Sàn UPCoM ảm đạm
Mặc dù phương thức giao dịch mới đã được áp dụng hơn 1 tháng qua, nhưng sự thay đổi này chưa tạo được “cú hích”nào cho thị trường giao dịch các cổ phiếu chưa niêm yết (UPCoM).
Trước ngày 19/7, nhiều nhà đầu tư đã đặt khá nhiều kỳ vọng vào sự “lột xác” của sàn UPCoM. Theo đó, sàn UPCoM chính thức được giao dịch khớp lệnh liên tục thay thế phương thức giao dịch thỏa thuận điện tử, đồng thời giữ nguyên phương thức giao dịch thỏa thuận thông thường. Tại thời điểm đó, một số nhà phân tích cho rằng, nhiều cổ phiếu tiềm năng trên sàn UpCoM sẽ có cơ hội tạo sức hút đối với nhà đầu tư giúp cho thị trường này trở nên sôi động hơn.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra trong vòng 1 tháng qua đã không giống như các nhà đầu tư mong đợi, sàn UPCoM chỉ thực sự sôi động trong một số phiên trước khi phương thức khớp lệnh liên tục được áp dụng, rồi sau đó dần dần lại rơi vào trạng thái ảm đạm. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên đạt hơn 1,1 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch bình quân là 15,9 tỷ đồng. Cá biệt, có những phiên giá trị giao dịch toàn thị trường UPCoM chỉ đạt có vài tỷ đồng.
Trong khi đó, với việc chỉ số UPCoM-Index đã giảm xuống dưới 50 điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, giá các cổ phiếu trên sàn UPCoM đã khá hấp dẫn để đầu tư.
Ông Ngô Gia Lương, Phó giám đốc môi giới thuộc Công ty Chứng khoán Beta (BSI) cho rằng, hiện khá nhiều cổ phiếu niêm yết trên sàn UPCoM đang có mức giá tốt, mặt bằng giá còn tương đối thấp, chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến nhận xét, sự trầm lắng của sàn UPCoM là do ảnh hưởng từ thị trường chính thức.
Theo đại diện một công ty chứng khoán tại Hà Nội, việc sàn UPCoM thay đổi phương thức giao dịch mới, nhưng chưa thể hiện được hiệu quả là do thời điểm áp dụng đúng vào lúc bối cảnh thị trường chứng khoán chung đều rơi vào trầm lắng.
Trong tháng 7 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân trên sàn TP.HCM cũng chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là mức khá thấp so với giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng trước đó.
Trong khi đó, suốt một thời gian dài, cả 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM đều rơi vào trạng thái “cò cưa” kéo dài và sau đó, khoảng 2 tuần gần đây là tình trạng tụt dốc. Động thái này cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư nản lòng và đứng ngoài “cuộc chơi”, khiến cho cả thị trường chính thức lẫn UPCoM đều rơi vào cảnh vắng khách.
Ngoài ra, cho dù phương thức khớp lệnh liên tục cũng đã được đưa vào áp dụng ở UPCoM như trên 2 sàn chính thức, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn có tâm lý thích mua bán trên các sàn chính thức hơn là ở sàn UPCoM.
Ông Ngô Anh Dũng, một nhà đầu tư có thâm niên cho biết, hầu như ông không giao dịch các cổ phiếu UPCoM, vì hiện nay, số lượng hàng trên 2 sàn chính thức cũng đã rất phong phú, đủ để ông có thể lựa chọn cho việc đầu tư của mình. “Thông tin về các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn chính thức cũng minh bạch hơn, nhà đầu tư có thể theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh của DN dễ dàng hơn”, ông Dũng nhận xét.
Do đó, theo ông Dũng, với những DN có các chỉ số kinh doanh tương tự như nhau thì đương nhiên, ông thích chọn một DN đã niêm yết trên sàn Hà Nội hoặc sàn TP.HCM hơn, thay vì đầu tư vào một DN đang giao dịch trên sàn UPCoM. “Thậm chí, tôi sẵn sàng đầu tư vào DN có khả năng sinh lợi thấp hơn, nhưng đã niêm yết trên 2 sàn chính thức, vì đối với tôi, tính ổn định trong kinh doanh và sự minh bạch về thông tin mới là điều quan trọng nhất”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, việc giao dịch trên sàn UPCoM kém sôi động hơn thị trường chính thức cũng là điều dễ hiểu, bởi vì đa số các cổ phiếu giao dịch trên UPCoM vẫn là các cổ phiếu nhỏ, quy mô vốn không lớn và tính đại chúng cũng không cao như các DN niêm yết trên 2 sàn chính thức.
Chí Tín
Đầu tư
|