Hiện tượng đột biến ngày 20.8: Dòng tiền có thực?
Cả hai ngày cuối tuần giới đầu tư CK có vẻ cũng không được nghỉ ngơi khi khắp nơi râm ran chuyện đi tìm nguyên nhân của hiện tượng tăng giá bất ngờ hôm thứ sáu (20.8).
VN-Index tăng xấp xỉ 2% (8,65 điểm) chỉ trong vòng 15 phút đóng cửa so với cuối đợt 2, chuyển sang trạng thái tăng điểm dù phần lớn thời gian trước đó bảng điện tử đỏ loè.
Lại tin đồn
Cho đến giờ nguyên nhân được nhiều người chấp nhận nhất là do tin đồn giảm lãi suất cơ bản và hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Đây cũng là lý giải của bộ phận phân tích của các CTCK căn nguyên sự việc có lẽ bắt nguồn từ một thông tin mang tính trêu đùa nhiều hơn là có dụng ý. Không ai biết xuất xứ thông tin từ đâu, nhưng phương tiện lan truyền chủ yếu là qua tin nhắn và “chát” (công cụ trao đổi thông tin qua mạng, ví dụ Yahoo!Messenger).
Ngay người viết bài này cũng nhận được nhiều tin nhắn thông báo và nhờ kiểm chứng nguồn tin. Trên công cụ chát và diễn đàn còn xuất hiện cả đường dẫn vào tin được đăng trên một tờ báo kinh tế uy tín. Khó có thể nói thông tin trên được tung ra nhằm dụng ý kích động vì ngay nội dung cũng cho thấy sự sơ hở: Thông tin đã được đăng vào cùng ngày năm ngoái! Có lẽ sự việc được đẩy lên cao trào vì thị trường đang trong giai đoạn nhạy cảm, NĐT đang rất cần một căn cứ để củng cố tâm lý. Bất kỳ NĐT nào bình tĩnh kiểm chứng nguồn tin đều nhận thấy sự vô lý trong tin đồn này.
“Tôi không cho rằng nhiều NĐT dính quả lừa với thông tin đó” - một NĐT trên sàn HBBS cho biết. Mặc dù phải thừa nhận rằng khi nhận được tin nhắn qua điện thoại, anh cũng giật mình. Tuy nhiên suy luận đầu tiên của anh là: Chưa có CPI cả nước của tháng 8 thì chưa thể có quyết định về lãi suất cơ bản được. Mặt khác, gần đây có quá nhiều thông tin đồn thổi các loại nên NĐT thường rất cảnh giác. “Nếu có NĐT nóng ruột nhảy vào mua thì cũng nên xem liệu quy mô vốn của họ có thực sự lớn để mức có thể thay đổi cục diện tới 180 độ như vậy không. Chỉ có NĐT nhỏ lẻ mới bị sốc trước các tin đồn và phản ứng thái quá, còn đa số NĐT lớn, vốn dày, có kinh nghiệm, nếu có tin đó thực có thể họ còn biết trước khi đăng tải chứ đừng nói là họ không kiểm chứng thông tin để bị lừa” - NĐT này khẳng định.
Diễn biến của đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa của HoSE là trường hợp đảo chiều chưa từng có trong lịch sử. Thị trường giao dịch khá ảm đảm và VN-Index đang ở mức -6 điểm. Chỉ sau vài phút, đột nhiên lệnh mua bay vào tới tấp như một trận pháo kích và đẩy giá tăng ngược lên ở nhóm CP lớn. VN-Index đóng cửa tăng 2,61 điểm, tương đương tăng tới 8,65 điểm so với thời điểm cuối đợt hai.
Dòng tiền có thực?
Vô số giả thuyết được NĐT đưa ra để lý giải hiện tượng bất thường trong phiên giao dịch cuối tuần. Thậm chí còn có cả giả thuyết các tổ chức “đánh lộn”, “úp sọt” lẫn nhau, “phe” đánh lên “dằn mặt” phe đánh xuống và buộc những NĐT bán khống phải mua lại CP... Trí tưởng tượng của NĐT quả là phong phú, nhưng điểm chung của các giả thuyết là không có bằng chứng cụ thể.
Tuy nhiên, cũng có những căn cứ để đánh giá hiện tượng này. Thứ nhất, dòng tiền mua đột biến vào nhóm bluechips đầu tiên, sau đó mới lan tỏa đến các CP trung bình và nhỏ khác. Điều này rất dễ nhận biết với những NĐT theo dõi bảng điện chặt chẽ. Hàng loạt lệnh mua ATC xuất hiện ở các mã như PVD, PVF, VCB, REE, FPT, ITA... Nếu hỏi NĐT cá nhân hiện sợ nhất điều gì, chắc chắn đa số trả lời là sợ đầu tư bluechips! Việc NĐT cá nhân – những người dễ tin vào tin đồn nhất – nhảy bổ vào mua bluechips là giả thuyết không hợp lý.
Thứ hai, lệnh mua chủ yếu xuất phát từ NĐTNN, không lẽ khối ngoại cũng hóng tin đồn? Có lẽ giả thuyết này cũng vô lý vì rào cản ngôn ngữ cũng như kinh nghiệm của họ khó có thể cho phép xảy ra một sai lầm thô thiển như vậy.
Thứ ba, thông tin từ CTCK Vincom cho biết tin đồn về giảm lãi suất lan truyền từ đầu ngày. Cty cũng phỏng vấn chớp nhoáng các NĐT về hiện tượng lệnh ATC đưa vào bảng điện tử ở hầu hết các mã lớn với câu hỏi mua hay bán thì có tới 90% các câu trả lời là sẽ không mua mà bán hoặc không hành động gì. Hầu hết các NĐT đều biết tin đồn trên là thất thiệt.
Thứ tư, giả thuyết về hành động “kéo” HoSE để xả HNX cũng không vững vì lực mua tại HoSE chủ yếu là khối ngoại, trong khi giao dịch của khối ngoại tại HNX rất thấp. Khó có thể nói khối ngoại “kẹp hàng” tại HNX nhiều đến mức phải dùng chiêu này để thoát ra.
Việc lựa chọn ngày cuối tuần để tung tin đồn thì hiệu ứng không thể kéo dài vì NĐT có thời gian kiểm chứng thông tin qua hai ngày nghỉ. Rất có thể thông tin chỉ ban đầu xuất phát một cách vô ý hơn là có chủ đích vì tin đồn không kèm nguồn sẽ thuận lợi hơn, NĐT không có điều kiện kiểm chứng. Trong khi đó, mẩu tin đi cùng tin đồn lần này rất dễ nhận biết. Trên 8,6 triệu CK được mua vào đợt đóng cửa tại HoSE, tương đương 246 tỉ đồng là mức giao dịch mạnh nhất trong vòng 4 tuần gần đây. Dù chưa rõ nguyên nhân thực sự của hiện tượng đột biến ngày 20.8 là gì, nhưng rõ ràng dòng tiền vào mua là có thực.
Hoàng Nguyên
LAO ĐỘNG
|