Nghịch lý trong đầu tư vào cổ phiếu ngành điện
Quan sát thị trường chứng khoán (TTCK) trong khoảng vài tuần trở lại đây, các mã chứng khoán thuộc ngành điện như SBA, VSH, PPC, TBC... đang có dấu hiệu trượt dốc.
Điều đáng nói là hầu hết doanh nghiệp trên luôn có kết quả kinh doanh tốt trong những năm trước, với tỷ suất lợi nhuận khá cao, cũng như kết quả sản xuất điện 6 tháng đầu năm khá khả quan. Đây chính là nghịch lý bất thường của thị trường, tác động từ yếu tố mang tính vĩ mô đến hấp lực của cổ phiếu.
Xét dưới góc độ doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK đã và đang triển khai những dự án lớn, như CTCP Sông Ba (mã SBA) đang triển khai Dự án Thủy điện Krông H'năng, hay CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH) đang triển khai 2 dự án Vĩnh Sơn 3 và Dự án Thượng Kon Tum.... Trên thực tế, sự trượt giá cổ phiếu ngành điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đâu tư, đại diện cổ đông SBA nhận xét rằng, trước đây, việc lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành điện thường được xem là giải pháp an toàn, rất ít rủi ro và mang tính lâu dài. Hiện tại, do nhiều mã cổ phiếu niêm yết rớt dài, dù chủ sở hữu không muốn hoặc chưa có ý định bán, nhưng sự biến động giá cổ phiếu niêm yết đã ảnh hưỏng không nhỏ đến tâm lý cổ đông.
Theo phân tích của chuyên gia chứng khoán, yếu tố tác động trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư vào cổ phiếu ngành điện chính là việc đàm phán giá điện giữa đơn vị sản xuất điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Yếu tố này đã tác động đáng kể đến giá trị cổ phiếu trên thị trường, bởi lẽ đa phần nhà đầu tư chọn cổ phiếu ngành điện là để đầu tư lâu dài. Điều này rất dễ hiểu vì trong những năm gần đây, các doanh nghiệp ngành điện trả cổ tức khá cao. Chẳng hạn, năm 2009, VSH trả cổ tức trên 20%, có thưởng cổ phiếu. Nhiều mã chứng khoán khác cũng trả cổ tức mức tương tự. Chính điều này đã tạo nên sự khan hiếm trong giao dịch cổ phiếu ngành điện, khiến giá cổ phiếu ngành điện luôn duy trì ở mức cao và ổn định.
Hiện tại, hấp lực của cổ phiếu ngành điện đã giảm đi nhiều, có doanh nghiệp đấu giá ra công chúng nhưng bất thành. Cụ thể, cuối tháng 6/2010, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã tổ chức đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 105 triệu cổ phần của Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD), với giá khởi điểm 14.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả diễn ra không như mong đợi khi chỉ có 15 nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia đặt mua 1,32% khối lượng cổ phiếu chào bán.
Trên thị trường, rất nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng ế ẩm khi giao dịch, thậm chí có thời điểm đã xuống dưới "đáy". Ví dụ, cổ phiếu VSH của CTCP Vĩnh Sơn - Sông Hinh có đáy thấp nhất là 17.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đang được mua bán dưới 14.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu TBC của CTCP Thuỷ điện Thác Bà có khá hơn khi đang được giao dịch cao hơn mức đáy 20%. Dù giá trị cổ phiếu khá thấp so với cùng kỳ năm trước, nhưng khối lượng giao dịch cũng không lớn. Điều đó cho thấy, cổ phiếu ngành điện không hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, cũng như việc đầu tư vào cổ phiếu ngành điện tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến nhà đầu tư phải dè chừng.
Theo đánh giá chung, sự vướng mắc trong việc đàm phán với EVN về giá điện đang khiến nhiều doanh nghiệp ngành điện sốt ruột bởi hàng loạt chiến lược huy động vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu phải tạm dừng, nhà đầu tư cũng chần chừ không muốn bỏ thêm tiền vào cổ phiếu ngành điện.
Theo nhận định của một số chuyên gia, điều tất yếu là doanh nghiệp phải bảo vệ quyền lợi cổ đông mình. Doanh nghiệp ngành điện cũng vậy, dù đại đa số doanh nghiệp này do EVN nắm tỷ lệ cổ phần điều tiết (trên 50%), nhưng nhìn tổng thể, một khi cổ phiếu doanh nghiệp điện thiếu tính hấp dẫn hoặc mất niềm tin đối với nhà đầu tư bên ngoài, thì đó sẽ là hiểm hoạ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược đầu tư. Tuy vậy, với những nhà đầu tư tỉnh táo, dự báo đúng tình hình, thì cổ phiếu ngành điện vẫn là những "mặt hàng" hấp dẫn trong danh mục đầu tư của họ.
Huỳnh Sơn
ĐẦU TƯ
|