Thứ Bảy, 28/08/2010 06:27

Hụt hẫng dòng tiền

Thị trường chứng khoán (TTCK) đang cần một dòng tiền mới, đủ để “hút” lượng cung ồ ạt và hãm đà giảm điểm trong suốt vài tháng qua.

Giá trị giao dịch liên tục giảm

Thanh khoản sụt giảm, khối lượng và giá trị giao dịch trên cả hai sàn chưa đầy 2.000 tỉ đồng/phiên trong suốt gần 1 tháng qua đã kéo chỉ số chứng khoán cả hai sàn liên tục rớt mạnh, khiến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) bi quan. Trong vài tháng trở lại đây, giá trị giao dịch trên sàn HOSE giảm dần: Hồi tháng 3 là 45.000 tỉ đồng; tháng 4 khoảng 40.000 tỉ đồng; các tháng 5, 6, 7 tương ứng khoảng 38.000, 30.000, 25.000 tỉ đồng; đến tháng 8, tính đến ngày 27.8 là chưa đầy 20.000 tỉ đồng. Trên sàn HNX, tính từ đầu tháng đến ngày 27.8, giá trị giao dịch chỉ đạt khoảng hơn 15.000 tỉ đồng, con số này rất thấp so với các tháng trước đó.

Giao dịch của khối ngoại cũng rất khiêm tốn khi từ tháng 6 đến tháng 8, tổng giá trị giao dịch của khối này tại HOSE chỉ khoảng từ 2.000 tỉ đến hơn 3.000 tỉ đồng, trong khi giá trị giao dịch những tháng trước đó ở mức từ 5.000 -6.000 tỉ đồng/tháng.

Dòng tiền trên TTCK sụt giảm mạnh và đã biến đi đâu? Một lãnh đạo của Công ty chứng khoán (CTCK) Kim Long cho rằng dòng tiền khối nội đang nằm trong túi các NĐT, nhưng những NĐT này thời gian qua đã mất niềm tin nên cố tìm cách thoát ra khỏi thị trường và không quay trở lại, khiến dòng tiền cũng từ đó mà đi theo. “Nhiều NĐT đã tìm cách quay trở lại, nhưng thị trường liên tiếp phá đáy và sụt giảm khiến họ nhanh chóng từ bỏ ý định” - vị này nói và cho biết thêm chính sự ảm đạm của thị trường khiến các NĐT không mặn mà với chứng khoán, thay vào đó là gửi tiết kiệm, mua vàng hoặc đầu tư vào những lĩnh vực khác.

Kỳ vọng dòng tiền mới

Bà Phan Vân Hà, Tổng giám đốc CTCK Artex, đặt câu hỏi: Thị trường kỳ vọng dòng tiền mới, nhưng dòng tiền này ở đâu và như thế nào? Bà cũng nhận định: NĐT nội rất nhiều tiền, nhưng do sự bi quan, mất niềm tin vào thị trường nên các NĐT không giải ngân. Còn dòng tiền mới mà NĐT trông chờ vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ không bao giờ có, cũng như những hy vọng về việc giải ngân vốn ồ ạt của khối ngoại cũng khó xảy ra. “Nhiều người kỳ vọng TTCK sẽ được “bơm” vốn từ phía ngân hàng như năm ngoái. Nhưng câu chuyện đó hiện nay không còn, và khó có thể xảy trong bối cảnh phải kiểm soát lạm phát và hạn chế rủi ro cho vay chứng khoán mà Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố”,  bà Hà nói. Cũng theo bà Hà, khối ngoại đang “lỗ nặng” do mua ròng nhiều tháng trước, và nay với khối lượng giải ngân không đáng kể, cũng khó hy vọng vào nguồn vốn này.

Vậy dòng tiền mới ở đâu? Theo ông Lê Hồ Khôi, Giám đốc CTCK Tràng An, vấn đề chính nằm ở niềm tin của NĐT. Chỉ khi có niềm tin, NĐT mới sẵn sàng rút tiền tiết kiệm, thế chấp nhà cửa, vay tiền hoặc huy động để đầu tư vào chứng khoán. Niềm tin đó đang bị mất đi bởi nhiều yếu tố. “Chính phủ tuyên bố quyết tâm hạ lãi suất từ tháng 2, nhưng hiện tại lãi suất cơ bản vẫn ở mức 8%, chưa thay đổi là bao”, đó là một trong những yếu tố được ông Khôi ví dụ.

Dòng tiền có quay trở lại không? Một chuyên gia đưa ra giả thiết dòng tiền có thể quay lại khi chỉ số VN-Index tụt sâu xuống dưới 400 điểm, và sau đó tăng liên tục lên khoảng 450 điểm. “Đà rơi của thị trường tiếp tục xảy ra, giá nhiều cổ phiếu (CP) vào vùng hấp dẫn kéo NĐT vào, kéo theo nhiều dòng tiền mới. Nhưng trong bối cảnh thị trường thiếu thông tin hỗ trợ, nền kinh tế vĩ mô không thực sự tốt thì ít có NĐT nào “thích thú” với chứng khoán”, ông nói. Đồng quan điểm đó, bà Hà cũng cho rằng cái mà thị trường cần là một dòng tiền ổn định và bền vững chứ không phải dòng tiền nóng, mà dòng tiền này chỉ có khi nền kinh tế ổn định, các DN tăng trưởng tốt, làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận.

Chênh lệch cung - cầu CP ngày càng lớn

Theo lãnh đạo một CTCK tại Hà Nội, đây là nguyên nhân quan trọng khiến dòng tiền có vào cũng không hấp thụ được, chứ chưa nói đến chuyện có vào hay không. “Cung - cầu CP càng ngày càng xấu đi. Lượng CP đổ dồn vào thời điểm cuối năm là một điều rất tai hại”, vị này nói.

Một chuyên gia khác đặt vấn đề: Tại sao các DN phải lao vào phát hành CP đẩy nguồn cung lên?, rồi ông lý giải: Vì DN không vay được tiền của ngân hàng, lãi suất cho vay của ngân hàng quá cao nên phải huy động vốn bằng cách phát hành CP. “Không chỉ các DN, ngay cả các ngân hàng cũng tạo nên một nguồn cung CP lớn cho thị trường khi Ngân hàng Nhà nước buộc các ngân hàng tăng đủ vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng. Tất cả đều đổ hết vào TTCK, thử hỏi làm sao mà thị trường không sụt giảm”, chuyên gia này nhận định.

Anh Vũ

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Những cổ phiếu ngược dòng thị trường (27/08/2010)

>   Cổ phiếu không đáy (27/08/2010)

>   DN chủ động tiết giảm nguồn cung cổ phiếu (27/08/2010)

>   UPCoM-Index mất hơn 5% giá trị sau một tuần giao dịch (27/08/2010)

>   Kéo dài thời gian giao dịch: Nửa mừng, nửa lo (27/08/2010)

>   "TTCK đã bắt đầu hấp dẫn NĐT" (27/08/2010)

>   TTCK: Khó tăng mạnh trong thời gian tới! (27/08/2010)

>   Thị trường ngày 27/08 và góc nhìn CTCK (26/08/2010)

>   Nghịch lý trong đầu tư vào cổ phiếu ngành điện (26/08/2010)

>   Giải ngân là vừa (26/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật