Dòng vốn trên thị trường đã đi đâu?
Chỉ số VN-Index liên tục đi xuống, áp lực bán mạnh ở cuối phiên, thanh khoản sút giảm. Điều gì đang xảy ra với thị trường niêm yết khi triển vọng kinh tế vĩ mô không có gì xấu?
Đội lái “mắc kẹt” trên thị trường niêm yết
Nếu bộ phận tự doanh của các CTCK lựa chọn trade (mua bán) các cổ phiếu bluechip hoặc theo trường phái cơ bản trên sàn niêm yết như năm 2009, chắc chắn sẽ là một năm thất bát từ đầu năm đến giờ. Lý do tín dụng ngân hàng chảy vào thị trường niêm yết (TTNY) bị thắt chặt, chi phí vốn cao khiến cho các cổ phiếu thị giá thấp (penny) hoặc trung bình (midcap) vẫn rất được ưa chuộng trong năm nay do không ngốn quá nhiều vốn.
Để tạo cơ hội kiếm lãi, các đội môi giới và tự doanh của các CTCK hợp sức đánh lên một số cổ phiếu penny tới mức giá được hô hào công khai tới 4x, 5x. Nhờ có bàn tay đội lái, danh tiếng các công ty niêm yết này được biết đến nhiều hơn do phải giải trình giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp bằng lý do rất chung chung: cổ phiếu tăng giá do cung cầu thị trường, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn bình thường, không có nhiều thay đổi. Các cổ phiếu như SRB, VE9, AMV, MKV, AGC… lên như diều gặp gió mặc dù không có thông tin hỗ trợ gì nổi bật, chưa nói đến phân tích cơ bản các công ty này không có gì để bàn. Tất nhiên, các đội lái này không dại gì không bán trước giá hô hào 4x, 5x nửa chặng đường vì bản thân họ đã gom được giá rẻ, hơn nữa, kỳ vọng lợi nhuận trong giai đoạn này thấp chỉ từ 15 - 20%. Sự lao dốc của giá chứng khoán khi các đội lái thoát hàng ồ ạt, cộng thêm hiệu ứng giải chấp đòn bẩy khiến nhiều nhà đầu tư kẹt vốn trong vụ “bám tàu” cùng đội lái. Điều này lý giải tâm lý do dự của nhà đầu tư trên TTNY trước những thông tin “đội lái” vì cơ hội kiếm lời và rủi ro với các penny stock được chia đều 50 - 50.
OTC – ôm tiền chờ
So với TTNY, thị trường OTC sôi động và thu hút dòng tiền hơn do mức độ tăng giá nhanh chóng nhờ kỹ thuật đẩy giá chuyên nghiệp. Các môi giới OTC thường thâu tóm một lượng lớn cổ phần và liên tục tạo sức cầu ảo khiến giá cổ phiếu tăng chóng mặt như trường hợp của Công ty Tài chính Ninh Bắc tăng giá từ 14.000đ/cp lên gấp đôi nhờ tin vốn điều lệ của công ty này tăng từ 20 tỷ lên 100 tỷ đồng. Thêm vào đó, khắc phục đặc điểm đọng vốn, nhiều CTCK triển khai sản phẩm repo cổ phiếu OTC nhằm hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư với mức lãi suất phổ biến từ 16 - 17%/năm. Ví dụ như cổ phiếu Công ty cổ phần FLC giá giao dịch phổ biến 26.000đ/cp được CTCK SSI repo lại với giá 15.000đ/cp, tương đương với việc khách hành chỉ bỏ ra 11.000 đồng tiền mặt để mua 1 cổ phiếu này và chịu lãi vay của dư nợ 15.000đ/cp. Hay cổ phiếu Sacomreal giá giao dịch 42.000đ/cp được CTCK Sacombank repo với giá 30.000đ/cp.
Tâm lý hiện nay của nhà đầu tư là nắm giữ cổ phiếu OTC các công ty đã nộp hồ sơ niêm yết, sắp chào sàn để giảm thiểu rủi ro thanh khoản và xác định nắm giữ 1 - 2 tháng. Hơn thế nữa, đi kèm tâm lý chuộng các cổ phiếu penny trên sàn niêm yết, thị giá các cổ phiếu OTC được săn đón thường khá thấp, chỉ 1x, 2x và thuộc nhóm ngành hot như bất động sản, khai khoáng v.v…Vì giá thấp nên khi tăng chỉ 2 đến 3 giá thì tỷ suất sinh lời trở nên khá cao và dễ dàng như trường hợp của cổ phiếu Eximland tăng từ 13.000đ/cp lên 16.000đ/cp (tăng 23%) chỉ trong 1 tuần lễ. Cơ hội kiếm lời với các cổ phiếu OTC vẫn còn nhiều tiềm năng nhờ biên độ giá tự do, giao dịch t+0 và giá chào sàn “ỡm ờ” do CTCK tự đưa ra dựa trên giá thị trường và đánh giá của riêng họ. Tuy nhiên, hiệu ứng “xả hàng” của cổ phiếu OTC trong ngày niêm yết đầu tiên là phổ biến khi giá chào sàn cao hơn hẳn với giá thị trường.
Đấu giá sôi động
Nhiều nhà đầu tư lo ngại về áp lực cung chứng khoán tràn ngập thị trường khi những vụ chào bán lần đầu (IPO) lớn diễn ra sẽ hút vốn mạnh như cổ phiếu PV Gas sẽ chào bán 10% số cổ phần trong tổng số vốn điều lệ lên tới gần 19.000 tỷ đồng (sau khi xác định lại giá trị doanh nghiệp). Tuy nhiên, những đợt đấu giá thành công diễn ra trong 2 tháng trở lại đây phản ánh sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn tới việc đấu giá cổ phần và dòng tiền mới kén chọn kênh đầu tư hơn. Tâm lý hiện nay của nhà đầu tư tham dự đấu giá là lựa chọn đấu giá cổ phiếu các công ty đã lên sàn, vốn điều lệ ở mức trung bình (dưới 500 tỷ), kỳ vọng mức giá trúng thấp hơn 20 - 30% giá giao dịch trên TTNY và sau 2 - 3 tháng có thể giao dịch được. Vụ đấu giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Quốc Tế Sơn Hà (SHI) đã thu hút đông đảo nhà đầu tư với khối lượng đăng ký gấp 3,5 lần lượng chào bán, giá trúng bình quân 21.359 đ/cp, thấp hơn 56% so với giá thị trường (ngày 30/07) là 33.400đ/cp. Cổ đông lớn của SHI là Mekong River Equity Fund cũng thực hiện mua 2 triệu cổ phiếu trong đợt đấu giá này và đương nhiên tổ chức này cũng phải kỳ vọng mức sinh lời tương đối khi cổ phiếu được giao dịch.
Tương quan với cơ hội đầu tư trên TTNY, nhiều nhà đầu tư bỏ tiền tham dự đấu giá và nắm giữ cổ phần với kỳ vọng lợi nhuận bằng hoặc hơn lãi suất gửi tiền 12 tháng của ngân hàng và rủi ro thấp hơn so với đầu tư trên TTNY. Trường hợp đấu giá thành công 25,8 triệu cổ phiếu của Công ty Điện Gia Lai (GEC) ngày 30/7 cũng được lý giải phần nào bởi mức trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt là 18%/năm. So với mức giá trúng bình quân 14.400đ/cp thì tỷ suất sinh lời của GEC tương đương 12,5%/năm, không phải là thấp, cộng thêm kỳ vọng tăng giá của cổ phiếu khi niêm yết. Do vậy, một phần nguồn vốn đầu tư đang chờ đón cơ hội tham gia đấu giá cổ phần nhờ hiệu quả sinh lời, ít rủi ro hơn khi mức giá trúng thấp từ 1x - 2x, chấp nhận thời gian nắm giữ lâu hơn, đặc biệt với nhà đầu tư tổ chức. Hai vụ đấu giá sắp tới hứa hẹn thành công không kém là cổ phần Công ty Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC) với giá khởi điểm chỉ 10.200đ/cp và Công ty Tài chính Handico với giá khởi điểm 12.500đ/cp đều có khối lượng đăng ký gấp 2,3 lần lượng chào bán.
Nhà đầu tư tổ chức đang ở đâu?
Do đặc điểm thị trường năm nay, các tổ chức lớn như các quỹ đầu tư, công ty tài chính không có việc gì khác là “đảo” danh mục đầu tư: cùng mua và bán danh mục cổ phiếu nắm giữ dài hạn của họ để ghi nhận lợi nhuận, đồng thời giảm sức ép cổ đông lên quỹ đầu tư. Điển hình gần đây như Red River Holding công bố thông tin vừa mua vừa bán 1,8 triệu cổ phiếu Dabaco (DBC). Hiệu ứng này không tác động tích cực đến TTNY vì không có nguồn tiền mới đổ vào thị trường, hơn thế nữa phát đi thông điệp là cơ hội đầu tư trên TTNY quá ít ỏi cho nhà đầu tư tổ chức. Hai kênh đầu tư tỏ ra hấp dẫn và an toàn hơn cả với các nhà đầu tư tổ chức là mua cổ phần phát hành riêng lẻ và trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp. Thương vụ được biết đến gần đây nhất là việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng cho CTCK Thăng Long (TLS) 20 triệu cổ phần PVX (Tổng công ty Xây lắp Dầu khí) với mức giá 25.000 đồng. Ngay sau đó, TLS đã công bố bán 15 triệu cổ phần, hiển nhiên, tổ chức này không bán trực tiếp trên sàn mà chủ yếu bán thỏa thuận lô lớn cho các đối tác - khách hàng của họ. Những thương vụ “bán buôn” kiểu như trên dự báo sẽ diễn ra khá phổ biến trong điều kiện kiếm lãi ngặt nghèo của TTNY như hiện nay.
Ngoài ra, “món ăn” trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) khá phù hợp khẩu vị hiện nay của các tổ chức nhờ sự linh hoạt của quyền chọn dành cho trái chủ. Thời gian đáo hạn của trái phiếu thường 12 - 24 tháng, lãi suất coupon từ 8 - 10%, để tìm kiếm lợi suất (yield) từ 10 -12% không phải là quá khó. Tới thời điểm đáo hạn trái phiếu, trái chủ có thể chọn chuyển đổi thành cổ phiếu với mức giá xác định trước hoặc không chuyển đổi. Như trường hợp 2.000 tỷ đồng TPCĐ của SSI tại thời điểm đáo hạn, giá cổ phiếu SSI lớn hơn giá chuyển đổi 36.125 đồng thì chắc chắn các trái chủ sẽ chuyển đổi thành cổ phần và ngược lại.
Hai kênh đầu tư tỏ ra hấp dẫn và an toàn hơn cả với các nhà đầu tư tổ chức là mua cổ phần phát hành riêng lẻ và trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp
Không chỉ riêng TPCĐ mà trái phiếu thông thường cũng tỏ ra hút khách nếu trái phiếu có tài sản đảm bảo, bán với mức chiết khấu cao. Trường hợp trái phiếu của Công ty Đầu tư và Thương Mại PFV (công ty con của Vincom) có mức chiết khấu tới 17%, thời hạn 3 năm cũng được bán thành công với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Điểm mặt trên TTNY, các công ty bất động sản có nhu cầu vốn lớn cho các dự án đang triển khai cũng chạy theo làn sóng phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư tổ chức, mà không thông qua kênh tín dụng ngân hàng. Chẳng hạn, Nhà Thủ Đức (TDH) phát hành 600 tỷ TPCĐ, Licogi 16 (LCG) chào bán 300 tỷ TPCĐ, Nhà Bình Chánh (BCI) bán thành công 300 tỷ đồng trái phiếu. Điều dễ nhận thấy là các nhà đầu tư tổ chức nhập cuộc vào những thương vụ mua bán ngoài sàn với giá trị lớn, mà bỏ qua các cơ hội đầu tư trên sàn. Thanh khoản thị trường sụt giảm cũng là dễ hiểu khi dòng tiền dồi dào không chảy vào TTNY mà tìm kiếm kênh đầu tư an toàn và phù hợp với tiêu chí đầu tư vốn dĩ rất cơ bản của các tổ chức.
Vài nét phác thảo về các kênh đầu tư chứng khoán giúp chúng ta làm sáng tỏ chuyển động của dòng vốn và tâm lý nhà đầu tư hiện nay. Xét cho cùng, tâm lý đầu tư cũng đang trở nên kén chọn “món ăn” hơn, mức độ chấp nhận rủi ro thấp, xác định thời gian dài hạn hơn và tạm quên việc trade ngắn hạn trên thị trường niêm yết.
Nhà đầu tư “ngán” đòn bẩy tài chính
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang giảm, các công ty chứng khoán muốn đẩy mạnh dịch vụ thu xếp vốn cho nhà đầu tư cần vốn để đầu tư chứng khoán nhưng ít người lựa chọn các hình thức đòn bẩy tài chính này.
Công ty chứng khoán Rồng Việt giữa tháng 7 đã thông báo giảm phí dịch vụ hợp tác đầu tư chứng khoán từ 0,05%/ngày xuống còn 0,045%/ngày. Theo ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng Giám đốc Rồng Việt, cho biết xu hướng lãi suất đang xuống, lãi suất nguồn vốn mà công ty nhận từ các ngân hàng giảm nên công ty cũng giảm phí cho nhà đầu tư, một phần là để khuyến khích nhà đầu tư sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, sau hơn nửa tháng thực hiện việc giảm phí, tổng lượng tiền đầu tư của công ty không tăng, chỉ duy trì ở mức bình quân là 300 tỉ đồng.
Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) cũng đã giảm lãi suất cho vay cầm cố đối với nhà đầu tư từ 18% xuống còn 16%/năm. Tuy nhiên, ông Johan Nyvene, Tổng Giám đốc HSC, cho rằng lượng sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư tại HSC đã giảm nhẹ thời gian gần đây và công ty cũng không sử dụng hết hạn mức các ngân hàng cấp để cho vay.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc của Công ty chứng khoán Tân Việt cũng cho biết, do tình hình thị trường đang giảm nên tâm lý của nhà đầu tư là không muốn mua thêm mà chỉ muốn bán. Mặc dù Tân Việt rất muốn tăng số lượng tiền để hỗ trợ cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính vì tài trợ vốn thời gian này rất ít rủi ro do giá cổ phiếu đã xuống quá thấp và khó lòng xuống sâu hơn nữa, nhưng nhu cầu sử dụng dịch vụ này lại không cao. |
Anh Quân
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|