Lạc dòng chỉ số chứng khoán Việt Nam
Đợt tăng điểm ấn tượng trong 4 tuần qua của TTCK Mỹ, châu Âu, khởi đầu với một loạt thông tin hỗ trợ như: kết quả kinh doanh lạc quan và cao hơn dự đoán của các DN Mỹ trong hầu hết các lĩnh vực từ vận tải, công nghiệp, công nghệ và tài chính; kết quả khả quan của cuộc kiểm tra các ngân hàng châu Âu; thành công trong các cuộc đấu giá trái phiếu của các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha…
Trong bối cảnh lạc quan của TTCK thế giới trong tháng qua, tại sao VN-Index vẫn ở trong tình trạng lình xình với xu thế đi xuống, kèm theo thanh khoản yếu ở mức 30 - 40 triệu cổ phiếu được khớp trong một phiên. Nói ngắn gọn là chỉ số VN-Index đã bị lạc dòng so với chứng khoán thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.
Các nhà đầu tư tổ chức thì hy vọng và hy vọng, trong khi các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu xuất hiện tâm trạng chán nản và mệt mỏi (ngoại trừ các nhóm đầu cơ làm giá cổ phiếu), bởi mặc dù VN-Index không giảm nhiều nhưng giá cổ phiếu lại giảm đáng kể.
Chúng ta điểm qua một số con số và sự kiện trong thời gian qua:
Việc tổ chức định giá tín nhiệm Fitch Ratings hạ cấp tín nhiệm Việt Nam có liên quan đến mức độ rủi ro của nợ quốc gia và sức khỏe của các ngân hàng Việt Nam. Xét về tỷ lệ nợ quốc gia trên GDP thì con số vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, hiệu quả của khoản vay như trường hợp của Vinashin rõ ràng không mang lại điểm tốt theo đánh giá của tổ chức định giá tín nhiệm nước ngoài và việc mức tín nhiệm của Việt Nam bị hạ cấp là có thể dự báo được.
Việc tăng nguồn hàng cho thị trường tính từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 7/2010 là khá dồi dào với khoảng 2,3 tỷ cổ phiếu mới của các công ty hoàn toàn mới được niêm yết trên 2 sàn chứng khoán và theo tính toán của các cơ quan quản lý, dự kiến đến cuối năm sẽ có thêm 1,3 tỷ cổ phiếu của các công ty mới niêm yết sẽ được bổ sung vào sàn HOSE, như vậy tính sơ bộ có đến hơn 4 tỷ cổ phiếu mới gia nhập thị trường, chưa kể đến khối lượng không nhỏ các cổ phiếu chia tách, tăng vốn bổ sung của các công ty đã niêm yết. Nguồn cung hàng lớn như vậy so với dòng tiền mới bổ sung vào thị trường là bất cân xứng, là lực cản cho một con sóng đầu tiên trong năm 2010 của thị trường.
Trong khi dòng tiền mới của thị trường chưa khơi thông, thì một lượng tiền lớn cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng vốn của các ngân hàng Việt Nam sẽ thực hiện trong năm nay theo lộ trình.
Tác động của Thông tư 13/2010/TT-NHNN, trong đó quy định nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của NHTM từ 8% lên 9%, với việc tăng tỷ lệ an toàn cho vay chứng khoán và BĐS từ 100% lên 250% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2010 có thể gây hiệu ứng không tích cực cho thị trường trong cả năm nay.
Nguồn tiền không được khơi thông từ khối ngân hàng tới nhiều DN có nhu cầu thực, mặc dù NHNN đã có nhiều biện pháp nhằm hiện thực hóa vấn đề này. Trong khi kết quả kinh doanh của đa số ngân hàng đều khá khả quan từ đầu năm đến nay, tại sao việc tiếp cận nguồn vốn của nhiều DN vẫn gặp khó khăn là câu hỏi khó trả lời.
Các hoạt động đầu cơ, làm giá trên thị trường thời gian qua phải nói là rất phổ biến, trong khi cơ quan quản lý thị trường vẫn chưa có chế tài đủ mạnh, điều này cũng làm nản lòng của khá nhiều nhà đầu tư.
Tóm lại, đã có không ít nguyên nhân trả lời cho câu hỏi tại sao VN-Index lạc dòng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn lại chỉ số VN-Index, hiện nay cao hay thấp?
Nhìn vào con số thực, rõ ràng VN-Index đang ở mức trên dưới 500 điểm, mức của thị trường tại thời điểm đầu năm 2010.
Tại thời điểm 27/7/2010, giá trị VN-Index ở mức 500 điểm, tuy nhiên nếu loại bỏ các cổ phiếu vốn hóa lớn của HOSE như BVH, VNM, MSN, VIC, VPL thì VN-Index mới này giảm xuống mức 450 điểm, như vậy phải nói các cổ phiếu blue-chip (ngoài 5 cổ phiếu nêu trên) đã có mức giảm điểm khá sâu, điều đó nói lên một điều là đối với khá nhiều nhà đầu tư mua và nắm giữ từ đầu năm hiện đang thua lỗ.
Vậy TTCK sắp tới sẽ ra sao? Về ngắn hạn, chỉ số VN-Index lình xình theo xu thế xuống trong thời gian một tháng qua, có thể nói là đi ngược chiều với chỉ số chứng khoán Mỹ, mà ở đây tạm lấy Dow Jones làm điển hình.
Hiện nay, hầu hết DN Mỹ đã công bố báo cáo tài chính quý II và giá cổ phiếu cũng tăng để phản ánh kết quả công bố này. Như vậy, thời gian tới, các chỉ số vĩ mô kinh tế Mỹ và tình hình châu Âu sẽ là những chỉ báo cho chứng khoán Mỹ. Rất có thể có những diễn biến không tích cực sẽ xảy ra, khởi đầu có thể là báo cáo thất nghiệp tháng 6/2010 sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Theo thống kê trong vòng 3 năm qua, khi Dow Jones đi xuống, VN-Index luôn song hành, bởi vậy với nội tại của Việt Nam hiện nay chưa nhiều thông tin hỗ trợ, thì khả năng điều chỉnh của Dow Jones trong thời gian tới có thể sẽ là yếu tố cho VN-Index tham khảo.
CTCP Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF)
Đầu tư chứng khoán
|