Thị trường ngày 24/08 và góc nhìn từ CTCK
(Vietstock) - CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá phiên giao dịch ngày 23/08 đã cho thấy xu thế giảm vẫn đóng vai trò chủ đạo. Nhà đầu tư quay trở lại tâm lý nghi ngại sau phiên giao dịch đột biến cuối tuần trước. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh cho thấy số đông nhà đầu tư thiếu niềm tin vào thị trường phía trước.
Do đó, VCBS cho rằng nếu không có những sự hỗ trợ làm thay đổi kỳ vọng vào thị trường trong tương lai thì có lẽ giá cổ phiếu sẽ phải giảm thêm để đủ cân bằng với lo ngại rủi ro.
Cũng theo VCBS, phiên đầu tuần không có nhiều tin quan trọng có ảnh hưởng tới thị trường. Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá giảm nhẹ, tuy nhiên kỳ vọng tăng vẫn còn nếu xem xét trên cung cầu ngoại tệ cuối năm. Tiếp tục có thêm công ty chứng khoán hạ phí giao dịch, lãi suất cho vay hỗ trợ nhà đầu tư tuy nhiên những biện pháp này có lẽ sẽ không mang đến hiệu quả đáng kể khi lo ngại rủi ro vẫn đang chi phối nhà đầu tư.
Nhìn chung, VCBS giữ quan điểm thị trường sẽ tiếp tục giảm nếu không có thêm tin hỗ trợ cần thiết và sẽ xem xét lại khả năng hỗ trợ của vùng đáy của tháng 12 năm trước.
* CTCK Bảo Việt (BVS) cho rằng thị trường đang được dẫn dắt bởi yếu tố tâm lý và thanh khoản. Với việc thanh khoản tiếp tục sụt giảm cùng với sự thiếu hụt những tin tức tích cực hỗ trợ, diễn biến tâm lý nhà đầu tư trong nước đang trở nên xấu hơn và dẫn tới một số động thái tiêu cực. Mặc dù áp lực bán hiện tại không phải quá lớn, song phản ứng dè dặt của nhà đầu tư đã khiến thị trường chìm sâu.
Vietstock nhận định:
Trong những phiên giao dịch sắp tới thị trường chờ đợi các thông tin vĩ mô như lạm phát, xuất nhập khẩu, tăng trưởng công nghiệp... đặc biệt những thông tin chính sách quan trọng từ phía cơ quan quản lý. Chúng tôi cho rằng hiện tại thị trường vẫn khá rủi ro. Nếu thị trường tiếp tục giảm ”hiệu ứng Domino” có thể làm chứng khoán giảm sâu hơn nữa. Thị trường chỉ thực sự hồi phục khi có các chính sách tích cực từ phía cơ quan quản lý và các tín hiệu vĩ mô khả quan. | Trên phương diện kinh tế vĩ mô, BVS cho biết tình hình tỷ giá đã có chiều hướng bớt căng thẳng sau quyết định giảm giá VND thêm 2% của NHNN. Tỷ giá trong hệ thống ngân hàng đã giao dịch dưới mức trần 19,500 VND/USD trong khi tỷ giá ngoài thị trường tự do cũng xuống dưới mức 19,600 VND/USD. Mặc dù vậy, vẫn còn không ít lo ngại về sự ổn định của tỷ giá trong thời gian tới, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu thanh toán và lượng nhập siêu thường có xu hướng tăng cao.
Về xu thế thị trường, BVS cho rằng trước diễn biến khó lường của chỉ số VN-Index, nhà đầu tư hạn chế giao dịch và không gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư chỉ nên tham gia thị trường trở lại khi diễn biến của VN-Index trở nên ổn định hơn với sự đảm bảo từ việc thanh khoản được cải thiện.
*CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết, CPI tháng 8/2010 đạt 0.23% đã phá vỡ xu hướng giảm của hai tháng trước. Như vậy, CPI của 8 tháng qua đã tăng 5.08% so với tháng 12/2009 và tăng 8.18% so với cùng kì năm trước. CPI tăng nhẹ là một điều đáng khích lệ khi giá xăng dầu vừa được điều chỉnh gần đây. Tuy vậy, tác động của giá xăng tăng cùng với việc tăng tỷ giá lên thêm 2% vào ngày 18/8 sẽ được phản ánh hoàn toàn vào CPI tháng 9.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 15/8, kim ngạch xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 8 đã giảm 3.6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2.59 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 10% đạt 3.07 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay đã đạt 41.1 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 48.8 tỷ USD dẫn đến nhập siêu 7.7 tỷ USD tương đương với 18.8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo VCSC, những chỉ số vĩ mô trái chiều này sẽ không đóng vai trò tích cực cho phiên giao dịch tới của thị trường. Tuy CPI trong tháng 8 vẫn thấp, nhiều khả năng chỉ số này sẽ tăng mạnh vào tháng tới khi tác động của việc tăng giá xăng và nâng tỷ giá được phản ánh hoàn toàn. Nhập siêu tuy thấp nhưng cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm là đáng lo ngại.
Vì vậy nhiều khả năng thị trường sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng bởi những chỉ số vĩ mô này mà đợi những thông tin rõ ràng hơn về Thông tư 13 đang được Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại. Cho đến khi đó, xu hướng giảm sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thị trường.
*CTCK FPT (FPTS) dựa trên phân tích kỹ thuật để khẳng định rằng diễn biến sáng 23/08 đã cho thấy phiên tăng điểm cuối tuần trước chỉ là một “bull trap”, đường giá tiếp tục vận động theo kênh giảm giá hình thành cách đây 1 tháng. Chỉ số giảm mạnh dần về cuối phiên đồng thời khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh cho thấy tâm lý khá bi quan của nhà đầu tư. Các chỉ báo kỹ thuật cũng cho thấy tín hiệu xấu: MFI và RSI giảm vào vùng quá bán trong đó MFI giảm xuống mức thấp kỷ lục, Stochastic và MACD tiếp tục giảm…
Ngưỡng hỗ trợ trong ngắn hạn của đường giá là đáy 441.10 điểm hình thành trong phiên ngày 13/08. Tuy nhiên, với xu thế hiện tại thì trong những phiên tới, nhiều khả năng đường giá sẽ xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ này để test lại vùng đáy 430 hình thành cuối năm 2009.
FPTS cho rằng tâm lý bi quan khiến nhiều cổ phiếu giảm quá dà. Dòng tiền bị rút mạnh khỏi thị trường do hoạt động phát hanh cổ phiếu tăng vốn của nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng đang gây ra những hệ quả xấu. Để thị trường ổn định hơn cần có một cú hích đủ mạnh và theo FPTS chỉ có cú hích từ chính sách điều tiết vĩ mô mới có thể khiến thị trường nhanh chóng thoát khỏi trạng thái hiện nay.
Viết Vinh (tổng hợp)
|