Thứ Năm, 26/08/2010 17:28

Giải ngân là vừa

Tính từ mức điểm 500 của VN-Index và hiện nay là hơn 450 điểm, nhiều cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt trên cả hai sàn chứng khoán đã có mức giảm giá từ 30 - 50%. Với tỷ lệ giảm giá sâu như vậy, không ai phủ nhận đó là cơ hội tốt trong đầu tư chứng khoán. Thế nhưng vì sao đứng trước cơ hội đầu tư tốt và hiếm như vậy, các nhà đầu tư vẫn dửng dưng?

Tham bát, bỏ mâm

Nhìn giá cổ phiếu (CP) trên thị trường đã khá hấp dẫn theo quan điểm đầu tư trung, dài hạn thế nhưng bà Nguyễn Hồng Mai, Trưởng Phòng Đầu tư, Quỹ Bảo hiểm Bưu điện vẫn băn khoăn chưa dám giải ngân. Đơn giản chỉ vì đánh giá các tin tức kinh tế vĩ mô hiện tại thì thị trường chưa có “cửa sáng” - hồi phục.

Kể từ khi VN-Index rơi khỏi 500 điểm, đã có một lần bắt đáy nhưng không thành công nên bà Mai mới quyết định dừng tay không “bắt dao rơi”, quyết chờ thị trường đảo chiều chắc chắn mới tham gia.

Đánh giá tâm lý phần lớn các nhà đầu tư (NĐT) đang ứng xử với thị trường hiện nay, không ít ý kiến cho rằng các NĐT đang “tham bát, bỏ mâm”, nghĩa là sợ cái rủi ro ngắn mà bỏ qua cơ hội dài. Sở dĩ có tâm lý như vậy là do tất cả cùng chung suy nghĩ: triển vọng của kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm rất khó dự đoán, trong khi nhiều nhà phân tích cho rằng “cửa lên” chưa thấy đâu trong khi cửa xuống thì luôn rình rập với thị trường.

Để chứng khoán có cửa lên, trước hết phải có luồng tiền mới chảy vào thị trường. Để có luồng tiền mới lại liên quan đến vấn đề kinh tế vĩ mô phải ổn định. Đó là các vấn đề lạm phát phải được kiềm chế ở mức thấp, tỷ giá phải ổn định... từ đây kinh tế vĩ mô mới có cơ hội có chỉ số đẹp. Khi kinh tế vĩ mô có chỉ số đẹp và mang yếu tố bền vững, thị trường chứng khoán sẽ tăng.

Trở lại nhận định các NĐT đang tham bát bỏ mâm, ông Đinh Anh Kim, Giám đốc Chi nhánh Chương Dương, Công ty Chứng khoán APEC cho rằng, sở dĩ giá chứng khoán bị giảm về mức như hiện nay là nó đã phản ánh các rủi ro của kinh tế vĩ mô vào giá. Một khi kinh tế vĩ mô bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, sẽ không có giá chứng khoán như mức hiện nay.

Ông Kim cho rằng, chúng ta đang đứng trước các cảnh báo rủi ro còn tiềm ẩn với thị trường chứng khoán khi kinh tế thế giới có nguy cơ quay trở lại đáy kép, với đà tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, kinh tế Nhật đang giảm phát, châu Âu vừa khủng hoảng nợ công vừa đối mặt với lạm phát…

Thế nhưng cũng phải nhìn nhận, không một chính phủ nào muốn kinh tế quốc gia mình rơi vào khủng hoảng. Đặc biệt là Mỹ và châu Âu, hai đầu tàu kinh tế thế giới càng không muốn bởi họ đã có bài học sâu sắc rằng nếu để khủng hoảng kép xảy ra, cái giá phải trả sẽ lớn hơn nhiều.

Vì thế, bằng mọi giá các chính phủ sẽ sẵn sàng tung ra các gói kích thích kinh tế mới nếu thấy nguy cơ suy thoái lộ diện. Khi tin tức về các gói kích thích được tung ra, các NĐT sẽ lại lạc quan và một chu kỳ tăng mới của thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu. “Cá nhân tôi cho rằng đây là thời điểm giải ngân tốt đối với các NĐT có tiền.

Còn các NĐT đang nắm giữ CP nhưng bị lỗ không việc gì phải bán ra vì dù có bán ra cắt lỗ thời điểm này với hy vọng sau này mua lại giá rẻ hơn, lợi nhuận sinh ra nhanh hơn... theo kinh nghiệm của nhiều NĐT, cách này không hiệu quả hơn việc ngồi im chờ thị trường hồi phục. Mọi giá trị sẽ quay trở lại vị trí cũ!”, ông Kim nói.

Vùng đáy đâu đây

Phiên giao dịch 20/8 là một phản ánh khá thú vị về triển vọng thị trường. Khi VN-Index giảm điểm, lượng giao dịch sụt giảm xuống mức thấp. Bên mua chỉ đặt mua giá thấp, còn bên bán cũng không sốt sắng hạ giá bán. Cho đến khi thị trường có tin “vịt” về việc hạ lãi suất cơ bản, các lệnh mua giá cao ồ ạt đổ vào vơ vét các CP đã giảm giá khá sâu.

Dù tín hiệu đảo chiều của thị trường phiên 20/8 chưa rõ lành mạnh hay chỉ là trò ảo nhưng nó cũng cho thấy nguồn cung CP giá giảm đã không còn dồi dào và lượng tiền sẵn sàng tham gia thị trường đã sốt ruột. Nghĩa là chỉ cần các thông tin kinh tế phát dấu hiệu tích cực, VN-Index sẽ đảo chiều tăng điểm.

Ông Trần Nguyên Cường, chuyên viên Phòng phân tích Đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, một trong trong những dấu hiệu tổng kết được thị trường vào vùng đáy là việc các doanh nghiệp đăng ký mua lại CP của công ty mình.

Điều đó phản ánh rằng, giá CP trên thị trường đã giảm giá thấp hơn giá trị sổ sách hay tiềm năng của công ty. Với nguyên lý giá cả xoay quanh giá trị thật, khi NĐT thấy trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký mua lại CP của công ty họ thì có thể xem, giá CP trên thị trường đã trở nên cực kỳ hấp dẫn và thời gian đảo chiều sẽ không còn xa.

Theo kinh nghiệm, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Phòng môi giới, Công ty Chứng khoán Sao Việt chia sẻ, ngoài các tín hiệu cảnh báo vùng đáy của thị trường mang tính kỹ thuật, các NĐT có thể nhận thấy thời điểm giải ngân tốt là khi phần lớn các chuyên gia có tên tuổi trên thị trường (thường là lãnh đạo các công ty chứng khoán) lên tiếng đánh giá về sự hấp dẫn của giá CP, về triển vọng thị trường.

Ông Hồ Dương, đại diện một quỹ đầu tư ngoại cho biết, với quan điểm của NĐT tổ chức, điểm giải ngân hấp dẫn của thị trường Việt Nam là khoảng vùng quanh 400 điểm. Đó là điểm bình quân chung, còn cụ thể với từng CP, nhiều mã đã khá hấp dẫn và nhiều quỹ vẫn đang giải ngân mua gom CP, đặc biệt là các mã thuộc ngành bất động sản, do lợi nhuận của nhóm này sẽ tốt trong trung, dài hạn.

Đồng thuận với các quan điểm trên, ông Vũ Thanh Tùng, đại diện một quỹ đầu tư Hàn Quốc cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang mở ra cơ hội sinh lời lớn cho các NĐT. Đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn với việc đầu tư vào thị trường chứng khoán, ông Tùng cho đây là thời điểm vàng.

Vì ngoài cơ hội sinh lời xét theo đà phục hồi của kinh tế vĩ mô, ông Tùng thú vị khi thấy đặc điểm riêng của thị trường chứng khoán Việt Nam là “sóng” thường rất lớn do các NĐT vẫn mua - bán theo phong trào. “Tôi kỳ vọng quý IV mọi chuyện sẽ chuyển biến tích cực hơn thời điểm hiện tại. Chắc chắn rồi, bởi sau thời kỳ tin xấu sẽ lại đến thời kỳ toàn tin tốt và thị trường chứng khoán sẽ hồi phục!”, ông Tùng nói.

Thanh Lâm

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index tăng lên 46,20 điểm (26/08/2010)

>   Nỗi niềm môi giới mùa... “đói góp” (26/08/2010)

>   TRI: Giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tục (26/08/2010)

>   "Kỳ vọng vào NĐT mới và sự gom hàng tại vùng đáy của các tổ chức" (25/08/2010)

>   Thị trường ngày 26/08 và góc nhìn CTCK (25/08/2010)

>   Hai yêu cầu khó khả thi với CTCK (25/08/2010)

>   Dòng tiền "cạn" khiến thị trường lao dốc không phanh (25/08/2010)

>   UPCoM-Index giảm xuống 45,72 điểm (25/08/2010)

>   Thông tư 13 có đáng ngại? (25/08/2010)

>   EuroCapital đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ NĐT (25/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật