Thứ Bảy, 14/08/2010 09:31

Cuộc tháo chạy tập thể mang màu sắc tâm lý

Những phiên vừa qua, TTCK đột ngột sụt giảm mạnh. Nhiều NĐT hoảng loạn bán tháo khi bảng điện chất đống lệnh bán ATC và giá sàn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, diễn biến đó là quá đà, mang yếu tố tâm lý nhiều hơn. ĐTCK lược ghi một số ý kiến.

Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ SHF

Tôi cho rằng, đây là cơ hội vàng để đầu tư, khi VN-Index về mức thấp nhất trong năm (đáy trước là 478 điểm). Từ thứ Ba tuần này tôi đã cho rằng, có thể cơ hội đang bắt đầu. Nếu bạn đang cầm tiền và nhận định VN-Index có thể xuống 400 điểm thì nên xem xét áp dụng chiến lược mua hình chóp nón, mua từ giờ đến lúc VN-Index xuống đến mức mục tiêu là giải ngân xong. Nếu bạn mua 1 - 2 phiên mà thị trường quay đầu mạnh thì có thể tiếp tục mua phía bên kia sườn đồi, tức là vẫn có thể mua được cổ phiếu ở vùng đáy. Trong chiến lược mua, ưu tiên cho những cố phiếu midcap (vốn hóa trung bình), có triển vọng lợi nhuận tốt và đã giảm giá mạnh. Yếu tố tạo sự đột phá hiện nay với TTCK, tôi cho rằng, phải xuất phát từ chính sách vĩ mô. Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế là ý chí chính trị, vì thế rất có thể cuối quý III, quý IV sẽ có chính sách thay đổi, hỗ trợ cho thị trường.

Ông Nhậm Hà Hải, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ FPT (FPT Capital)

Vài tháng gần đây, FPT Capital đã giảm thiểu đầu tư trên sàn xuống một tỷ trọng rất thấp, chủ yếu lựa chọn đầu tư theo hình thức mua cổ phần của các công ty chưa lên sàn. Để tránh rủi ro trong một thị trường có quá nhiều thông tin tốt xấu lẫn lộn như hiện tại, chúng tôi xem xét rất kỹ DN, cơ cấu cổ đông, kế hoạch tăng trưởng, khả năng nội lực phát triển của công ty đó. Thường thì chúng tôi ngắm đến những DN có tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Từ đầu năm đến nay, Quỹ cũng đã hiện thực hóa nhiều khoản đầu tư và hiện đang tìm kiếm cơ hội giải ngân thêm. Trong bối cảnh các DN có nhu cầu huy động vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược mà giá cổ phiếu giảm thấp thì đây là cơ hội tốt để đầu tư.

Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng bộ phận Phân tích, CTCK Bản Việt

4 ngày vừa qua, VN-Index liên tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ 480 và 450 điểm. Có thể lý giải biến động mạnh này xuất phát từ những thông tin liên quan đến khoản nợ của các tổng công ty và tập đoàn lớn như Vinashin, hay những quy định mới được áp dụng đối với hệ thống ngân hàng như Thông tư 13/TT-NHNN.

Tuy nhiên, các thông tin này được biết đến hơn 1 tháng trước và thị trường không có nhiều phản ứng tiêu cực. Chỉ trong tuần này, thị trường mới có những phản ứng tiêu cực khi mức độ sụt giảm nhanh qua từng phiên. Điều này cho thấy sự suy sụp tâm lý của NĐT sau một giai đoạn thị trường đi ngang quá lâu. Thêm vào đó, nhận định về sự hồi phục chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, cùng phiên giảm điểm mạnh của TTCK Mỹ như là giọt nước tràn ly đối với VN-Index. Việc giảm điểm liên tục dẫn đến áp lực giải chấp các cổ phiếu nhỏ, khi có mức giảm hơn 30% trong thời gian qua. Áp lực này ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường và lây sang các cổ phiếu có nền tảng tốt.

Một chu kỳ tăng giá của thị trường thường được dẫn dắt bởi các cổ phiếu blue-chip, sau đó sẽ đến làn sóng đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ chưa tăng giá. Đợt tăng giá gần nhất của thị trường chủ yếu phụ thuộc vào các cổ phiếu nhỏ. Do vậy, với đợt suy giảm mạnh lần này của cả cổ phiếu lớn lẫn cổ phiếu nhỏ, thì một đợt hồi phục của thị trường có thể xuất phát từ những cổ phiếu blue-chip, vốn bị lãng quên trong thời gian dài vừa qua.

Ông Phan Dũng Khánh, Chuyên gia chứng khoán độc lập

TTCK Việt Nam đang trải qua một đợt sụt giảm mạnh, gây thua lỗ cho nhiều NĐT. Một số nguyên nhân được nhận diện bao gồm: giá xăng đột ngột tăng, dòng tiền trên TTCK bị thu hẹp, nhiều cổ phiếu blue-chip bị khối ngân hàng đăng ký bán ra (chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 13/TT-NHNN), các ngân hàng nhỏ đứng trước áp lực phải tăng vốn lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào cuối năm, nguồn cung trên thị trường tiếp tục tăng từ các đợt phát hành của DN niêm yết… khiến những NĐT đang nắm giữ tiền mặt tỏ ra không có gì phải vội vã khi muốn chờ đợi những mức giá tốt hơn.

Tuy nhiên, các lý do trên không hoàn toàn mới mẻ. Sự sụt giảm mạnh, bất ngờ trong một số phiên không phản ánh chân thực các nhân tố cơ bản hiện tại. Sự đi xuống của thị trường giống một cuộc tháo chạy tập thể mang màu sắc tâm lý hơn là việc một thị trường hiệu quả vận động theo thông tin. Với bức tranh kinh tế vĩ mô hiện tại và nỗ lực của các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam thông qua các chính sách, biện pháp hỗ trợ để đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau giai đoạn suy thoái, thì sự sụt giảm của TTCK vừa qua chính là cơ hội để các NĐT trung và dài hạn tham gia thị trường.

Phong Lan - Giang Thanh thực hiện

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Hãy lắng nghe những lời nói thật  (14/08/2010)

>   Tại sao TTCK không phản chiếu diễn tiến kinh tế vĩ mô?  (14/08/2010)

>   Thị trường tuần 16-20/08 và góc nhìn từ CTCK (14/08/2010)

>   Dòng vốn trên thị trường đã đi đâu? (14/08/2010)

>   Tiền cạn, chứng khoán sụt (14/08/2010)

>   Nhà đầu tư bất an (14/08/2010)

>   Quỹ do SAM quản lý đã giải ngân hơn 95% vốn (14/08/2010)

>   UPCoM-Index giảm 3,03% sau một tuần giao dịch (13/08/2010)

>   Đầu tư dài hạn sẽ giảm bớt rủi ro (13/08/2010)

>   Điểm mặt “ngáo ộp” trên thị trường (13/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật