Thứ Năm, 05/08/2010 05:57

Hàng và tiền lệch nhau

Theo ước tính, có đến hơn 1,3 tỉ cổ phiếu (CP) của các doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn TP.HCM (HOSE) trong thời gian tới.

Cung hàng ồ ạt

Trong số các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HOSE, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) có quy mô lớn nhất với 530 triệu CP. Kế đó một số doanh nghiệp khác như CTCP vận tải biển VN có 140 triệu CP, CTCP đầu tư KCN dầu khí -Idico Long Sơn với 82,7 triệu CP,... Đó là chưa kể hàng loạt doanh nghiệp cũng đang xếp hàng lên sàn Hà Nội và sàn UPCoM. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) hồ hởi đón nhận nguồn cung hàng hóa mới với kỳ vọng nó mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường. Tuy nhiên, đây cũng chính là gánh nặng vì các NĐT cùng lúc phải đón nhận thêm hàng loạt lượng CP mới được phát hành thêm từ những doanh nghiệp đang niêm yết. Doanh nghiệp không chào bán thêm CP cho cổ đông thì cũng phát hành thêm CP để trả cổ tức năm 2009 hoặc đợt 1.2010. Tất cả đều làm gia tăng lượng cung CP đang giao dịch trên cả hai sàn.

Ngoài ra, việc hơn 20 ngân hàng cũng đang bắt buộc phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng trong năm nay cũng sẽ là một áp lực không nhỏ lên các NĐT. Bởi chính họ cũng phải bỏ tiền ra để mua thêm CP mà ngân hàng phát hành ra theo lộ trình tăng vốn này. Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc khối Phân tích - Đầu tư, Công ty chứng khoán SME (SMES) - nếu xét về dài hạn thì hàng hóa càng đa dạng sẽ càng tốt cho thị trường. Bởi NĐT sẽ có thêm sự lựa chọn đồng nghĩa với việc sẽ thu hút thêm dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cũng nhận định khi có nhiều doanh nghiệp mới lên niêm yết, vô hình trung sẽ tạo nên một sự cạnh tranh công khai giữa CP mới với những CP đang giao dịch trên sàn. Từ đó các doanh nghiệp đang niêm yết cũng phải nỗ lực để tạo ra kết quả kinh doanh tốt hơn, chăm sóc mối quan hệ với NĐT tốt hơn,... nếu không muốn CP của mình bị NĐT lơ là.

Nguồn tiền có hạn

Thị trường chứng khoán VN trong vòng 3 tháng qua liên tục giảm xuống và đi ngang trong biên độ hẹp khiến không ít NĐT chán nản và rời bỏ thị trường. Nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho thị trường chưa thể bứt phá trở lại là do nguồn vốn đầu tư chưa thể gia tăng. NĐT cá nhân không mặn mà bỏ thêm vốn, các quỹ đầu tư cũng không còn dễ dàng huy động vốn từ nước ngoài để tham gia bởi tỷ lệ lợi nhuận không còn hấp dẫn sau 7 tháng đầu năm 2010. Nguồn tiền có hạn trong khi nguồn cung dồi dào nên tất yếu giá hàng hóa phải được giảm xuống trong ngắn hạn là chuyện dễ hiểu.

Ông Nguyễn Việt Hùng nhận xét, trong năm 2009 khi tăng trưởng tín dụng đạt 38% thì chỉ đếm được trên lòng bàn tay số doanh nghiệp mới niêm yết. Việc chia tách CP cũng hạn chế. Thay vào đó là xu hướng mua CP quỹ nên lực cầu mạnh và hỗ trợ rất tốt cho thị trường. Còn hiện nay, tăng trưởng tín dụng tiền đồng chưa bằng 50% cùng kỳ năm 2009 nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục các kế hoạch niêm yết và phát hành thêm ồ ạt và thị trường đang nghiêng mạnh về “cung”. “Trong ngắn hạn chúng tôi không lạc quan về khả năng thị trường bứt phá như năm 2009 bởi nguồn cung ồ ạt cũng sẽ tác động đến giao dịch của thị trường, ít nhất cho đến hết quý 3/2010. NĐT nên thận trọng khi dòng tiền không được cải thiện hoặc có suy yếu”, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh. Còn theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, doanh nghiệp lên niêm yết hay phát hành thêm CP là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường vốn nói chung. Thế nhưng làm thế nào để hàng - tiền không quá chênh lệch nhau thì phải có chiến lược để thu hút thêm sự tham gia của các dòng vốn mới. "Chúng ta có thể hy vọng trong quý 3 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ khuyến khích các ngân hàng gia tăng cung tiền vào nền kinh tế và lãi suất huy động sẽ giảm xuống. Dù nguồn tiền không trực tiếp chảy vào thị trường chứng khoán nhưng nó sẽ có tác động tích cực đến tâm lý NĐT. Hơn nữa khi lãi suất huy động của các ngân hàng được giảm về còn khoảng 8-9%/năm thì khi đó thị trường chứng khoán sẽ thu hút được các NĐT hơn hiện nay" - ông Hiển nói.

Mai Phương

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Làm giá ngày chào sàn, nhìn từ câu chuyện WTC (04/08/2010)

>   Danh mục tự doanh, công khai đến mức nào? (04/08/2010)

>   Quỹ ngoại nhắm vào doanh nghiệp tư nhân (04/08/2010)

>   Nới lỏng tiền tệ và sự kỳ vọng cho TTCK (04/08/2010)

>   UPCoM-Index giảm 4 phiên liên tiếp (04/08/2010)

>   Giao dịch trên thị trường OTC nhạt dần (04/08/2010)

>   Thị trường cần luồng vốn mồi (04/08/2010)

>   Cái lý của dòng tiền (04/08/2010)

>   Tại sao thị trường chứng khoán Việt Nam lình xình? (04/08/2010)

>   Thị trường ngày 04/08 và góc nhìn từ CTCK (04/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật