Làm giá sẽ chùn tay?
Ngày 23.8, thêm một vụ thao túng giá CK được UBCKNN công bố với mức phạt cho hai “đạo diễn” chính là 50 triệu đồng mỗi người. Mức phạt này vẫn theo Nghị định 36 trong khi chỉ gần 1 tháng nữa Nghị định 85 thay thế sẽ có hiệu lực với mức phạt nặng hơn từ 4-6 lần.
Làm giá HCC
Theo quyết định xử phạt của UBCKNN, bà Nguyễn Thanh Hải và ông Nguyễn Hữu Chí đã thông đồng làm giá CP HCC của Cty CP bêtông Hòa Cầm – Intimex. Cụ thể, từ ngày 16.4.2010 đến 30.6.2010, bà Hải đã sử dụng tài khoản của mình và 3 tài khoản khác đứng tên người có liên quan, thông đồng với ông Chí thực hiện mua bán CP HCC với tỉ trọng lớn so với khối lượng giao dịch toàn thị trường. Thậm chí có nhiều phiên các đối tượng này thực hiện các giao dịch chéo giữa với các tài khoản trong nhóm nhằm tạo cung-cầu giả tạo đối với HCC.
Diễn biến giá của HCC trong thời gian trên khá bất thường. HCC từ ngày 16.4 đến 10.5 đã có một sóng tăng gần 79%, từ mức 27.500đ/CP lên cao nhất là 52.000đ/CP. Sau đó, HCC giảm trở lại khoảng 37%, về mức 31.200đ/CP trước khi tăng lên 39.400đ/CP vào ngày 30.6. Quyết định của UBCKNN không nêu mức độ giao dịch cụ thể của hai NĐT này cũng như khối lượng CP và quy mô lợi nhuận thu được qua các giao dịch. Tuy nhiên với mức giá thấp nhất trong thời gian này vẫn cao hơn mức “chân sóng”, các NĐT làm giá HCC chắc chắn có lời.
HCC là một trong những CP có quy mô vốn hóa nhỏ nhất sàn HNX với 1,9 triệu CP đang lưu hành. Với tổng giá trị vốn hóa chỉ khoảng trên 70 tỉ đồng, chỉ cần một vài cá nhân có mức vốn trung bình vài chục tỉ đồng cũng có thể liên kết tiến hành thâu tóm toàn bộ Cty này. Việc làm giá với các Cty có vốn hóa nhỏ như vậy rất dễ dàng vì khối lượng CP trôi nổi còn thấp hơn nữa. Khi các “đội lái” đã thâu tóm được phần lớn lượng CP tự do, cung-cầu trên thị trường sẽ do họ quyết định.
NĐT chắc vẫn chưa quên vụ việc đình đám nhất gần đây liên quan đến CP VTV của một nhóm NĐT liên kết làm giá, phối hợp cả với thông tin đăng ký chào mua công khai. Tuy nhiên khung phạt nặng nhất đối với hành vi làm giá CP cũng chỉ có 50 triệu đồng. Đặc biệt, cộng đồng NĐT không chỉ bất bình trước mức phạt quá thấp, mà còn không có cách nào truy thu toàn bộ khoản lợi nhuận có được từ hoạt động làm giá mà khoản lợi nhuận này chắc chắn lớn gấp nhiều lần mức phạt.
Khung phạt mới đủ răn đe?
Mức phạt thấp của Nghị định 36 được giới đầu tư ví như hình thức “phạt cho tồn tại”, vô hình trung khuyến khích phong trào làm giá CK và rủi ro bị phạt nếu có cũng được tính như chi phí! Cơ quan quản lý muốn cũng không thể phạt cao hơn mức trần được quy định, vì như vậy là phạm luật, đồng thời không thể tịch thu khoản lợi nhuận của hành vi vi phạm pháp luật được vì không có hướng dẫn.
Trở lại với trường hợp làm giá HCC, có lẽ đây sẽ là “án” phạt cuối cùng theo Nghị định 36 vì từ ngày 20.9 tới, Nghị định 85 thay thế có mức phạt cao hơn nhiều lần. Theo điều 27 Nghị định 85, các hành vi thao túng giá CK bao gồm: Thông đồng trong giao dịch CK nhằm tạo ra cung-cầu giả tạo; giao dịch CK bằng hình thức câu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán CK gây ảnh hưởng lớn đến cung-cầu và giá CK, thao túng giá CK; kết hợp hoặc sử dụng các phương thức khác để thao túng giá. Những hành vi như vậy sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng, tức là cao hơn mức cũ từ 4-6 lần. Đặc biệt, nghị định quy định rõ hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật.
Hiện tại, dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 85 đang được hoàn thiện và chắc chắn sẽ phải xong trước khi nghị định có hiệu lực. Dự thảo thông tư quy định rất chi tiết cách tính toán các khoản thu trái pháp luật đối với hành vi thao túng giá CK, giao dịch nội gián. Các khoản thu trong trường hợp thao túng bao gồm lợi nhuận từ hành vi đẩy giá lên để bán ra và ép giá xuống để mua rẻ. Đối với hành vi giao dịch nội bộ, cả trường hợp biết thông tin nội bộ tốt để mua vào trước khi công bố và biết thông tin xấu để bán trước khi công bố đều được hướng dẫn tính toán lợi nhuận cụ thể.
Thông tư cũng quy định rõ khi xem xét tính các khoản thu trái pháp luật đối với các hành vi giao dịch nội bộ và thao túng giá, nếu xét thấy giá trị khoản thu trái pháp luật hoặc mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét để xử lý hình sự theo quy định. Theo ý kiến một quan chức của UBCKNN, tới đây có thể lấy ý kiến lần cuối về thông tư này và dự kiến mức tịch thu tối đa 2 tỉ đồng. Một điểm đặc biệt của Nghị định 85 là thời hiệu xử phạt tới 2 năm kể từ ngày vi phạm. Quá thời hạn trên thì không bị xử phạt, nhưng vẫn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Hoàng Nguyên
LAO ĐỘNG
|