TTCK: Khi nào xuất hiện tín hiệu dòng tiền trở lại?
Sự yếu thế của bên mua và khan hiếm của dòng tiền trên thị trường khiến cho VN-Index liên tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh trong khoảng thời gian ngắn vừa qua. Điều này tạo ra tâm lý bi quan chung trên toàn thị trường, thậm chí nhiều nhà đầu tư cá nhân chán nản rời bỏ sàn chứng khoán.
Phiên giao dịch ngày 24/8, tâm lý thị trường đã bị đẩy lên mức hoảng loạn khi bên còn giữ cổ phiếu tìm cách thoát hàng bằng mọi giá. Mặc dù thanh khoản trong phiên tăng mạnh trở lại nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện, tăng gần gấp đôi so phiên trước, nhưng chốt phiên vẫn thể hiện sự thắng của bên bán, trong khi bên mua dường như đuối sức.
VN-Index liên tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật ngắn hạn
Mặc dù, các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật trước đó được đánh giá là khá vững chắc, nhưng diễn biến vừa qua cho thấy chỉ số giá liên tiếp phá vỡ các ngưỡng này một cách dễ dàng và rất nhanh. Yếu tố khiến cho lực cầu tại các điểm hỗ trợ không thể cứu vãn được thị trường trước tình thế áp đảo của bên bán là do sự rút ra của các dòng tiền lớn. Điều này xuất phát từ động thái các Ngân hàng thương mại giảm mạnh những khoản cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay công ty chứng khoán, giảm danh mục đầu tư có rủi ro cao nhăm tăng lỷ lệ vốn an toàn tối thiểu lên 9% từ mức 8% theo tinh thần của Thông tư 13/2010 của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, VN-Index trong ngắn hạn cũng khó có thể giữ được mốc 430 điểm tại ngưỡng 50% của Fiboracci Retracement.
VN-Index hình thành mô hình “Đỉnh - đầu - vai”: Tín hiệu cảnh báo về sự giảm mạnh
VN-Index đã hoàn thành mô hình “Đỉnh đầu vai” từ khoảng tháng 3/2010 tới nay, khi đường giá chính thức xuyên qua đường neckline (đường vòng cổ) với khối lượng giao dịch lớn (trên 47 triệu đơn vị). Thực tế cho thấy đây là một mô hình khá phổ biến với độ tin cậy tương đối cao. Mô hình Đỉnh đầu vai hình thành trong khoảng tháng 9 -11/2009 đã minh chứng cho điều này. Tại thời điểm đó, VN-Index đã có mức giảm từ “đường vòng cổ” tương đương với chiều cao của mô hình và tạo đáy tại mốc 432 điểm. Theo mô hình này, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu trong các phiên tới với mục tiêu có thể đạt đến là 390 điểm, cao hơn một chút so với mốc 385 điểm của ngưỡng 61.8% Fibonacci Retracement trong dài hạn.
Vậy bao giờ xuất hiện tín hiệu dòng tiền trở lại vào thị trường chứng khoán? Trước tiên, thị trường vẫn tiếp diễn xu hướng giảm điểm, ngay cả phiên ngày 24/8 có khối lượng giao dịch tăng mạnh nhờ lực cầu bắt đáy chủ yếu từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, nhưng rõ ràng bên mua đã thất thế trước áp lực bán ngày càng tăng lên. Trong quá khứ, khi dòng tiền lớn bị rút ra, thị trường cần một khoảng thời gian tích lũy đủ lớn, ít nhất là khoảng 2 tuần đến 1 tháng, trước khi có thể phục hồi trở lại. Các nhà đầu tư giá trị gom đủ hàng ở mức giá thấp và xuất hiện những thông tin hỗ trợ tích cực, khi ấy sẽ phát ra tín hiệu tăng điểm và dựa vào tính hấp dẫn riêng có của cổ phiếu này sẽ thu hút được dòng tiền trở lại với thị trường này.
Hiện nay, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào sự sửa đổi Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước theo hướng tích cực hơn. Cụ thể, thứ nhất là loại bỏ tỷ lệ vốn cho vay/huy động không vượt quá 80% cho phù hợp với thông lệ quốc tế; thứ hai là lùi thời gian áp dụng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu mới 9% sang thời điểm đầu năm sau để tránh gây khó khăn cho các NHTM chưa thể tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng trước thời điểm 1/10/2010. Nếu như Thông tư 13 được sửa đổi theo hướng trên sẽ giúp cho dòng tiền trở lại TTCK tích cực hơn. Đồng thời, với kỳ vọng về báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III/2010 sẽ cải thiện được tâm lý nhà đầu tư và thúc đẩy giao dịch thị trường sôi động hơn.
Chu Đức Tuấn
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|