Cổ phiếu không đáy
Dưới áp lực điều chỉnh của thị trường chung, rất nhiều CP đã giảm mạnh, đến nỗi NĐT không biết đâu là đáy. Một số CP khác tưởng chừng đã xác lập được mức đáy vững chãi nhưng cuối cùng cũng phá đáy, giảm mạnh. Khái niệm đáy CP đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Không đáy vì không đỉnh
Tính từ đầu năm, VE9 (Vneco 9) là một trong những CP tăng hỗn nhất trên thị trường, không biết đâu là đỉnh của VE9. Rốt cuộc CP này cũng xác lập mức đỉnh 6.4 vào cuối tháng 6 và bắt đầu giai đoạn đều chỉnh. VE9 không điều chỉnh một mạch, mà vẫn có những đợt sóng nhỏ, chỉ có điều đỉnh của những đợt sóng này cứ thấp dần và xu hướng chính vẫn là giảm giá. So với mức giá đỉnh 6.4, mức giá khoảng 4.0 hiện nay của VE9 cũng không phải quá thấp, vì mới mất giá chưa đến 4%.
5 tháng đầu năm nay, DQC (Điện Quang) là một trong những CP có sóng mạnh nhất trên thị trường. Khi CP DQC tăng từ 3.0 lên 4.0, nhiều người nhận định rất khó để tăng thêm, nhưng rồi CP này vẫn leo lên 5.0. Trong khi NĐT vẫn còn đang nói 5.0 đã là “giỏi lắm rồi”, DQC lại leo lên 6.0.
Từ đây, các tin đồn cũng được thể cho rằng DQC sẽ là CP không có đỉnh trong năm nay và 8.0 hay 10.0 cũng không thành vấn đề. Nhưng đầu tháng 5 đến nay, DQC rơi vào giai đoạn trường kỳ giảm giá, đã có lúc ngưỡng 4.0 được xem là rất vững chãi vì CP này đã có một thời gian hễ chạm ngưỡng 4.0 là bật trở lại.
Rốt cuộc DQC tiếp tục giảm trong tháng 7 và tháng 8, hôm qua đóng cửa tại mức 2.5. Như vậy, tính sơ DQC đã có 3 lần thủng đáy. Với tình hình thị trường như hiện nay, không ai dám nói 2.0 sẽ là đáy cuối cùng của DQC.
Để tạo thành những vùng giá vững chắc, CP cần có thời gian dài tích lũy quanh khu vực đó, để có sự “thay máu” giữa các NĐT và tình hình trong mặt bằng chung với thị trường. Nhưng với nhũng CP tăng nóng kiểu như DQC hay VE9, khi việc liên tục phá đỉnh mà không có giai đoạn tích lũy sẽ khiến CP thiếu nền vững chắc, số lượng NĐT phải mua giá cao nhiều hơn NĐT mua giá thấp.
Chính vì vậy, khi CP bước vào giai đoạn điều chỉnh, những “đội lái” nếu mua được giá thấp cứ vậy mà bán vì kiểu gì cũng lãi lời, còn những người mua giá cao lại đua nhau chạy cắt lỗ nên các mức giá đáy dễ dàng bị phá vỡ.
Không đáy vì bị... bể đáy
Trong thời gian dài, KSH (Khoáng sản Hà Nam) mỗi khi giảm về mức 5.0 đều bật trở lại khá mạnh. Tưởng như mức giá 5.0 rất vững vàng đối với KSH nhưng từ đầu tháng 8 đến nay KSH giảm nhiều hơn tăng và hôm qua đã thủng ngưỡng 4.0.
Thực chất việc xem KSH là đáy cũng khá cảm tính, lý do vì CP này đã từng tăng lên 9.0 thì Việc giảm gần 5.0 đã “quá đáng” lắm rồi nên rất khó để giảm thêm trong khi lại không có yếu tố mang tính bền vững. Chính vì sự mong manh này nên khi thị trường chung có một cú sốc, KSH sẽ rất khó trụ vững, và từ đây những mức đáy khác cũng rất khó xác lập vì không còn mức nào để làm quy chiếu nữa. Hiện tại P/E của KSH cũng đang ở mức 18 lần mà trên sàn có rất nhiều CP có P/E 4-5 lần nhưng cũng không thể tăng giá.
Thê thảm hơn KSH phải kể đến VST (Vitranschart), tưởng như vùng giá 1.8-2.0 khá vững chãi, vì ngay tại đây P/E của CP này chỉ khoảng 4-5 lần và VST cũng có nhiều yếu tố cơ bản ổn định. Nhưng sau khi phá vùng đáy này, VST đã giảm một mạch xuống mức 1.2. Nếu trong thời gian sắp tới VST có quay về sát với mệnh giá, NĐT cũng không có gì ngạc nhiên.
Đóng góp đáng kể cho việc đi xuống của VST là CP này không thể “nổi sóng” gây chán nản cho nhiều NĐT. Đứng trên góc độ là NĐT cá nhân, khi chọn lựa CP, yếu tố "sóng" sẽ được chú ý nhiều hơn là CP đó được tính giá rẻ hay đắt. Chính vì vậy khi thị trường xuống chắc chắn mọi người sẽ đẩy mạnh bán VST để lựa chọn một CP có khả năng bật lại mạnh hơn.
Hiện tượng CP không đáy xuất hiện chính là minh chứng tiêu biểu cho yếu tố thiếu bền vững trên TTCK Việt Nam. Bản thân các DN cũng nên coi lại vì sao CP mình rớt giá như vậy để tìm cách cải thiện, thay vì tự huyễn hoặc, chê bai NĐT có tầm nhìn ngắn hạn.
Thái Ca
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|