UPCoM - cần một lời giải khác
Sau một tháng thay đổi phương thức giao dịch, kéo dài thời gian giao dịch, sàn UPCoM vẫn không cho thấy sự chuyển biến tích cực. Với 88 công ty lên UPCoM, thị trường này vẫn chưa thực sự tạo được chỗ đứng và vị thế trong con mắt nhà đầu tư, thậm chí cả các công ty đại chúng chưa niêm yết. Sau hơn một năm vận hành, có lẽ bài toán UPCoM cần một lời giải khác?
Số mã đăng ký tăng nhanh, thanh khoản vẫn yếu
Ngày 24/6/2009, sàn UPCoM mở cửa với 10 cổ phiếu đăng ký giao dịch, tổng vốn điều lệ hơn 1.285 tỷ đồng. Đến nay, con số này tăng lên 88 cổ phiếu, tổng vốn điều lệ đạt hơn 9.365 tỷ đồng, tổng giá trị vốn hóa hơn 13.899 tỷ đồng. Tính bình quân toàn thị trường, vốn điều lệ các DN lên UPCoM là 111 tỷ đồng/công ty. Đáng chú ý, có tới 21/88 công ty có vốn điều lệ trên 80 tỷ đồng (điều kiện cần để niêm yết trên HOSE). Con số này cho thấy, quy mô của doanh nghiệp trên UPCoM không thua kém các sàn niêm yết.
Tuy nhiên, khối lượng và giá trị giao dịch trên sàn UPCoM luôn ở mức rất thấp. Từ khi mở cửa đến nay, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên đạt gần 520.000 đơn vị, giá trị chỉ đạt hơn 7,6 tỷ đồng (bằng 0,054% tổng giá trị vốn hóa thị trường).
Thay đổi không cải thiện được tình hình
Để giúp cải thiện tính thanh khoản cho UPCoM, Sở GDCK Hà Nội đã thay đổi phương thức giao dịch và kéo dài thời gian giao dịch kể từ ngày 19/7/2010. Tuy nhiên, ngược với mong đợi, tác động tích cực chỉ xuất hiện vài ngày trước khi những thay đổi trên có hiệu lực, còn sau đó, “đâu vẫn vào đấy”.
Ngay sau khi có tin UPCoM sẽ thay đổi, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường khiến khối lượng và giá trị giao dịch tăng vọt. Nhà đầu tư tranh nhau đặt lệnh kịch trần khiến cả thị trường “đột ngột” đi lên trong 11 phiên liên tiếp, hàng chục cổ phiếu tăng trần, bất chấp việc quy chế giao dịch chưa hề thay đổi. Nguyên nhân thị trường “bùng nổ” được lý giải là thay đổi giao dịch được kỳ vọng sẽ khiến UPCoM hấp dẫn hơn, các cổ phiếu sẽ được các “đội lái” để ý và làm giá. Chỉ trong 19 phiên giao dịch (kể từ 22/6 đến 16/7), thị trường đã có 15 phiên tăng và 4 phiên giảm điểm (trong đó có 11 phiên tăng liên tiếp). Chỉ số UPCoM-Index tăng hơn 30,57% từ mức 46,02 điểm lên 60,09 điểm, nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM đã tăng giá hơn 100% như NBW, BTW, TNB...
Khi sàn UPCoM chính thức khớp lệnh liên tục, trong vòng 1 tháng sau đó, thị trường này lại liên tiếp giảm điểm. Không ít nhà đầu tư phải “ngậm đắng nuốt cay” khi muốn cắt lỗ mà không làm được do những cải thiện về thanh khoản trên UPCoM vừa đạt được lại “bỗng dưng biến mất”. Trong 24 phiên giao dịch, chỉ số UPCoM-Index mất đi 19,7% khi có tới 18 phiên giảm điểm. Giá trị giao dịch bình quân chỉ còn 15,9 tỷ đồng.
Tù mù thông tin
Cơ chế công bố thông tin đối với sàn UPCoM khá lỏng lẻo. Các doanh nghiệp trên UPCoM, ngoài việc phải công bố thông tin bất thường, chỉ phải thực hiện công bố BCTC năm được kiểm toán và báo cáo thường niên. Nhà đầu tư chỉ được đọc Bản cáo bạch khi doanh nghiệp chính thức giao dịch, rồi mỗi năm đọc BCTC 1 lần. Tình trạng công bố thông tin “nhỏ giọt” khiến nhà đầu tư chỉ hiểu biết tù mù về các công ty trên sàn này.
Theo thống kê của ĐTCK, trong số 88 công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, có tới 24 công ty không có website, 5 công ty hết hạn tên miền và website không hoạt động. Dạo một vòng trên các website có được, nhà đầu tư cũng chỉ tìm thấy 15 công ty cập nhật BCTC quý II/2010 cho nhà đầu tư, 3 công ty cập nhật đến BCTC quý I/2010, 34 công ty cập nhật BCTC năm 2009. Cá biệt như CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình (TNM) mới chỉ đưa BCTC năm 2007 lên cho nhà đầu tư nghiên cứu, tin tức mới nhất trên website này ghi ngày 30/4/2008.
Có một thực trạng là nhiều cổ phiếu chào sàn “không kèn, không trống”. Bảng điện tử không có người giao dịch, không một lệnh bán, mua trong thời gian dài, thậm chí không xác định được giá tham chiếu để tính giá trị vốn hóa. Cả thị trường có hơn 88 mã thì chỉ có khoảng 40 mã thỉnh thoảng có giao dịch. HNX vừa phải có quyết định loại bỏ gần chục cổ phiếu ra khỏi rổ tính chỉ số vì không có giao dịch trong 25 phiên liên tiếp. Cá biệt, có 5 mã không có giao dịch nào kể từ khi chào sàn đến nay là HPL (133 phiên), REM (121 phiên), VKD (88 phiên), VIA (82 phiên), GER (55 phiên).
Câu hỏi đặt ra là nếu không để giao dịch cổ phiếu, thì các doanh nghiệp này “mất công, mất việc” lên sàn UPCoM làm gì? Để giao dịch trên UPCoM, các doanh nghiệp này đều phải là công ty đại chúng, tức là có từ 100 cổ đông trở lên. Phải chăng, cả trăm cổ đông này đều không có nhu cầu giao dịch, hay là có nhưng chẳng “ma” nào quan tâm?...
Công ty chứng khoán thiếu dịch vụ hỗ trợ
Do tập trung chú trọng vào những cổ phiếu được nhà đầu tư quan tâm, các CTCK không mặn mà đối với cổ phiếu trên UPCoM. Rất ít báo cáo phân tích cổ phiếu trên UPCoM. Trên website của nhiều CTCK, cơ sở dữ liệu về UPCoM cũng không được cập nhật.
Nhiều nhà đầu tư phản ánh, muốn tìm hiểu về UPCoM cũng khó vì nhân viên môi giới không mặn mà với việc tư vấn cổ phiếu trên UPCoM. Nhiều nhân viên không nhớ nổi tên và các mã giao dịch trên UPCoM. Việc đặt lệnh mua bán cổ phiếu trên sàn UPCoM cũng bị hạn chế không giống như 2 sàn niêm yết như không được ký quỹ, không có giao dịch trực tuyến…
Giải pháp nào cho UPCoM?
Có nhiều ý kiến đóng góp để sàn UPCoM có thể thu hút nhà đầu tư hơn. Theo đó, yêu cầu thiết thực nhất là phải cải thiện tình trạng công bố thông tin hiện nay. Sân chơi UPCoM nên có cơ chế lọc những cổ phiếu không có thanh khoản, tránh tình trạng hơn 1/2 bảng điện tử trắng trơn. Có thể định hướng xây dựng sân chơi UPCoM thành sàn giao dịch tập trung của các cổ phiếu tiềm năng, để giới thiệu cơ hội đầu tư đến các nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư lớn thay vì hướng đến nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hoặc đi theo hướng mở rộng sàn UPCoM theo mô hình giao dịch trên thị trường tự do (OTC) nhưng có sự kiểm soát, cho phép mua bán liên tục trong phiên, giao dịch kỳ hạn, ký quỹ... Có như vậy, sàn UPCoM mới thoát khỏi tình trạng giao dịch cầm chừng như hiện nay. UPCoM cần một sự thay đổi mang tính chiến lược mới có thể trở thành một cấu phần hữu ích của TTCK Việt Nam.
Quang Sơn
đầu tư chứng khoán
|