Thông tư 13: "Giọt nước làm tràn ly chứng khoán"
Theo đánh giá của các chuyên gia trên thị trường chứng khoán, Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đã gây tác động cộng hưởng tới tâm lý vốn đang rất yếu ớt của thị trường, như "giọt nước làm tràn ly".
Bỏ qua mọi dự báo phân tích của giới chuyên gia, chỉ trong bốn phiên giao dịch của tuần này (9/8 - 12/8), VN-Index bất ngờ rơi tự do đến 34,42 điểm, phá tan mọi ngưỡng hộ trợ kỹ thuật trở về mức 448 điểm, đây cũng là ngưỡng thấp nhất kể từ đầu năm 2010 đến nay.
Một trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư vội vã tháo chạy khỏi thị trường được các chuyên gia nhắc đến là những tác động của Thông tư 13.
Thông tư này được ban hành từ tháng 5/2010 và đã có những tác động ngay đến các ngân hàng, khiến họ phải lên kế hoạch thu xếp lại nguồn vốn tự có qua việc thoái bớt vốn hay quyết định rút lui không rót thêm vốn cho các đợt phát hành cổ phiếu tăng thêm tại các tổ chức tín dụng khác trong năm nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán phải đón nhận một lượng cung cổ phiếu ngành tài chính tương đối lớn.
Ngoài ra, những nội dung tại điểm a và b khoản 5.6 của Thông tư quy định các khoản cho vay để đầu tư chứng khoán, cho vay các công ty chứng khoán có hệ số rủi ro bằng 250% sẽ tác động hạn chế dòng tiền tín dụng chảy vào thị trường chứng khoán.
Những vấn đề trên đang gây ra áp lực tâm lý lớn cho các công ty chứng khoán và nhà đầu tư trên thị trường trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra, Thông tư 13 đã có từ lâu nhưng tại sao tới tận thời điểm này các thành viên trên thị trường chứng khoán mới tỏ ra băn khoăn về nó?
Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng trong thời gian qua, diễn biến thị trường chứng khoán lình xình kéo dài nên phần lớn các thành viên trên thị trường không chú trọng nhiều đến nội dung của Thông tư, mà chỉ đơn thuần cho rằng nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng từ 8% lên 9% sẽ không tác động lớn đến nguồn vốn vào thị trường.
Chị Trần Thị Thủy, một nhà đầu tư "lướt sóng" tại Hà Nội cho biết, thời gian trước chị cũng như nhiều nhà đầu tư khác cùng sàn thậm chí là không biết có những chính sách trên.
“Thị trường hoạt động èo uột, rất khó chơi, càng đầu tư càng lỗ vì vậy các nhà đầu tư có xu hướng rút vốn ra làm việc khác, giao dịch mua bán cầm chừng nên ít ai mặn mà quan tâm đến dòng vốn tín dụng ngân hàng,” chị Thủy bộc bạch.
Tuy nhiên không giống như các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đối với các nhóm “đội lái” thông tin là vũ khí thiết yếu trong đầu tư thì Thông tư 13 ngay từ khi mới ra đời cũng đã khiến họ phải mất ăn, mất ngủ.
Thành viên của một “đội lái lớn” cho biết, thời gian đó họ đã lan truyền cho nhau thông tin về khả năng ngân hàng sẽ thắt chặt tín dụng đối với chứng khoán khi Thông tư 13 có hiệu lực, tuy nhiên không thấy các nhà đầu tư, các chuyên gia trên thị trường và giới truyển thông quan tâm nhiều nên họ cho rằng những chính sách trên không tác động mạnh đến thị trường và nếu có thì nó đã phần nào phản ánh vào giá chứng khoán trong thời gian qua.
“Theo tôi, thông tin trên không đáng lo ngại, dòng tiền tín dụng chảy vào thị trường sẽ không bị ảnh hưởng, bởi thực tế cho vay chứng khoán lại không ẩn chứa nhiều rủi ro như nhiều loại hình tín dụng khác. Hơn nữa, ngân hàng cũng là một tổ chức kinh doanh, mục tiêu của họ là lợi nhuận nên khi hạn mức tín dụng cho chứng khoán bị cắt giảm họ sẽ tìm làm chui qua kênh cấp tín dụng sản xuất kinh doanh,” thành viên trên tự tin khẳng định.
Tuy nhiên, khi thời gian gần đây báo chí bắt đầu truyền thông mạnh mẽ về nội dung của Thông tư 13 và những phản ứng của các định chế tài chính với chính sách mới này thì thông tin trên lập tức đã gây sự chú ý của các thành viên trên thị trường chứng khoán.
Theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Marketing Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia, thị trường chứng khoán yếu và thanh khoản suy giảm có nhiều lý do, như việc các công ty niêm yết tăng thêm vốn ồ ạt và với sự đổ bộ liên tiếp của nhiều cổ phiếu mới niêm yết trên thị trường.
Ngoài ra, áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng của các ngân hàng cũng đòi hỏi phải thẩm thấu tới khoảng 40.000 tỷ đồng vốn từ xã hội. Hay vụ đổ bể của Tập đoàn Vinashin cũng gây tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường.
Trong khi dòng tiền dẫn dắt thị trường ngày càng yếu đi, thì các tổ chức lớn, các nhà đầu tư nước ngoài lại bắt đầu bị cuốn vào trào lưu "lướt sóng", đầu tư ngắn hạn khiến cho việc đầu tư vào các mã blue chip bị thiệt hại lớn và ngay cả hoạt động "lướt sóng" cổ phiếu thị giá thấp cũng tạo ra không ít tổn thất cho các nhà đầu tư và cả các “đội lái”.
“Nên khi ngày 9/8, những kiến nghị bất đồng ý kiến của các thành viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng được truyền thông rộng rãi, đã tác động tăng thêm nỗi sợ hãi, kéo theo những phiên tuột dốc không phanh trên thị trường chứng khoán,” ông Hoàng nói.
Đánh giá về quy định liên quan đến hệ số rủi ro cho vay chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương đưa ra ý kiến, tín dụng cung cấp cho đầu tư chứng khoán được phân ra nhiều loại hình sản phẩm và các cấp độ rủi ro là hoàn toàn khác nhau.
Hoạt động cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán hoàn toàn không có rủi ro, vì thực chất người mua đã xuất tiền ra khỏi tài khoản. Hay hoạt động cho vay đầu tư trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp không có nhiều rủi ro.
“Kể cả cho vay đầu tư chứng khoán, thời hạn vay thường rất ngắn và thậm chí là hệ số rủi ro còn thấp hơn so với một số hoạt động tín dụng sản xuất, kinh doanh,” ông Bình khẳng định.
Ông Hoàng cho rằng, về lâu về dài chính sách nâng mức tỷ lệ an toàn trong hoạt động tín dụng lên 9% sẽ giảm được vốn đầu tư gián tiếp, đi thẳng vào sản xuất kinh doanh và đưa các định chế tài chính Việt Nam tiến gần hơn với các mức chuẩn quốc tế trong khu vực.
Song đồng tình với ý kiến của các đồng nghiệp, ông Hoàng cũng đưa ra kiến nghị, Ngân hàng nhà nước cần thiết phải phân định chi tiết hơn về các mức tỷ lệ rủi ro cho từng sản phẩm tín dụng chứng khoán khác nhau.
Với hệ số rủi ro bị đánh đồng lên tới 250%, dòng tiền tín dụng vào thị trường chứng khoán chắc chắn bị giới hạn. Mà, hoạt động hỗ trợ đòn bảy là sản phẩm không thể thiếu trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Cứ 10 nhà đầu tư bám sàn thì có tới 9 người có nhu cầu sử dụng đòn bảy theo các cách khác nhau.
"Như vậy, Thông tư có hiệu lực vào đầu tháng 10, kể cả lúc đó thị trường có tăng trưởng mạnh trở lại thì thanh khoản cũng không bao còn những phiên giao dịch đạt kỷ lục 4.000 – 5.000 tỷ đồng như trong lịch sử,” ông Hoàng nhấn mạnh./.
Hạnh Nguyễn
VIETNAM+
|