Làm giá ngày chào sàn, nhìn từ câu chuyện WTC
Ngày 30/7/2010, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo không chấp nhận một giao dịch 100 cổ phiếu WTC tại sàn UPCoM với giá 500.000 đồng/cổ phiếu, được thực hiện giữa khách hàng của hai công ty chứng khoán là FPT và VN Direct trong phiên.
Lỗi được thông báo là do đặt lệnh nhầm, kiểu như viết 5 chục thành 5 trăm.
Và, vấn đề sẽ không có gì ồn ào, nếu như cái giá 500.000 đồng này không phải là để xác định mức giá đầu tiên của WTC tính từ khi lên sàn.
Chuyện không xác định giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên trước kia được áp dụng ở cả hai sàn HOSE và HNX, do người ta nghĩ rằng về kỹ thuật, dù có là mức giá nào thì cũng không ảnh hưởng lên chỉ số (index). Nói cách khác, sau khi xác định giá rồi thì người ta mới cập nhật giá đó vào index của ngày hôm sau, mà đã là hôm sau thì giá cổ phiếu sẽ lại dao động không vượt quá biên độ chính thức được nữa.
Tuy nhiên, cả Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và HNX đã phát hiện một thủ thuật rất “hay ho” do công ty niêm yết hoặc nhà đầu tư nào đó thông minh nghĩ ra. Đó là làm luôn một deal (giao dịch) nào đó có thể tác động và làm ra mức giá đầu tiên cực cao. Cho dù từ ngày thứ hai trở đi, cổ phiếu đó có rớt sàn, thì do bị hạn chế về biên độ, giá cũng vẫn rớt “từ từ”, từ rất rất cao về rất cao và... về cao. Chuyện này cũng khá giống với chuyện viết phiếu đấu giá trên HOSE hồi 2007-2008, khi từng có người đặt mua cả trăm triệu đồng/cổ phiếu/phiếu đấu.
Trên thực tế, còn có chuyện làm giá "khùng" hơn chuyện nói trên. "Khùng" ở chỗ là thay vì làm deal với giá cực cao, lại có mã bị deal với giá cực thấp. Đó là một mã mà trong suốt 30 phút đầu khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa, cũng là giá ngày giao dịch đầu tiên mà không có ai mua bán. Trong khi người ta đang chờ xem cổ phiếu này có giá nào, thì tự dưng có một deal được thực hiện với giá có... 2.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này thì không cần biết nó tốt hay xấu, chỉ nội chuyện xác định giá trần sàn cho các phiên sau đó là đủ "nhức đầu".
Thực tình thì chuyện “làm giá méo mó” này đối với sàn HOSE đã được xử lý, trên cơ sở là công ty niêm yết sẽ xác định trước một giá tham chiếu nào đó và báo cho HOSE để làm căn cứ tính biên độ dao động giá của ngày đầu tiên. Thứ nhất, công ty niêm yết khi báo giá phải có căn cứ, tức là phải giải trình tại sao muốn giá đó, giá đó tính bằng phương pháp gì (dòng tiền, P/E…) Thứ hai, cho dù biên độ có 20% thì cũng vẫn là giới hạn, với mức giá “hợp lý” ban đầu + biên độ, sẽ ngăn chặn được những mức giá “trời ơi đất hỡi” nói trên. Trong khi đó, sàn HNX vẫn đang bảo vệ quan điểm “đường thông hè thoáng” của mình. Còn một cách nữa, là các sàn sẽ canh chừng, để nếu kẻ nào dám đặt giá “bậy bạ” thì sẽ tìm cách xử lý trước khi đóng cửa thị trường.
Chuyện xác định giá làm sao phản ánh đúng cung cầu là rất quan trọng. Cung cầu ở đây phải là một số lượng đáng kể các lệnh mua và bán đủ lớn để không ai có thể tác động được đến giá khớp (tức là lái mức giá khớp theo ý đồ riêng). Chính vì thế mà cho dù khớp lệnh liên tục là phổ biến, là theo thông lệ, nhưng HOSE vẫn duy trì cơ chế khớp lệnh định kỳ xác định các mức giá mở cửa và đóng cửa mỗi ngày, chứ không coi giá mở cửa và đóng cửa là giá của deal đầu tiên và cuối cùng trong ngày như HNX.
Đây cũng là điều HOSE đã rút ra khi tham khảo cơ chế khớp lệnh của các sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan… Trong khi đó, cơ chế khớp lệnh trên HNX hiện còn nhiều yếu tố mang tính... lịch sử để lại.
Hiện nay, có khi chúng ta vẫn thấy giá cổ phiếu được xác định không phải do cung cầu, hay không đúng ý nghĩa của hai từ cung cầu mà chúng ta thường hình dung. Ở đây, không nói chuyện mua tay trái bán tay phải, làm giá ở đâu đó, mà muốn nói đến chuyện giá được xác định trên một lô giao dịch tối thiểu. Nói rõ hơn, tức là có khi bạn sẽ thấy có một lệnh đặt mua 1 triệu lô ở giá trần, rồi nhưng chỉ có một lệnh bán 1 lô ở giá… trần, khiến giá cuối cùng khớp trần, và cổ phiếu được coi là tăng giá. Tạm gọi là có lượng cầu lớn, nhưng không có đủ lượng cung để xác định giá công bằng.
Cách duy nhất xử lý được chuyện này, theo người viết, là kéo dài thời gian giao dịch cộng với kiểm soát được sự phân bố cổ phiếu trong dân chúng. Tức là cổ phiếu muốn giao dịch phải có một lượng nhất định phân tán trong nhiều nhà đầu tư, tránh việc bị thu gom và bị khống chế trong tay thiểu số. Quy định 15% cổ phiếu nằm trong tay cổ đông không phải nội bộ của công ty niêm yết (tiêu chuẩn niêm yết trên sàn HNX) có lẽ nên được thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ % ra bên ngoài công ty niêm yết nhiều hơn.
Riêng về biên độ dao động giá, người viết cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn cần biên độ giá hàng ngày, để ngăn chặn tình trạng xác định giá không do cung cầu. Thị trường nước ngoài họ có biên độ rộng, thậm chí không có biên độ như Mỹ, nhưng họ làm được vì thị trường của họ có độ sâu. Theo đó, điều duy nhất nên làm lúc này là thay đổi lại biên độ giá một chút theo tính chất của từng sàn. Hiện mọi người đều thấy điều “nghịch lý” là sàn HOSE có cổ phiếu chất lượng nhất thì lại có biên độ nhỏ nhất, còn sàn UPCoM thấp nhất thì lại có biên độ lớn nhất. Biên độ nhỏ có thể xuất phát từ quan điểm chống đầu cơ, tuy nhiên nếu vậy thì cũng phải lưu ý rằng: (i) đầu cơ không hẳn xấu nếu giá cổ phiếu vẫn được xác định do cung cầu và (ii) đầu cơ chỉ méo mó nếu giá cả dễ bị khống chế và lèo lái cộng với thiếu minh bạch về thông tin.
Hoàng Thạch Lân
TBKTVN
|