Thông tư 13 có đáng ngại?
|
Nhiều nhà đầu tư lo ngại, Thông tư 13 sẽ hạn chế dòng tiền chảy vào chứng khoán, khiến thị trường khó lòng bật dậy. | Trái với những dự báo và phân tích trước đó, thị trường chứng khoán trong nửa đầu tháng 8 đã không còn diễn biến theo chiều ngang. VN-Index giảm mạnh, phá vỡ mọi ngưỡng hỗ trợ, trở về mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay (448 điểm, ngày 12.8). Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi thị trường.
Việc thị trường đang lình xình lại đột ngột chuyển biến theo chiều hướng xấu là do tác động của Thông tư 13/2010/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1.10.2010. Thông tư này có thực sự đáng ngại hay nhà đầu tư đã phản ứng thái quá?
Những tác động
Việc ban hành Thông tư 13 là nhằm nâng cao tính an toàn và ổn định của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, do có những chi tiết liên quan đến hoạt động cho vay, góp vốn đầu tư kinh doanh chứng khoán nên Thông tư 13 cũng đã tác động đến thị trường chứng khoán.
Điều 4 của Thông tư 13 nêu rằng, các ngân hàng phải nâng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) từ 8% lên 9%. Tuy nhiên, theo ông Hồ Bá Tình, Trưởng nhóm Vĩ mô và Thị trường Công ty VietStock, để nâng tỉ lệ CAR, chỉ có 2 cách, hoặc ngân hàng tăng vốn tự có hoặc giảm tài sản “có” rủi ro.
Khi ngân hàng tăng vốn tự có, vô hình trung, thị trường chứng khoán chịu sức ép từ nguồn cung cổ phiếu ngân hàng. Đặc biệt, để hoàn thành mục tiêu vốn tối thiểu 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay, chỉ riêng 21 ngân hàng chưa đạt tiêu chuẩn về vốn đã cần hút từ thị trường 30.262 tỉ đồng.
Trong khi đó, các ngân hàng có tỉ lệ CAR dưới 9% đang phải ra sức cơ cấu lại vốn cũng như bán bớt các tài sản có rủi ro. Bất chấp giá cổ phiếu rớt mạnh, Vietcombank vẫn lần lượt bán và đăng ký bán tổng cộng 10 triệu cổ phiếu EIB (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank), 2,68 triệu cổ phiếu PVD (PVDrilling). Vietcombank còn cho biết sẽ không rót thêm vốn vào các đợt phát hành tại các ngân hàng khác. Vì thế, ông Vũ Cường, chuyên viên phân tích cao cấp Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng: “Thị trường chứng khoán sẽ không chỉ chịu cảnh cung tăng, mà còn có nguy cơ bị rút dần vốn, hàng hóa ế ẩm, hạ giá”.
Bên cạnh đó, việc định nghĩa lại những tài sản có rủi ro, những quy định mới về giới hạn tín dụng tại Thông tư 13 cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán.
Chẳng hạn, theo Điều 5, các khoản cho vay đối với công ty chứng khoán sẽ có hệ số rủi ro là 250% thay vì 100% như trước. Đây cũng là hệ số rủi ro dành cho những khoản cho vay đầu tư chứng khoán. Đặc biệt, theo Điều 8, các ngân hàng sẽ không được cấp tín dụng cho những đơn vị trực thuộc là doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán. Với các quy định trên, dòng tiền từ ngân hàng vào chứng khoán sẽ bị siết lại.
Không đáng ngại
Tuy nhiên, ông Tuấn, Công ty Chứng khoán SJC, không cho rằng, Thông tư 13 có thể gây nhiều khó khăn cho thị trường. Bởi lẽ, lâu nay, các ngân hàng vẫn coi chứng khoán, bất động sản là những tài sản có rủi ro cao.
Ngân hàng Á Châu (ACB) yêu cầu nhà đầu tư phải cầm cố cổ phiếu khi vay và danh mục cầm cố phải do ACB lựa chọn và có thanh khoản cao. Riêng Eximbank thì chỉ cho vay cầm cố không quá 3 lần mệnh giá. Vì thế, tính đến hết tháng 5.2010, dư nợ cho vay chứng khoán của các tổ chức tín dụng đạt 14.000 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với tổng dư nợ còn được phép cho vay (ước khoảng 40.000 tỉ đồng).
Ngoài ra, theo ghi nhận từ các công ty chứng khoán, nhà đầu tư hầu như đã không còn sử dụng đòn bẩy tài chính. Họ mua chứng khoán chủ yếu bằng tiền túi. Vì thế, giả sử các ngân hàng có khóa van tín dụng đối với chứng khoán thì theo ông Tuấn, chưa chắc đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường.
Trong khi đó, ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, khoa Tài chính Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Điều quan trọng là nguồn vốn cho vay chứng khoán khá dồi dào”. Có thể thấy, tuy nâng hệ số rủi ro và siết các điều kiện cho vay chứng khoán, nhưng ngân hàng vẫn được phép sử dụng 20% vốn điều lệ để thực hiện hoạt động này.
Mặt khác, tuy chứng khoán là khoản vay có rủi ro cao, nhưng các ngân hàng như Ngân hàng Phương Đông, VPBank, Agribank đều cho biết sẽ sẵn sàng cho vay vì đây là khoản vay có cổ phiếu đảm bảo và có thể áp dụng mức lãi suất cao (16-18%/năm). Hơn nữa, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thương mại thấp, cho vay vốn qua kênh chứng khoán cũng là cách giúp ngân hàng cải thiện lợi nhuận.
Thực ra, Thông tư 13 chỉ tác động tiêu cực đối với các ngân hàng vốn ít, chưa đạt chuẩn CAR. Còn đối với những ngân hàng vốn lớn, có hệ số CAR trên 9% như ACB, Sacombank thì hoạt động cho vay chứng khoán hầu như không bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM, “đó là sự đánh đổi cần thiết”, vì trong dài hạn, Thông tư 13 hứa hẹn mang lại những thay đổi có tính đột phá không chỉ cho hệ thống ngân hàng mà còn cho cả thị trường chứng khoán.
Chẳng hạn, với việc gia tăng hệ số rủi ro đối với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và cho vay công ty chứng khoán, hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, trong đó có chứng khoán, sẽ tránh được nguy cơ đổ vỡ trước các biến động. Và thay vì bơm vốn trực tiếp vào thị trường chứng khoán, các ngân hàng sẽ hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất kinh doanh, nơi các doanh nghiệp niêm yết đang cần vốn để tạo ra giá trị thực sự cho chứng khoán. Bởi thế, thay vì đầu cơ trên sự bất ổn, theo ông Chí, đã đến lúc nhà đầu tư nên hướng vào đầu tư giá trị.
Ngọc Thủy
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|