầu rót vốn từ bên ngoài sẽ tăng lên tương đương 79% dự trữ ngoại hối năm 2010 so với 37% năm 2009 và cao hơn mức trung bình 55% cho chỉ số B. Fitch cho rằng, điều này sẽ “làm tăng sự bấp bênh của Việt Nam trước tình hình tài chính bên ngoài thay đổi”.

Đối với các NĐT nước ngoài, việc Fitch đưa ra nhận định trên thực sự khiến họ quan ngại về triển vọng của TTCK Việt Nam. Trên thực tế, NĐT nước ngoài đã có 1 tuần bán ròng khi có “hung tin”.

Hành động của khối ngoại ít nhiều cũng tác động tiêu cực đến tâm lý các NĐT trong nước. Một đại diện quỹ nước ngoài giấu tên cho rằng, với những tín hiệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay (lãi suất khó hạ, tỷ giá không ổn định, thâm hụt thương mại...), VN-Index vẫn còn khả năng giảm điểm.

Tin xấu xuất hiện trong bối cảnh tâm lý các NĐT đã khá oải với thị trường, cộng với việc giới phân tích liên tục có những nhận định bi quan, dựa trên các lập luận khá thuyết phục càng khiến thị trường càng bi quan. Kể từ đầu năm tính đến phiên 4/8, VN-Index đã lần thứ ba giảm khỏi ngưỡng 490 điểm.

Đã đến lúc đầu tư giá trị?

Nhìn chung, tâm lý các NĐT trên thị trường đã tỏ ra khá bi quan về triển vọng thị trường trong tháng Tám và cả quý III. Liệu thị trường vận hành đúng quy luật là: khi tất cả đều bi quan là lúc thị trường phục hồi?

Nhận định tình hình thị trường, ông Đinh Anh Kim, Giám đốc chi nhánh Chương Dương (Hà Nội), Công ty Chứng khoán APEC cho rằng, bất chấp kinh tế vĩ mô ra sao thì với giá các cổ phiếu (CP) blue chip hiện nay phản ánh đã đến lúc quay về đầu tư giá trị. Chưa cần tính toán cụ thể cũng thấy, các CP blue chip vốn trước đây đều có thị giá cao, nay dù với kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2010 khá tốt như REE, ITA, NTL, SJS, TDH, DPM, HSG... lại vẫn bị giảm giá thành các CP thị giá thấp.

Trong khi đó, những CP thị giá thấp, có cả những CP có kết quả kinh doanh lỗ vẫn tăng giá. Đây là sự bất hợp lý của thị trường. Nghịch lý này sẽ sớm chấm dứt trong nửa cuối năm 2010. Do đó, đây là thời điểm tốt để các NĐT thực hiện chiến lược đầu tư giá trị.

Đồng thuận quan điểm trên, ông Nguyễn Sơn Trung, NĐT tại sàn An Bình lấy ví dụ về cổ phiếu ngành điện hiện đang ở mức giá khá hấp dẫn. Nếu so sánh với VN-Index thì giá của cổ phiếu VSH tương ứng với mức VN-Index ở 150 điểm. Các mã khác như TBC, PPC cùng các blue chip khác ngay cả khi VN-Index giảm về 235 điểm cũng không giảm xuống mức giá như hiện nay. Đây là lý do ông Trung cũng đang thực hiện chiến thuật đầu tư giá trị.

Cùng đánh giá về diễn biến thị trường hiện nay, ông Lê Chí Phúc, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ IPA, chia sẻ kinh nghiệm: một trong những tín hiệu cảnh báo vùng đáy của thị trường là tâm lý các NĐT trên sàn tỏ ra chán nản, cạnh đó là giá trị và khối lượng giao dịch của thị trường thì sụt giảm khoảng 2/3 so với đỉnh điểm.

Xét bối cảnh hiện nay, giao dịch đã sụt giảm hơn một nửa của giai đoạn trước (tức khoảng dưới 40 triệu CP/phiên hiện nay so với 80 - 120 triệu CP lúc đỉnh điểm) nên có thể nói thị trường đã về vùng đáy. “Mua vào thời điểm này, tuy chưa phải điểm tối ưu nhưng đã đảm bảo độ an toàn và khả năng sinh lời trong trung hạn”, ông Phúc nói.

Phát hiện cơ hội thị trường là một chuyện, cách đầu tư nào giúp NĐT chiến thắng quan trọng hơn, ông Phúc chia sẻ ba yếu tố tạo nên chiến thắng: “Thứ nhất là phải lựa chọn mua CP đúng mức giá an toàn. Thường mức giá này được coi là an toàn nhất khi thị trường chung vào giai đoạn suy yếu. Đối với riêng CP thì có một số yếu tố tham chiếu như là CP đã giảm giá quá đà, có cổ đông lớn thoái vốn, CP chuyển kết quả kinh doanh từ lỗ sang có lãi...

Thứ hai là phải chọn đúng CP có tiềm năng của thị trường. Đó là xem xét các cơ hội kinh doanh của CP có đang hưởng lợi từ kinh tế vĩ mô hay không? Cuối cùng là tận dụng đòn bẩy tài chính khi thị trường mở ra cơ hội chắc chắn. Nhưng lưu ý, việc sử dụng đòn bẩy tài chính có tính hai mặt. Nếu có thể khuếch đại lợi nhuận lớn gấp nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn thì đồng thời cũng làm tiêu tán lợi nhuận hay vốn của NĐT cũng tương ứng khi CP giảm giá!”, ông Phúc khuyến cáo.

Thanh Lâm

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu cao su “lình xình” dù doanh nghiệp lãi lớn (13/08/2010)

>   Thị trường thứ Sáu ngày 13 và góc nhìn từ CTCK (13/08/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 48,11 điểm (12/08/2010)

>   Thông tư 13: "Giọt nước làm tràn ly chứng khoán" (12/08/2010)

>   Nhóm cổ phiếu ngân hàng: Cung sẽ vượt xa cầu (12/08/2010)

>   Cổ phiếu thép: Lướt sóng dễ mất ván (12/08/2010)

>   Thị trường đang đi đúng quy luật? (12/08/2010)

>   Thời điểm thuận lợi cho các NĐT tổ chức (12/08/2010)

>   Nhiều NĐT mất kiên nhẫn, vì sao? (12/08/2010)

>   Thị trường ngày 12/08 và góc nhìn từ CTCK (11/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật